Cầu truyền hình “Đôi bờ Ví, Giặm” năm 2024: Kết nối tinh hoa di sản xứ Nghệ

22:46, 27/11/2024
Tối 27/11, chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Đôi bờ Ví, Giặm” năm 2024 đã diễn ra tại hai điểm cầu Nghệ An và Hà Tĩnh, thu hút đông đảo sự quan tâm của khán giả. Đây là chương trình nghệ thuật đặc biệt, kỷ niệm 10 năm dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các đại biểu dự chương trình tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Các đại biểu dự chương trình tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Dự Chương trình tại điểm cầu Hà Tĩnh có các đồng chí: Phan Viết Lượng - Phó chủ tịch Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Quốc hội; Hồ An Phong - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL; Hoàng Trung Dũng - Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh; Trần Thế Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Hà Tĩnh; Lê Xuan Lợi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.

Các đại biểu dự chương trình tại điểm cầu Nghệ An.
Các đại biểu dự chương trình tại điểm cầu Nghệ An.

Tại điểm cầu Nghệ An, có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Chủ tịch HĐND tỉnh; Thiếu tướng Bùi Quang Thanh - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh; Đại tá PHan Đại Nghĩa - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Tham dự tại 2 điểm cầu còn có đại diện lãnh đạo các ban ngành cấp tỉnh, các nghệ nhân, nghệ sỹ các tỉnh: Bắc Ninh, Phú Thọ, Nghệ An, Hà tĩnh,Quảng Nam, Lâm Đồng; đại diện các CLB Dân ca Ví, Giặm 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tiết mục mở màn Hà Tĩnh - Nghệ An: nối mạch ngàn năm.
Tiết mục mở màn "Hà Tĩnh - Nghệ An: nối mạch ngàn năm".

Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, phối hợp cùng Đài Phát thanh và Truyền hình hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh tổ chức thực hiện. Được phát sóng trực tiếp trên các kênh HTTV, NTV và tiếp phát sóng nhiều đài truyền hình trên cả nước, livestream trên các hạ tầng số của Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam – VOVTV và Đài PT&TH các tỉnh, thành phố. Chương trình mang đến một bữa tiệc văn hóa đặc sắc, tái hiện những giá trị tinh hoa của dân ca Ví, Giặm.

Tinh hoa di sản Ví, Giặm tỏa sáng

Tiết mục mở màn "Hà Tĩnh - Nghệ An: nối mạch ngàn năm".

Mở đầu chương trình là tiết mục nghệ thuật mang tên “Hà Tĩnh - Nghệ An: Nối mạch ngàn năm” do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh và Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An biểu diễn. Tiết mục đã truyền tải thông điệp sâu sắc về sự gắn kết giữa hai tỉnh qua những câu hát ví, giặm đậm chất trữ tình.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh: Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là loại hình nghệ thuật độc đáo, gắn bó với cộng đồng người dân Nghệ An - Hà Tĩnh từ bao đời nay; phản ánh toàn diện cuộc sống, phong tục tập quán, những cung bậc cảm xúc của người dân xứ Nghệ.

Đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng Ban Tổ chức Festival  Về miền Ví Giặm- Kết nối tinh hoa Di sản​ phát biểu khai mạc.
Đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng Ban Tổ chức Festival "Về miền Ví Giặm - Kết nối tinh hoa Di sản"​ phát biểu khai mạc.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã trở thành dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tinh thần, hình thành nên cốt cách, tâm hồn của các thế hệ người dân nơi đây; góp phần hun đúc nên những danh nhân, những tên tuổi lớn như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Xuân Diệu, Huy Cận…. Đặc biệt, cũng từ chất liệu của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, nhiều kịch bản sân khấu, tác phẩm âm nhạc đã ra đời, trở thành những bài ca đi cùng năm tháng, được công chúng yêu thích, đón nhận.

Với những giá trị độc đáo, tiêu biểu của di sản, ngày 27/11/2014, tại Thủ đô Paris - Cộng hòa Pháp, Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức ghi danh Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vinh dự lớn của nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cũng như toàn thể người dân Việt Nam. Cũng từ đây, dân ca ví, giặm đã vượt ra khỏi không gian của một vùng văn hóa xứ Nghệ, trở thành di sản văn hóa của nhân loại, được thực hành rộng rãi không chỉ ở trong nước mà cả cộng đồng người Nghệ - Tĩnh ở Lào, Thái Lan, Nhật Bản, các nước khu vực Đông Âu...

Trong 10 năm qua, được sự quan tâm của Bộ VH-TT&DL, chính quyền hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản: tổ chức các cuộc liên hoan dân ca ví, giặm từ cấp huyện đến cấp liên tỉnh; mở rộng và phát triển các câu lạc bộ dân ca ví, giặm; đưa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vào trường học; quan tâm, động viên, khuyến khích, tri ân các nghệ nhân, nghệ sỹ, nhà sáng tác, nhà nghiên cứu và lực lượng kế cận…

Đông đảo khán giả theo dõi chương trình tại điểm cầu Nghệ An.
Đông đảo khán giả theo dõi chương trình tại điểm cầu Nghệ An.

Thời gian tới, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục triển khai các chính sách bảo vệ và phát huy giá trị dân ca ví, giặm; tạo điều kiện tối đa cho nghệ nhân và cộng đồng gìn giữ, trao truyền, thực hành di sản; tăng cường việc truyền dạy dân ca ví, giặm cho học sinh các cấp; tổ chức các sự kiện văn hoá, du lịch…. Từng bước xây dựng dân ca ví, giặm trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Nghệ; thực hiện có hiệu quả cam kết của Việt Nam với UNESCO về bảo vệ, phát huy giá trị dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Chương trình nghệ thuật “Đôi bờ ví, giặm” mở đầu chuỗi hoạt động Festival kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh hôm nay, với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, chắc chắn sẽ làm nổi bật thêm những nét tinh hoa của dân ca ví, giặm, góp phần lan tỏa mạnh mẽ những giá trị đặc sắc của di sản trong đời sống đương đại.

Trầm tích xứ Nghệ

Tiếp nối tiết mục mở màn, chương trình chuyển sang "Câu hát quê hương" với thơ của Nguyễn Trọng Tạo và nhạc của Hồ Hữu Thới, được biên đạo bởi Hải Trường và trình diễn bởi ca sĩ Mộc An cùng Tập thể Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh. Giai điệu ngọt ngào như dòng sữa mẹ, kết hợp với ánh sáng nhẹ nhàng, đã mang đến cho khán giả một cảm giác ấm áp và gần gũi, như đang trở về với miền quê hương yêu dấu.

Ca khúc Câu hát quê hương - Thơ: Nguyễn Trọng Tạo; Nhạc: Hồ Hữu Thới qua sự thể hiện của ca sĩ Mộc An
Ca khúc "Câu hát quê hương" - Thơ: Nguyễn Trọng Tạo; Nhạc: Hồ Hữu Thới qua sự thể hiện của ca sĩ Mộc An

Đặc biệt, phần phóng sự mang tên “Trầm tích xứ Nghệ” đã đưa khán giả trở về cội nguồn văn hóa, lịch sử của vùng đất Hoan Châu. Các danh nhân nổi tiếng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại thi hào Nguyễn Du, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông hay Nhà thơ Hồ Xuân Hương được nhắc đến như những biểu tượng của tài năng và tinh thần kiên cường xứ Nghệ.

Nghệ Tĩnh cũng là vùng đất ken dày các trầm tích văn hóa, các di sản vật thể và phi vật thể, khẳng định sự tồn tại vững chắc của một vùng văn hóa xứ Nghệ trong dòng chảy Việt như những  dấu tích khảo cổ học Quỳnh Văn, làng Vạc, Rú Dầu hay Phôi Phối, bãi Cọi…. Nơi đây có Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đặc biệt, ngoài ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần đc bảo vệ khẩn cấp thì Nghệ Tĩnh còn là cái nôi của dân ca Ví, Giặm - “thổ sản” độc đáo trong kho tàng văn hóa dân gian phong phú của người Việt.

Ca sĩ Bùi Lê Mận da diết trong ca khúc Lời Bác dặn trước lúc đi xa - Sáng tác: Trần Hoàn
Ca sĩ Bùi Lê Mận da diết trong ca khúc "Lời Bác dặn trước lúc đi xa" - Sáng tác: Trần Hoàn

Không chỉ vậy, Ví, Giặm còn được nhìn nhận là “hồn cốt” của vùng đất này. Theo GS.TS Nguyễn Chí Bền, các làn điệu Ví, Giặm đã trở thành sợi dây kết nối tâm hồn người Nghệ, từ nhịp sống lao động đến tình yêu đôi lứa.

 

Tiết mục thứ ba "Đêm trăng hò hẹn" do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh biểu diễn đã thay đổi không gian ánh sáng thành huyền ảo, tạo nên một bầu không khí lãng mạn và sâu lắng. Khán giả đã được chiêm ngưỡng một không gian diễn xướng về giai thoại về những cuộc hát ví của trai phường nón và cậu Chiêu Bảy Nguyễn Du với những cô gái Phường Vải Trường Lưu, khiến khán giả không khỏi xúc động trước vẻ đẹp của tình yêu và văn hóa xứ Nghệ.

Tiết mục "Gửi tình ta vào đất" do Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh biểu diễn, với sự đồng hành của NSND Nguyễn An Ninh và biên đạo Thanh Hằng - Hải Trường đã mang đến một không gian diễn xướng đặc biệt khác của Ví Giặm.

Từ ngàn xưa, không gian diễn xướng thật đặc biệt, vì thế mà câu Ví Giặm ứng tác, đối đáp khi hóm hỉnh, ý nhị, khi thông minh và tài hoa. Bởi đó là cả một nền văn hóa xuất phát từ trong cuộc sống và trong lao động sản xuất của cha ông. Tiết mục "Gửi tình ta vào đất" do Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh biểu diễn, với sự đồng hành của NSND Nguyễn An Ninh và biên đạo Thanh Hằng - Hải Trường đã mang đến một không gian diễn xướng đặc biệt khác của Ví Giặm. Không gian ấy luôn gắn với với nhịp điệu của bài ca lao động, khắc họa rõ nét hành trình di sản văn hóa Ví, Giặm trong lòng người dân xứ Nghệ.

Hành trình di sản: Kết nối quá khứ và hiện tại

Phần hai của chương trình cầu truyền hình “Đôi bờ Ví, Giặm” mang tên “Hành trình di sản”, tập trung tái hiện những chặng đường quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Thông qua các thước phim tư liệu, phóng sự và giao lưu trực tiếp, khán giả được đưa trở lại những dấu mốc đáng nhớ trong hành trình gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong phóng sự, những hình ảnh về đời sống sinh hoạt của người dân xứ Nghệ từ đầu thế kỷ XX được tái hiện sinh động. Các làn điệu Ví, Giặm mộc mạc từng là lời ca của người nông dân bên ruộng đồng, của người thợ dệt bên khung cửi hay tiếng hát ngân nga trong những buổi hò hẹn bên dòng sông Lam. Đó là những câu hát xuất phát từ lao động, nhưng chứa đựng tâm tư, tình cảm và nét đẹp hồn hậu của con người nơi đây.

Ký ức về các nghệ nhân dân gian, những người đã âm thầm bảo tồn và lan tỏa Ví, Giặm, được ghi lại qua lời kể xúc động. Hình ảnh những cụ già với giọng hát run run nhưng vẫn tròn đầy cảm xúc khiến không ít khán giả tại trường quay rơi nước mắt.

Toàn cảnh giao lưu tại điểm cầu Nghệ An.
Toàn cảnh giao lưu tại điểm cầu Nghệ An.

Một trong những điểm nhấn là đoạn phóng sự về hành trình UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2014. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm lớn lao, thôi thúc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nỗ lực hơn nữa để gìn giữ giá trị di sản.

Trong phần giao lưu, khán giả được lắng nghe chia sẻ từ các nghệ nhân từ điểm cầu Hà Tĩnh là NNND Khánh Cẩm và NNND Thanh Minh

NSND Khánh Cẩm tham gia giao lưu tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Nghệ nhân Nhân dân Trần Khánh Cẩm và Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Thanh Minh giao lưu chia sẻ tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Không khí tràn đầy cảm xúc khi hai NNND Khánh Cẩm và NNND Thanh Minh cùng nhau trình diễn tiết mục "Ô lục soạn", một bài hát dân ca lời cổ độc đáo, mang đậm dấu ấn của hai nghệ nhân. Tiết mục này không chỉ là sự thể hiện tài năng mà còn là minh chứng cho tình yêu và sự gắn bó lâu dài với dân ca Ví, Giặm của các nghệ nhân.

Ngoài những nỗ lực bảo tồn truyền thống, “Hành trình di sản” cũng khắc họa bức tranh về cách Ví, Giặm được làm mới để tiếp cận với khán giả hiện đại. Tiết mục nghệ thuật kết hợp dân ca Ví, Giặm với âm nhạc đương đại qua ca khúc “Câu ca ngày mới” đã mang đến một sắc thái mới mẻ nhưng vẫn giữ trọn tinh thần di sản.

NSND Hồng Lựu và ca sỹ Hà Quỳnh Như giao lưu tại điểm cầu Nghệ An.
NSND Hồng Lựu và ca sỹ Hà Quỳnh Như giao lưu tại điểm cầu Nghệ An.

Trong chương trình cầu truyền hình “Đôi bờ Ví, Giặm”, phần giao lưu với NSƯT Hồng Lựu và ca sĩ trẻ Hà Quỳnh Như tại điểm cầu Nghệ An là một trong những điểm nhấn cảm xúc. Cuộc trò chuyện giữa hai thế hệ nghệ sĩ đã thể hiện rõ sự kế thừa và phát triển của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong đời sống đương đại.

NSND Hồng Lựu xúc động chia sẻ về Dân ca Ví Giặm.
NSND Hồng Lựu xúc động chia sẻ về Dân ca Ví Giặm.

Đại diện cho thế hệ trẻ, Hà Quỳnh Như – quán quân Giọng hát Việt nhí 2018 – là một minh chứng sống động cho sức lan tỏa của Ví, Giặm trong lòng công chúng trẻ. Từ nhỏ, Hà Quỳnh Như đã yêu mến những câu dân ca do bà và mẹ ru ngủ. Tình yêu đó lớn dần, giúp cô bé đến từ Nghệ An gặt hái thành công trên sân khấu lớn.

Quỳnh Như chia sẻ trong chương trình: “Em thấy mình rất may mắn khi được sinh ra trên mảnh đất có Ví, Giặm. Em muốn mang những câu hát này đến với nhiều bạn trẻ hơn nữa, để mọi người hiểu rằng dân ca không chỉ là truyền thống mà còn là niềm tự hào của dân tộc.”

Ca sỹ Hà Quỳnh Như với tiết mục “Giận mà thương”  - Sáng tác: Nguyễn Trung Phong.
Ca sỹ Hà Quỳnh Như với tiết mục “Giận mà thương” - Sáng tác: Nguyễn Trung Phong.

Ca sĩ Quỳnh Như còn thể hiện ca khúc “Giận mà thương” – một bài dân ca Nghệ Tĩnh quen thuộc – với chất giọng trong trẻo và cách xử lý hiện đại. Tiết mục nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả, chứng minh rằng Ví, Giặm hoàn toàn có thể hòa mình vào đời sống âm nhạc đương đại mà không đánh mất đi bản sắc.

Để mạch nguồn chảy mãi  

Phần cuối chương trình “Đôi bờ Ví, Giặm” là hành trình tôn vinh mạch nguồn văn hóa dân ca Ví, Giặm, nhấn mạnh sự chuyển mình và sức sống mãnh liệt của loại hình nghệ thuật độc đáo này trong dòng chảy hiện đại.

Từ những câu hát ngày xưa vang vọng trên đồng ruộng, bờ tre, mái rạ, dân ca Ví, Giặm nay đã vươn ra những không gian văn hóa rộng lớn. Tại đó, không chỉ có người nông dân mộc mạc, mà cả giới trí thức và nghệ sĩ đều cùng chung tay tạo dựng một sân khấu đậm đà bản sắc, với các màn đối đáp tài hoa, đầy trí tuệ.

Thông qua phóng sự cuối cùng phát trong phần 3 của chương trình, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Tuấn, Chủ nhiệm CLB dân ca Ví, Giặm xã Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn không chỉ bảo tồn, mà còn phát huy Ví, Giặm để di sản này hòa nhập với đời sống hôm nay, truyền lửa đến thế hệ trẻ.”

Từ năm 2009, phong trào xây dựng các câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm bắt đầu hình thành. Đến nay, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có hơn 240 câu lạc bộ với gần 6.000 thành viên. Những làng quê giàu truyền thống như Kỳ Thư, Trường Lưu, Hoàng Trù, Kim Liên… trở thành “cái nôi” của các câu lạc bộ, không ngừng lan tỏa tình yêu với di sản. Vì vậy, NSƯT Tạ Hồng Dương, Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm, Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống Nghệ An, cho biết: “Chúng tôi đã mở nhiều lớp học dân ca Ví, Giặm khắp các huyện thị, xây dựng giáo án phù hợp, đặc biệt hướng đến thế hệ trẻ để nối dài mạch nguồn di sản.”

Ngày nay, dân ca Ví, Giặm không chỉ sống trong ký ức mà đã hiện diện ở nhiều không gian mới, gắn liền với du lịch sinh thái và các lễ hội văn hóa. Các tiết mục cải biên, đặt lời mới giúp Ví, Giặm hòa nhịp cùng cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ nguyên hồn cốt xứ Nghệ.

 

Phần cuối chương trình đã mang đến cho khán giả những cảm xúc đặc biệt bởi các tiết mục nghệ thuật xuất sắc. Tổ khúc “Nẻo về Ví, Giặm” (NSND Nguyễn An Ninh sáng tác, biểu diễn bởi NSND Hồng Lựu, Khánh Hà, Công Minh và Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Hà Tĩnh) đã đưa khán giả ngược dòng thời gian về với những làn điệu cổ, khơi gợi niềm tự hào văn hóa.

Tổ khúc Dân ca: Nẻo về Ví, Giặm - Sáng tác: NSND Nguyễn An Ninh, qua sự thể hiện của NSND Hồng Lựu – Khánh Hà – Công Minh & Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh.
Tổ khúc Dân ca: Nẻo về Ví, Giặm - Sáng tác: NSND Nguyễn An Ninh, qua sự thể hiện của NSND Hồng Lựu – Khánh Hà – Công Minh & Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh.

Tiếp nối là tiết mục tân cổ “Điệu Ví, Giặm là em” (lời Lê Văn, nhạc NSƯT Quốc Nam), với phần biểu diễn tinh tế của Thu Hà, Thanh Tài, kết hợp giữa âm hưởng truyền thống và hơi thở đương đại.

 
Tiết mục tân cổ Điệu Ví, Giặm là em - Lời: Lê Văn; Lời tứ hoa: Quốc Dũng; Nhạc: NSƯT Quốc Nam, qua sự thể hiện của Thanh Tài - Hoàng Thu Hà và Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An.

Khép lại chương trình, “Huyền thoại đất Hồng Lam” vang lên như bản hùng ca của dòng sông Lam, núi Hồng. Tiết mục này do Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống Nghệ An và Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Hà Tĩnh trình bày.

Con thuyền Ví, Giặm giờ đây không chỉ là biểu tượng văn hóa xứ Nghệ mà còn trở thành “đại sứ” văn hóa trên hành trình hội nhập quốc tế. Với hơn 5 kỳ liên hoan dân ca Ví, Giặm được tổ chức, không chỉ những giọng ca hay, mà cả một thế hệ kế cận đã được ươm mầm, nuôi dưỡng.

Kết thúc chương trình nghệ thuật Cầu truyền hình trực tiếp “ Đôi bờ Ví, Giặm đã để lại trong lòng khán giả những xúc cảm sâu lắng. Dải Lam Hồng sẽ mãi ngân vang câu hát Ví, Giặm, như nhắc nhở rằng:

“Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây,

Sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình.”

Đêm cầu truyền hình "Đôi bờ Ví, Giặm" năm 2024 đã khắc sâu trong lòng mỗi người một hình ảnh về một Nghệ Tĩnh kiêu hãnh, giàu bản sắc văn hóa và tràn đầy sức sống. Qua chương trình, chúng ta không chỉ được trải nghiệm những giai điệu truyền thống đầy mê hoặc mà còn cảm nhận được tinh thần đoàn kết, yêu thương và kiên cường của người dân xứ Nghệ. Đây thực sự là một đêm hội nghệ thuật đầy ý nghĩa, mở ra một chương mới cho hành trình phát triển bền vững của di sản văn hóa dân ca Ví, Giặm.

Hiến Chương - Hữu Hoàng

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện