Ba nghi lễ người Việt thường thực hiện trước ngày 30 Tết
Ngoài lễ tiễn ông Táo về trời vào 23 tháng 12 âm lịch, người Việt còn có một số lễ thức thực hiện suốt từ rằm tháng Chạp cho tới trước đêm trừ tịch. Các nghi lễ này được ghi chép ở một số cuốn sách về văn hóa, tín ngưỡng người Việt. Mới đây, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho ra mắt cuốn sách Khảo luận về Tết, trong đó có nói tới các lễ thức thực hiện dịp cuối năm.
Lễ tiễn thần phật là một tập tục quan trọng với cộng đồng người Việt xưa. Lễ này thường được thực hiện vào ngày 25 tháng Chạp, để tiễn thần, Phật đi chầu trời. Lễ này đánh dấu bằng việc vào ngày 25 tháng Chạp, các vị hương chức làm lễ sửa con dấu, ấn, sau đó bỏ vào hộp niêm kín (lễ Niêm ấn hoặc Sắp ấn). Mọi công việc hành chính, xử phạt từ ngày này đến ngày mùng 7 tháng Giêng đều không được tiến hành.
Vào ngày lễ, các vị hương chức trong làng sẽ sắm sửa lễ vật cúng tiễn thần chầu Ngọc Hoàng để chư thần tấu trình việc tốt xấu trong địa phận mình cai quản. Trong lễ này, hương chức sẽ dựng nêu ở đầu làng, dân chúng dựng nêu sau ngày đó, không ai được dựng nêu tại nhà mình trước ngày lễ. Do vậy, lễ này còn được gọi là lễ Dựng nêu. Đến 30 tháng Chạp, làng lại làm lễ rước thần về ăn Tết, thần tái nhận công việc bảo hộ cộng đồng trong năm mới.
Ngày 25 tháng Chạp cũng là ngày các tín đồ Phật giáo làm lễ tiễn Phật về chầu trời. Sau khi cúng lễ (lễ vật chay gồm nhang, đèn, trà, quả) là thời gian chư Phật, Bồ Tát đã về cõi thương, nên mọi người tranh thủ lau rửa bàn thờ, giặt giũ màn trướng ở ban thờ Phật, tắm tượng Phật.
Người ta không đốt hương, cúng gì cho đến đêm trừ tịch, khi làm lễ thỉnh Phật trở về. Ở Chùa, chư tăng sư cũng tiến hành lễ này và sau đó lau chùi đồ tự khí, bửu điện, hương án, tượng thờ và dọn dẹp tu viện.
Nếu như lễ tiễn thần, phật là nghi thức của cộng đồng, thì lễ Chung niên là nghi thức của từng gia đình. Lễ này được tổ chức từ rằm tháng Chạp đến trước ngày 30 cuối năm. Với các nhà làm nghề thủ công, họ thường làm lễ muộn để cúng tạ tổ sư và gia thần, là dịp để liên hoan giữa thầy và thợ trước khi nghỉ Tết.
Những người buôn bán thường làm lễ cúng tạ thần thánh đã phù hộ công việc làm ăn trong suốt năm qua. Theo nghi thức xưa, mỗi lần cúng lễ xong thì chủ nhà sẽ gửi một miếng thịt lợn quay hay một lễ vật nào đó biếu cho con nợ để con nợ biết mình đã làm lễ chung niên, hãy nhanh chóng thanh toán các khoản nợ nần trước ngày cuối năm.
Từ rằm tháng Chạp trở đi cũng là khoảng thời gian để mọi người chuẩn bị quà biếu xén nhau. Học trò đi Tết thầy, người bệnh biếu quà thầy thuốc, trong dòng họ, con cháu đem lễ vật gửi người đứng đầu gia tộc để cúng tổ tiên.
Một lễ thức phổ biến dịp cuối năm là lễ tảo mộ. Đây là một tập tục quan trọng, biến đổi ở từng vùng miền khác nhau. Một số nơi có lễ Chạp hàng năm theo tục của từng dòng tộc. Việc tu bổ mồ mả tổ tiên vào thời gian trước Tết là tập tục hiếu đạo, biểu thị tín niệm về sự thông linh giữa con cháu và các thể hiện tổ tiên quá vãng.
Cùng tảo mộ là tục dẫy mộ vào những ngày cuối năm. Theo lệ, vào một ngày nào đó (thường sau Tết ông Táo), mọi người cùng đi rẫy cỏ, chặt cây, đắp đất tu bồi các mồ mả vô chủ trong địa giới thôn làng. Mọi người cũng góp tiền bạc sắm sửa lễ vật để cúng, lễ chung tại miếu tâm linh. Tu bổ mộ hoang là việc làm thể hiện lòng nhân nghĩa đối với những người có số phận hẩm hiu trong cộng đồng.
Theo Zing