Khám phá "Thánh đường tri thức" 100 tuổi của Thủ đô

17:44, 10/11/2024
Tòa nhà 19 Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước đây là trụ sở của Đại học Đông Dương. Nay, tòa nhà là biểu tượng của Đại học Quốc gia Hà Nội - địa điểm quen thuộc với nhiều thế hệ người dân Thủ đô và giới trẻ.
Đại học Đông Dương được thành lập ngày 16/5/1906. Đây là một trong những trường đại học hiện đại đầu tiên của xứ Đông Dương nói chung và ở Việt Nam nói riêng, đã đào tạo ra nhiều lớp trí thức mới góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
 
Năm 1956, Đại học Tổng hợp (cũ) được thành lập, đến nay công trình kiến trúc này giữ nguyên nét cổ kính, nổi bật với sảnh chính lát đá, mái vòm cao và cửa chính hoa sắt độc đáo.
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, cụm tòa nhà Đại học Tổng hợp trở thành điểm đến lý tưởng cho những người yêu di sản, nghệ thuật và sáng tạo.
Điểm nhấn đặc biệt là tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác mang tên “Cảm thức Đông Dương,” với 22 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt và trình diễn ánh sáng.
Đây là một tổ hợp khổng lồ tập hợp những sáng tạo của các nghệ sĩ, nhà thiết kế.
Các nghệ sĩ sử dụng nhiều công nghệ sắp đặt hiện đại để “kể” những nét đẹp của quá khứ, giúp công chúng cảm nhận đa chiều, đa giác quan về nghệ thuật, kiến trúc Đông Dương.
Triển lãm tái hiện những cảm thức xưa cũ của nghệ thuật Đông Dương, thông qua các tác phẩm nghệ thuật đa dạng kết hợp âm thanh, hình ảnh và ánh sáng.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giảng viên nghệ thuật thị giác Trường khoa học liên ngành và nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Dự án triển lãm Cảm thức Đông Dương là một sự nhìn nhận, khai thác lại các tầng lớp lịch sử ở nơi chốn này. Các tác phẩm trưng bày đều lấy cảm hứng từ chính nơi đây.
 
Toà nhà này bản chất nhìn thì tưởng là tòa nhà tân cổ điển của Pháp, nhưng nhìn kỹ thì họa tiết, chi tiết trang trí đều từ mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Từ đài Sen, dây Sen, chữ Vạn, bát bửu... đều là câu chuyện gắn chặt với mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Có thể nói đây là điều đáng để tìm hiểu, mỹ thuật Đông Dương được lồng ghép với câu chuyện của văn hoá, khoa học châu Âu. Cách làm triển lãm không phải để che kiến trúc này đi mà để tôn vinh kiến trúc này như là một tác phẩm nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn bày tỏ.
Bức họa khổng lồ tại giảng đường Đại học Tổng hợp được vẽ theo phong cách bích họa châu Âu nhưng nội dung tác phẩm lại hoàn toàn mang chất Việt. Trung tâm bức họa là cổng tam quan truyền thống quen thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, nằm dưới một tán cây cổ thụ sum suê. Hai bên cổng là một đôi câu đối về sự học, dịch nghĩa là: “Nhân tài là nguyên khí quốc gia/Đại học là gốc của giáo hóa”.

 

Theo SKĐS

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện