Văn hoá giải trí

Bác Hồ với những mùa xuân của dân tộc

19:07, 22/01/2023
Tấm lòng yêu nước, thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong mọi hoạt động của Người, nhất là trong dịp tết.
Tháng 6 năm 1957, Bác Hồ kính yêu về thăm Thanh Hoá, Bác đã dành thời gian đến thăm con cán bộ miền Nam tập kết. Ảnh: tư liệu

Kể từ Tết Độc lập đầu tiên của đất nước - Tết Bính Tuất 1946 đến cái tết cuối cùng của Bác – Tết Kỷ Dậu 1969, Bác Hồ đã cùng với đồng bào, chiến sĩ cả nước đón 24 mùa xuân. Không những Bác đến với dân trong những ngày tết mà còn đến sớm hơn, trước cả những ngày tết để tìm hiểu đời sống và công việc của Nhân dân, sự gắn bó, chăm lo của các cấp lãnh đạo trong việc dân, việc nước.

Xuân 1955 là mùa xuân đầu tiên sau ngày Hà Nội được giải phóng. Đêm 30 tết năm ấy, Bác Hồ cho mời toàn đội cảnh vệ trên Việt Bắc đến ăn cơm với Bác.

Bác ân cần: - Hôm nay là ngày Tết Nguyên đán. Bác cháu ta cùng vui tết và cùng nhau ôn lại những ngày gian khổ trên chiến trường Việt Bắc. Đồng chí phụ trách đội cảnh vệ thay mặt anh em tặng hoa Bác.

Bác nói: - Các chú thật khéo vẽ chuyện. Bác với các chú sống bên nhau hàng ngày, việc gì phải hoa. Đáng chừng, Bác cho ăn cỗ tết mà đến tay không thì ngại phải không? Các chú trồng được nhiều rau tốt sao không mang tới biếu Bác? Bác sẽ giới thiệu là của các chú trồng, hết tết các chú mang về mà ăn. Thế là các chú có quà tặng Bác, lại được Bác tuyên truyền cho mà lại chẳng mất gì, như vậy có tốt hơn không?

Cũng dịp tết ở Hà Nội, Bác đi chúc tết đồng bào trước lúc giao thừa. Bác nói với các đồng chí ở thành ủy thu xếp cho Bác đến chúc tết gia đình các vị nhân sĩ, trí thức nổi tiếng, trong đó có bác sĩ Trần Duy Hưng, chủ tịch thành phố và các gia đình lao động nghèo khổ nhất.

Tết Nhâm Dần 1962, Bác đến thăm gia đình chị Chín ở ngõ 16 Lý Thái Tổ, ở sâu trong một cái ngách (hẻm), đường rất hẹp, chỉ hơn một thước. Nhà cửa tuềnh toàng, như quán chợ. Chồng chị đã mất từ lâu, để lại cho chị đàn con thơ dại ba trai, hai gái. Chị phải đi làm công nhật. Gặp việc gì làm việc đó để nuôi năm đứa con. Sắp đến giao thừa mà chị vẫn phải đi gánh nước thuê để lấy tiền mua gạo cho con. Bác bước vào nhà, chị Chín sửng sốt nhìn Bác. Chiếc đòn gánh bỗng rơi khỏi vai chị. Đôi thùng sắt rơi xuống đất kêu loảng xoảng. Mấy cháu nhỏ kêu lên: “Bác, Bác Hồ!”, rồi chạy lại quanh Bác. Lúc này chị Chín mới như chợt tỉnh, chị chạy tới ôm choàng lấy Bác và bỗng nhiên khóc nức nở. Đôi vai gầy sau làn áo nâu đã bạc rung lên từng đợt. Bác đứng lặng, hai tay nhè nhẹ vỗ lên mái tóc chị Chín như an ủi. Chờ cho chị bớt xúc động, Bác nói: Năm mới sắp đến, Bác đến thăm thím và các cháu, sao thím lại khóc?

Tuy đã cố nén nhưng chị Chín vẫn không ngừng thổn thức, chị nói:

- Có bao giờ... có bao giờ... mà bây giơ... con cảm động quá! Mừng quá... thành ra con khóc.

Bác nhìn chị Chín, nhìn các cháu một cách trìu mến và bảo:

- Thím hiện nay làm gì?

- Dạ, cháu làm phu khuân vác ở gần Văn Điển ạ!

- Như vậy là làm công nhân chứ? Sao gọi là phu?

- Vâng ạ, cháu trót quen miệng như trước kia.

- Thím vẫn chưa có công việc ổn định à? Rồi Bác lại hỏi:

- Mẹ con thím có bị đói không?

Chị rơm rớm nước mắt mà trả lời:

- Dạ, bữa cơm bữa cháo cũng tùng tiệm ạ.

Bác chỉ vào cháu lớn nhất và hỏi:

- Cháu có đi học không”.

- Dạ, cháu đang học lớp bốn ạ. Cháu vừa đi học vừa bán kem, bán lạc rang để đỡ đần mẹ cháu. Còn cháu thứ hai học lớp ba, cháu thứ ba học lớp hai. Bác nghe, tỏ ý hài lòng.

Bác quay nhìn đồng chí Phó Bí thư Thành ủy. Cái nhìn của Bác như một câu hỏi: “Sao vậy, những người góa bụa, năm đứa trẻ mồ côi như thế này, tại sao lại chưa được công đoàn đặc biệt quan tâm?” Bà con trong xóm đã tới quây quần trước sân. Bác bước ra thăm hỏi và chúc tết bà con. Bác ân cần dặn dò việc làm ăn và việc học hành cho các cháu.

Trên xe về Phủ Chủ tịch, nét mặt Người đượm buồn, vầng trán mênh mông của Người còn đượm những nét suy nghĩ. Bác nói với cán bộ cùng đi: Muốn cho mọi người vui tết, trước hết phải lo cho ai cũng có việc làm. Phải chú ý những người đặc biệt khó khăn.

Lại nhớ những ngày thường, Bác vẫn bảo:

- Làm cho một số người được sung sướng thì không khó. Nhưng lo cho toàn dân, mỗi người thêm một thước vải, cho mỗi bữa thêm một chút thức ăn, mỗi xã thêm một trường học, là cả một vấn đề phấn đấu lớn của Đảng và Chính phủ.

Tết Ất Tỵ, 1965, Bác về chúc tết khu mỏ ở Quảng Ninh. Để khỏi tốn kém cho địa phương, Bác đã cho đem về các món ăn ngày tết. Lại có một số cán bộ cao cấp cùng về với Bác. Bác nói: Sinh hoạt của dân ta thật là phong phú. Cũng là gạo nếp đỗ xanh nhưng mỗi nơi lại làm ra những loại bánh khác nhau. Nơi thì bánh chưng, nơi thì bánh dày, nơi thì bánh ú. Rồi Bác hỏi một đồng chí cán bộ cao cấp: Chú có biết đồng bào trong Nam gói bánh gì không, loại bánh tròn và dài ấy? Đồng chí đó không biết. Bác giải thích, đó là bánh tét. Rồi Bác trầm ngâm một lát và nói: Mỗi ngày chúng ta biết thêm được một điều mới, chú thì biết thêm cái bánh tét còn Bác biết thêm một cán bộ cao cấp chưa biết cái bánh tét là gì. Chuyện đơn giản đời thường vậy thôi mà ý nghĩa giáo dục cán bộ thường trực ở trong Bác sâu sắc biết bao.

Năm 1969 - Tết Kỷ Dậu, Bác đã 79 tuổi và đây là cái tết cuối cùng Bác ở cùng ta. Dù sức khỏe của Bác đã yếu đi nhiều mà sao năm ấy, chương trình chúc tết của Bác nhiều vậy. Lo cho Bác, các đồng chí lãnh đạo Trung ương xin Bác giảm bớt các chuyến đi. Còn Bác, có lẽ, Bác rõ hơn ai hết, cái hữu hạn của đời người, dường như Bác biết tự tâm linh của mình, như Bác viết trong Di chúc, bản viết năm 1969: “Ai mà đoán biết được tôi còn phục vụ Tổ quốc và đồng bào được bao lâu nữa”. Vậy nên, Bác đến với đồng bào, chiến sĩ nhiều hơn, đem đến cho mọi người tình thương và nỗi nhớ vô hạn dành cho Người “quên nỗi mình đau để nhớ chung”.

Chúng ta còn nhớ, ngày 14-7-1969, Hồ Chí Minh đã tiếp và trả lời nữ đồng chí Mácta Rô bát, phóng viên báo Grama, Cuba. Khi nhà báo hỏi Người về điều thiêng liêng nhất, Bác nói: “Tôi yêu đồng bào ở miền Bắc cũng như yêu đồng bào ở miền Nam. Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”. Người còn nói, “mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.

Ngày 28 Tết Kỷ Dậu 1969, Bác tiếp đoàn Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình Huế, trong đoàn có bà Nguyễn Đình Chi, Ủy viên Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam. Bà đã nhiều lần được gặp Bác nhưng lần này để lại cho bà và các thành viên trong đoàn ấn tượng sâu sắc nhất. Bà mời Bác dùng mứt do tự tay bà làm. Bác nếm mứt chanh và mứt cam, Bác nói phải có cam, có khổ chứ, bà hiểu ý Bác dặn dò “làm cách mạng phải chịu đựng gian khổ”. Trong lần tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Bác ôm hôn bác sĩ Phùng Văn Cung, trưởng đoàn và nói: Gặp các vị ở đây, với đồng bào miền Nam, có nói trăm câu, nghìn câu, vạn câu cũng không đủ nói hết nỗi lòng. Vậy tôi xin phép đọc một câu thôi: “Bao giờ Nam Bắc một nhà/ Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng”.

Nào ai có hay, Bác đau tim rất nặng, Người đã yếu nhiều mà vẫn vui, vẫn mẫn tiệp lạ thường để chúng ta vui, để truyền tin yêu và hy vọng cho tất cả. Mùng hai Tết Kỷ Dậu 1969, Bác đến thăm “Đồi cây đón Bác” ở thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Bác trồng cây đầu xuân, tiếp tục phát động Tết Trồng cây, gây dựng một tập quán, một truyền thống văn hóa mới - hài hòa con người và cuộc đời, xã hội và tự nhiên trong một triết lý văn hóa nhân sinh.

Lại cũng Tết Kỷ Dậu năm ấy, Bác đến thăm Quân chủng Phòng không - Không quân, một quân chủng tuy mới thành lập nhưng đã lập nhiều thành tích vẻ vang. Anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc bắn rơi 9 máy bay Mỹ đã vinh dự được Bác gọi lên, đứng cạnh Bác. Bác thăm các chiến sĩ nuôi quân và các thầy thuốc giỏi. Bác ân cần dặn chiến sĩ toàn quân chủng nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Bác ôm hôn và nắm tay anh Cốc giơ lên và nói: Chúc các cô, các chú năm nay lập nhiều chiến công mới, nhiều Cốc mới hơn nữa. Đó là lần cuối cùng Bác thăm chiến sĩ quân đội mà Bác rất mực tin yêu.

Tết Kỷ Dậu 1969 cũng là cái tết cuối cùng mà chúng ta được Bác chúc tết, được nghe Bác đọc thơ xuân:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì Độc lập, vì Tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào

Tiến lên! chiến sĩ đồng bào

Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn!”.

Ngày xuân nhớ Bác, trong muôn vàn nỗi nhớ thương, chúng ta không thể nào quên thư chúc mừng năm mới và thơ xuân đón tết của Bác cũng như những kỷ niệm trong những lần Người chúc tết đồng bào chiến sĩ.

Với Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa, Bác dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt qua nhiều lần Bác về thăm, qua mong đợi và hy vọng “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”. Đảng bộ và đồng bào, chiến sĩ tỉnh Thanh Hóa cũng nghĩ về Bác, hướng tới Bác với muôn vàn nỗi nhớ thương, lưu giữ bao kỷ niệm ân tình và khắc ghi trong lòng những lời Bác dạy sẽ mãi mãi không bao giờ quên. Đã hơn 3/4 thế kỷ trôi qua mà dường như đất xứ Thanh vẫn còn ấm hơi Người. Người xứ Thanh cùng với đồng bào cả nước, ai ai cũng cảm nhận được tình thương yêu của Bác dành cho mình. Trái tim mênh mông và tấm lòng nhân hậu của Bác có sức động viên, an ủi, khích lệ và thúc giục mỗi con người, mỗi cuộc đời, mỗi cảnh ngộ và số phận. “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” - câu thơ Tố Hữu nói hộ lòng ta. Thanh Hóa còn bao nhiêu tiềm năng cần đánh thức. Con người là giá trị cao nhất của văn hóa, là tài nguyên quý giá nhất, tài nguyên của mọi tài nguyên, trí thức nhân tài Thanh Hóa không thiếu, sức sáng tạo cần bật dậy làm nên sức mạnh đột phá, để khát vọng cống hiến, khát vọng phát triển trở thành hiện thực.

Một ngày không xa nữa, Thanh Hóa nhất định trở nên giàu mạnh, văn minh hiện đại, thực sự là một tỉnh kiểu mẫu như kỳ vọng của Bác Hồ. Đó là lời chúc phúc tốt đẹp nhất chúng ta gửi tới nhau trong mùa xuân mới, năm mới, thắng lợi mới. Hãy cùng nhau ghi nhớ lời Bác dạy, hãy cùng nhau học tập và làm theo Bác: “Cố gắng nữa, cố gắng mãi, tiến bộ nữa, tiến bộ mãi”. Lời Bác vẫn hằng ngày động viên, thúc giục chúng ta trong công cuộc “Đổi mới, hội nhập và phát triển” để xây dựng thành công một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Baothanhhoa

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện