Văn hoá giải trí

Cận cảnh tượng phật cao 42m tại Nghệ An

18:00, 24/01/2023
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni có chiều cao 42m được đánh giá là tượng phật lớn bậc nhất khu vực Bắc Trung Bộ.
Sáng mồng Một Tết (ngày 22/1), rất đông người dân đã tới du xuân tại chùa Phúc Lạc để cầu bình an, cầu may mắn vào dịp đầu năm. Đối với mỗi người dân Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Chùa Phúc Lạc được xây dựng vào thời Lê, là một di tích, danh thắng linh thiêng, tọa lạc tại xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Do nhiều biến cố lịch sử, chùa đã bị tàn phá hoàn toàn, chỉ còn lại 2 ngôi mộ tổ và một phần đất nhỏ vài trăm mét vuông. Năm 2010, chùa Phúc Lạc được UBND tỉnh Nghệ An quyết định phục hồi, tôn tạo. Sau đó, nhân dân cùng các Phật tử đã chung tay, góp sức xây dựng lại chùa.
Trong đó, công trình đại tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 42m, đường kính chân tượng 32m, gồm 3 phần: Thân tượng, đài sen và lầu bát giác, được làm bằng bê tông, sắt thép. Tượng tọa lạc ngay trước chùa Phúc Lạc, được xem là tượng phật lớn bậc nhất khu vực Bắc Trung Bộ.
Thân tượng tạc với tư thế ngồi thiền, tay trái lật ngửa, tay phải nằm sấp, được an toạ uy nghiêm trên toà sen, biểu tượng cho sự thanh cao. Đôi mắt hướng về biển Đông như dõi theo, bảo vệ cho tàu thuyền ra khơi thuận buồm xuôi gió, bình an trở về.
Đại tượng Phật Thích Ca Mâu Ni chùa Phúc Lạc không chỉ đồ sộ về kích thước, kiến trúc mà còn hài hòa cân đối, sắc nét trong từng chi tiết, từ khuôn mặt đến nếp áo, cánh sen... Bên trong gian lầu bát giác (phần dưới của đại tượng) là nơi thờ đức Phật, có không gian rộng rãi.
Ông Nguyễn Văn Hùng, trú huyện Nghi Lộc cho biết, gia đình thường xuyên đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những năm tháng vất vả trong cuộc mưu sinh.
“Đi lễ đầu xuân không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân, bạn bè mà còn là dịp để thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh tại chốn linh thiêng trong tiết xuân và là dịp để hiểu thêm về nét văn hóa truyền thống của dân tộc, bổ sung thêm kiến thức lịch sử của bản thân”, ông Hùng nói.
Hòa vào dòng người đi lễ đầu xuân như cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào Xuân. Cửa chùa rộng mở với tiếng chuông ngân vang cùng mùi thơm của khói hương, hoa lễ luôn làm cho tâm hồn con người thanh bình đến lạ. Mọi người đến chùa không chỉ để cầu may hay gột bỏ những ưu phiền mà còn để tìm về với cội nguồn dân tộc.

 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện