Hồ Xuân Dương (hay còn gọi là đập Xuân Dương) nằm ở phía nam xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu với tổng diện tích 339 ha, trữ lượng 20 triệu m3 nước, phục vụ nước sản xuất cho 5 xã vùng phía Nam của huyện. Hồ được hình thành và được ngăn bởi dãy rú Dẻ, Lá, Chạch, Ba Chạng.
Hồ Xuân Dương được bao quanh bởi núi đồi rậm rạp, cây cối xanh mướt trải dài. |
Việc xây dựng đập được người Pháp tiến hành từ năm 1939 đến năm 1942 thì hoàn thành.
Đập chắn và hệ thống đóng mở nước được xây ra giữa mặt nước như chòi canh gọi là Cột nhà lầu. Cửa đập được xây dựng kiên cố bằng đá xanh nằm giữa 2 ngọn núi thuộc dãy núi Rú chạch và Rú Ba Chạng. Hồ được tiếp nhận lượng nước lớn từ các khe suối, qua 2 dòng gọi là Truông Đông và Truông Tây. Mỗi khi đi rừng kiếm củi, người dân vẫn nghe khe suối chảy róc rách từ trên cao xuống mang âm hưởng của đất trời, thiên nhiên, êm ả, mát lạnh của núi rừng.
Thời kháng chiến chống Mỹ, khu vực này chịu không ít bom đạn. Mỹ quyết tâm phá đập chắn nhưng không được vì đập đã được 2 ngọn núi chở che. Dấu tích còn sót lại trên núi là rất nhiều hố bom. Xung quanh hồ là hàng ngàn héc ta rừng thông, bạch đàn, keo hoa vàng và cây cổ thụ đã được nuôi giữ nhiều năm, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, có nhiều động và khe núi quyến rũ làm rung động lòng người. Mặt hồ xanh trong như một chiếc gương khổng lồ soi chiếu tất cả mọi vật tạo nên cảnh sắc huyền ảo lung linh.
Du khách có thể đi thuyền để ngắm vẻ đẹp nguyên sơ của hồ Xuân Dương. |
Hồ Xuân Dương đã làm dịu đi cái khắc nghiệt của thiên nhiên bởi vẻ đẹp thơ mộng của nó. Do nằm lọt giữa các dãy núi, lại được bao bọc bởi rừng cây bạt ngàn nên không khí ở đây rất mát. Tuy mùa hè nóng bức nhưng khi đến đây du khách đều cảm thấy se lạnh nên đã ví Hồ Xuân Dương như một Đà Lạt thứ hai.
Nước hồ trong có thể nhìn thấy cá bơi phía dưới. Đứng ở cửa đập, phóng tầm mắt ra xa nhìn mặt nước lăn tăn gợn sóng, đồi núi nhấp nhô như một dải lụa mềm mại. Một khung cảnh non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình làm mê đắm lòng du khách. Đặc biệt giữa mặt nước êm ả của hồ có một ngọn đồi nhô lên trông như 1 hòn đảo nhỏ trông rất lạ mắt, người dân địa phương gọi đây là rú Đất. Rú Đất cũng là nơi trú ngụ của rất nhiều loài chim trời và động vật hoang dã như vịt trời, cú mèo, cò, diệc, chào mào... các loại động vật như ba ba, trút, chồn, trăn, rắn... Đặc biệt vào mùa mưa, chim trời kéo về đông.
Những vườn kho trĩu quả được bà con địa phương trồng trong các dãy núi. |
Với địa thế nằm giữa mặt nước nên ít người có thể đặt chân lên được nên cảnh quan sinh thái ở hòn đảo nổi vẫn nguyên sơ, cây cối dây leo chằng chịt, thảm thực vật phong phú và đa dạng.
Đến với hồ Xuân Dương, du khách còn được các chủ rừng đưa đi tham quan trên Hồ bằng xuồng, đến các dãy núi, khám khá các hang động. Hiện nay, bà con địa phương đã đầu tư xây dựng hàng chục trang trại trồng rừng, cây ăn quả trong các dãy núi. Vì vậy, du khách đến tham quan Hồ sẽ được thưởng thức các đặc sản địa phương.
Đến với hồ Xuân Dương, du khách có thể tham quan các trang trại cây ăn quả của người dân địa phương. |
Trong tương lai không xa, với việc tăng cường đầu tư, khai thác, hồ Xuân Dương sẽ là điểm đến của nhiều du khách gần xa, làm nên tour du lịch đầy hấp dẫn: Đền Cuông - Cửa Hiền - Hồ Xuân Dương.
Ông Lê Mạnh Hiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: Theo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Diễn Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Diễn Châu trở thành đô thị loại III và là một trong 6 đô thị chủ đạo của tỉnh, nằm trong 3 hành lang kinh tế. Dự kiến, Diễn Châu có các dự án có tính động lực như: Khu đô thị, du lịch sinh thái, thể thao sân golf xã Diễn Trung; khu du lịch sinh thái, thể thao sân golf Hồ Xuân Dương tại xã Diễn Phú với mức đầu tư 2.374 tỷ đồng nguồn đầu tư từ ngân sách tỉnh và xã hội hóa. Khi dự án đi vào hoạt động thì Hồ Xuân Dương sẽ là điểm nhấn của du lịch Diễn Châu, là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng, thu hút du khách trong và ngoài nước sau khi đã trải nghiệm các hoạt động vui chơi thể thao và tham quan các điểm du lịch tâm linh cũng như du lịch biển.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin