Để Dân ca Ví, Giặm trường tồn cùng văn hóa nhân loại

13:39, 15/11/2024
 Để Di sản văn hóa Ví, Giặm không bị mai một, mất đi mà trường tồn cùng dân tộc và văn hóa nhân loại, ngoài nỗ lực trao truyền, kế thừa của lớp lớp nghệ sỹ, nghệ nhân, thì luôn rất cần có sự đầu tư tâm tài đúng mực từ cấp uỷ, chính quyền các cấp, mà trước hết là 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh.

1. Ví, Giặm – hành trình Di sản
Tháng 11/2024 này, đúng tròn 10 năm Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh được Unesco cộng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Để nhìn lại hành trình 10 năm giữ gìn, bảo tồn phát huy di sản văn hóa dân tộc – niềm tự hào của người dân xứ Nghệ, từ ngày 22-30/11/2024, chuỗi các sự kiện, hoạt động văn hóa được 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh và Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch phối hợp tổ chức. Đây thực sự là tuần lễ được kỳ vọng mang lại dấu ấn, bước ngoặt quan trọng cho Ví, Giặm tiếp tục vươn xa. 

Toàn cảnh xét hồ sơ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2014.

Ngày 27 tháng 11 năm 2014, khi tiếng búa của Chủ tịch hội đồng thẩm định, Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể của UNESCO vang lên ở Paris – Pháp, mọi người như vỡ òa vì vui sướng khi di sản văn hóa dân gian quê hương mình được ghi danh, được công nhận. Năm 2014 dấu mốc đặc biệt  cho chặng đường dài hình thành, bảo tồn, phát huy dân ca Ví, Giặm của xứ Nghệ với danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Sự công nhận đó không chỉ tôn vinh tầm vóc, giá trị văn hóa mang bản sắc vùng miền, là hồn cốt của Nghệ Tĩnh – mạch nguồn tạo nên tình đất và tình người xứ Nghệ, mà còn vinh danh lớp lớp người dân Nghệ Tĩnh đã tạo ra, bồi đắp nên một di sản văn hóa đi vào lịch sử nhân loại. 

Khi tiếng búa trên tay của ông Chủ tịch Jose Manuel Rodriguez Cuadoros vang lên xác nhận Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được vinh danh, đoàn Việt Nam đứng bật dậy hò reo vui mừng sung sướng.

Dù ví giặm được hình thành từ khi nào, dù trải qua bao thăng trầm lịch sử, có thời điểm bị mai một, nhưng sức sống lâu bền của một sản phẩm văn hóa được sản sinh từ dân gian, cùng với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, những nghệ nhân tâm huyết một đời vì dân ca quê mình, đã cho thành quả ngọt ngào. Để từ đó, Ví, Giặm bước sang trang mới, được quan tâm, giữ gìn, phát huy đúng mực. Chính phủ, Bộ VH-TT-DL, các cấp ngành liên quan, 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh và chính cả cộng đồng dân cư xứ Nghệ sẽ có trách nhiệm hơn trong việc làm cho Ví, Giặm trở nên tốt hơn, hội nhập, lan tỏa và phát triển cùng với thời đại.

Bà Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao Bằng của UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh. 

Trong 10 năm qua, cùng với sự đầu tư nguồn lực (cả nhân lực và kinh phí) phục dựng, sưu tầm, nghiên cứu các làn điệu dân ca ví giặm cổ, ngành văn hóa Nghệ An – Hà Tĩnh đã có những chương trình, đề án dài hơi cho việc phát triển Di sản văn hóa của nhân loại. Không chỉ tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng, ươm mầm các tài năng dân ca ví giặm để có trao truyền – kế thừa, tỉnh cũng đã có thêm nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các câu lạc bộ ví giặm hình thành và phát triển. Hiện toàn tỉnh có 130 câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm và 48 nghệ nhân dân ca Ví, Giặm được công nhận. 

Bằng của UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bằng của UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cùng với việc tổ chức các cuộc thi, liên hoan dân ca ví giặm hàng năm, ngành Văn hóa còn phối hợp với ngành Giáo dục -  Đào tạo đưa dân ca vào trường học, tổ chức cuộc thi học sinh với dân ca ví giặm, xây dựng không gian diễn xướng, đầu tư phát triển Trung tâm bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm, tổ chức các cuộc thi sáng tác các làn điệu dân ca, khen thưởng biểu dương và tôn vinh kịp thời các nghệ sỹ, nghệ nhân có những đóng góp cho dân ca Ví, Giặm. Chính những nỗ lực này đã giúp Ví, Giặm Nghệ Tĩnh có chỗ đứng vững chãi hơn trong cuộc sống đương đại, được nhiều người, nhất là bạn bè ở mọi miền quê của Tổ quốc và ở nước ngoài biết đến di sản văn hóa đặc sắc của xứ Nghệ.

2. Ví, Giặm trong trong dòng chảy văn hóa đương đại

10 năm, một hành trinh tuy chưa dài nhưng cũng đủ để 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh cùng nhìn lại chẳng đường đã qua, rút ra những bài học kinh nghiệm quý trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nhân loại, từ đó có chiến lược, kế hoạch dài hơn cho Ví, Giặm phát triển trong dòng chảy văn hóa đương đại.

Nghệ An và Hà Tĩnh có nhiều hành động bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví Giặm.

Ví giặm là di sản chung của nhân dân Nghệ Tĩnh, là mạch nguồn hình thành nên lịch sử văn hóa và nuôi dưỡng cốt cách người xứ Nghệ, vì thế để kỷ niệm dấu mốc quan trọng - 10 năm được UNESCO ghi danh, Nghệ An – Hà Tĩnh sẽ cùng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi từ ngày 22-30/11/2024.

Toàn cảnh cuộc họp triển khai một số nội dung liên quan đến Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản văn hoá” tại tỉnh Hà Tĩnh.

Tại Nghệ An, ngay từ ngày 22/11/2024 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh sẽ mở cửa Triễn lãm”sắc màu Di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”, lễ khai mạc Triễn lãm vào 16h ngày 23/11/2024 sẽ được truyền hình trực tiếp trên các kênh số của Đài PT-TH Nghệ An, mở rộng không gian trưng bày ra phố đi bộ Hồ Tùng Mậu nối liền Quảng Trường Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động được Bộ VH-TT-DL phối hợp với Tỉnh Nghệ An tổ chức. Cùng với đó các hoạt động Liên hoan Nghệ thuật dân gian truyền thống ”Việt Nam – những sắc màu di sản”; Giao lưu nghệ thuậ thuật ”Về miền Di sản”; Giao lưu nghệ thuật ”Nhịp sống trẻ”; Giao lưu nghệ thuật quần chúng ”Về với Nghệ An” sẽ diễn ra liên tục từ ngày 22-25/11/2024 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh.

Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An Trần Minh Ngọc đóng góp ý kiến tại cuộc họp.

Đặc biệt vào 20h10’ ngày 23/11/2024, Tại quảng trường Hồ Chí Minh, Lễ kỷ niệm 10 năm Di sản văn hóa và chương trình Nghệ thuật “Ví giặm – Hồn quê tỏa sáng” sẽ được tổ chức và được Truyền hình trực tiếp trên sóng NTV, các nền tảng số của Đài PT-TH Nghệ An và được tiếp phát sóng trên các kênh, sóng của nhiều Đài PT-TH trong cả nước. Ngoài tôn vinh những nghệ nhân, nghệ sỹ ưu tú… có những đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, phát triển di sản Ví, Giặm 10 năm qua, chương trình Nghệ thuật”Ví, Giặm – Hồn quê tỏa sáng” với 3 chương”Hồn quê””Ví, Giặm nuôi lớn những anh tài” và “Hội tụ và tỏa sáng” có sự góp mặt của những NSND, NSUT tên tuổi như: Phạm Phương Thảo, Vũ Thắng Lợi, Minh Thành, Minh Thông, Thành Vinh, Quế Thương và nhiều đoàn nghệ thuật khác, hy vọng sẽ để lại ấn tượng sâu đậm trong khán giả và đông đảo người yêu dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. 

Tiết mục tại lễ khai mạc Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2023.

Một điểm nhấn đặc biệt trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm được vinh danh là Cầu Truyền hình Nghệ thuật “Đôi bờ Ví, Giặm” do UBND, Sở VH-TT và Đài PT-TH 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tỉnh phối hợp thực hiện. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt là mạch nguồn văn hóa dân gian truyền thống chảy dài theo lịch sử hình thành phát triển của xứ Nghệ, Cầu truyền hình Nghệ thuật sẽ có 3 phần. Phần I ”Trầm tích xứ Nghệ”, cùng với không gian diễn xướng Ví, Giặm lời cổ là dẫn chuyện bằng phóng sự nói về vùng đất địa linh nhân kiệt xưa nay – Nghệ Tĩnh, nơi có núi Hồng, sông Lam – cái nôi văn hóa truyền thống, địa chỉ đỏ cách mạng nhưng cũng vang danh sử sách với những trậm tích và vốn văn hóa rất riêng của dải đất miền Trung. 

NSND Hồng Lựu và NSƯT Phạm Phương Thảo tham dự Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2023.

Phần II ”Hành trình Di sản”, đó sẽ là những nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền và lớp lớp người dân Nghệ Tĩnh trong việc bảo tồn, phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm trong 10 năm qua. Cùng với phóng sự, các ca khúc giao duyên giữa cổ - hiện đại, còn có giao lưu với các nghệ nhân dân gian, các thế hệ nghệ sỹ, ca sỹ trao truyền – tiếp nối dân ca Ví, Giặm. Phần III ”Để mạch nguồn chảy mãi” sẽ hướng đến một nhịp sống tươi mới, trẻ hơn, ở đó dân ca Ví, Giặm được phát triển cả hình thức lẫn nội dung phù hợp, thích ứng với cuộc sống đương đại. Một xu thế tất yếu để Ví Giặm – một di sản văn hóa dân gian được bảo vệ và có sức sống lâu bền trong nhân gian, đồng thời có thể cất cánh vươn xa.

NSND Hồng Lựu trong một tiết mục diễn xướng dân ca Ví, Giặm.

Cầu Truyền hình Nghệ An – Hà Tĩnh: ”Đôi bờ Ví, Giặm” lên sóng vào lúc 20h10’ ngày 27/11/2024 với sự góp mặt của nhiều nghệ sỹ, ca sỹ thành danh như: NSND Hồng Lưu; NSUT Quế Thương; ca sỹ Bùi Lê Mận, Hà Quỳnh Như; Giải nhất Sao Mai xứ Nghệ 2024 Thu Hà…

Không gian diễn xướng dân ca Ví, Giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, tại Hà Tĩnh trong tuần lễ Eestival Dân ca Ví, Giặm còn có các hoạt động như: Hội thảo đánh giá công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được Unesco ghi danh…  

Quang cảnh cuộc họp của Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm Di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh. 

Ví, Giặm Nghệ Tĩnh có sức sống tiềm tàng giống như chính chủ nhân sản sinh ra nó, và ngược lại chính Di sản văn hóa dân gian này là mạch nguồn kiến tạo, bồi đắp và nuôi dưỡng cốt cách tinh thần người xứ Nghệ. Để Di sản văn hóa không bị mai một, mất đi mà trường tồn cùng dân tộc và văn hóa nhân loại, thì ngoài nỗ lực trao truyền, kế thừa của lớp lớp nghệ sỹ, nghệ nhân, cần có sự đầu tư tâm tài đúng mực. Và để bảo tồn, phát huy, phát triển một sản phẩm văn hóa dân gian thì trách nhiệm lại không của riêng ai. 

Nhà báo Thanh Huyền

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện