“Thiện và Ác và Cổ tích”: Khi Trọng Thủy, Thủy Tinh và Cám được lên tiếng
Làm mới những câu truyện cổ
Cổ tích là những câu chuyện mang yếu tố thần kì lưu truyền trong dân gian. Theo năm tháng và sự dịch chuyển qua các vùng đất, những câu chuyện có thể được bồi đắp, biến đổi để có thêm các dị bản.
Tuy nhiên, cuộc chiến đấu giữa Thiện và Ác luôn giữ vị trí cốt lõi trong hầu hết các câu chuyện, thể hiện cái nhìn xuyên suốt cũng như ước mơ lớn nhất của con người: Sống là cuộc đấu tranh giữa Tốt và Xấu, giữa Thiện và Ác.
Mở đầu là "Truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân", lí giải cách nghĩ của dân gian về nguồn gốc người Việt. Đây là hai nhân vật đem đến niềm tự hào “con Rồng, cháu Tiên”, thể hiện niềm kiêu hãnh và tự tôn về nguồn gốc cao quý của dân tộc, khẳng định mối quan hệ gắn bó khăng khít keo sơn giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam.
Quyển sách khép lại bằng truyện Mỵ Châu – Trọng Thủy, một truyền thuyết tích hợp nhiều nội dung trong cùng một chuyện, kể về sự nghiệp xây dựng thành Cổ Loa của An Dương Vương, sự sáng tạo vũ khí của người dân Âu Lạc trong cuộc chiến chống lại kẻ thù phương Bắc, và cuối cùng là câu chuyện tình yêu đầy bi kịch khi một nàng công chúa vô tình tiếp tay cho kẻ thù phá hoại đất nước.
Xuyên suốt tất cả các truyện là hai tuyến nhân vật song song cùng kể chuyện. Là Sơn Tinh và Thủy Tinh trong "Sơn Tinh – Thủy Tinh", người anh và người em trong "Sự tích trầu cau", Tấm và Cám trong "Tấm Cám", Thạch Sanh và Lý Thông trong "Thạch Sanh", Anh Khoai và Phú Ông trong "Cây tre trăm đố", cô em út và các cô chị trong "Sọ Dừa"…
Lần đầu tiên cái Ác được lên tiếng để tự “biện hộ”, để người đọc có cái nhìn đa chiều và đầy đủ hơn. Dẫu cho cuối cùng cái Thiện chiến thắng và cái Ác phải bị trừng phạt, nhưng người đọc hôm nay chắc chắn sẽ có cái nhìn trọn vẹn và cởi mở hơn cả từ hai phía Thiện và Ác.
Đặc biệt, sau mỗi truyện là phần kiến thức khơi mở về giá trị nghệ thuật của truyện và kiến thức về kho tàng truyện cổ, rất cần thiết cho người đọc muốn tìm hiểu và nghiên cứu sâu. Đồng thời, với ý thức hội nhập, Nhà xuất bản Kim Đồng còn đầu tư chuyển ngữ qua tiếng Anh các tóm tắt truyện, nhằm bước đầu “chào hàng” truyện cổ Việt Nam với hình thức sách tranh ra thế giới.
Cách đọc mới lạ
Với thế mạnh là đơn vị tiên phong trong việc đầu tư thực hiện dòng sách artbook, "Thiện và Ác và Cổ tích" của Nhà xuất bản Kim Đồng có sự khác biệt so với các ấn phẩm văn học dân gian đã từng có mặt trên thị trường sách.
Các truyện cổ hòa quyện cùng những bức tranh khổ lớn của các họa sĩ trẻ đương đại như một bộ sưu tập tranh ấn tượng. 16 họa sĩ là 16 phong cách biểu đạt khác nhau, tạo nên sự cộng hưởng đặc biệt, mang đến hiệu quả tiếp nhận mới cho toàn bộ ấn phẩm.
Tác giả Thủy Nguyên là cử nhân Văn học, thạc sĩ Văn hóa học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh bộc bạch: “Dù sống trong thời đại công nghệ, tôi vẫn tin rằng trẻ em sẽ hạnh phúc nhất khi được bay bổng trong thế giới cổ tích tươi đẹp, cùng niềm tin cái Thiện luôn giành phần thắng trước cái Ác.
Con đường dẫn trẻ thơ đến với những giá trị văn hóa đẹp đẽ của dân tộc bắt đầu từ tình yêu mà chúng ta chăm chút dành tặng các em, thông qua những trang sách đẹp, như quyển sách chúng ta đang cầm trên tay".
Họa sĩ Võ Huỳnh Phú – tác giả minh họa truyện "Trê Cóc" chia sẻ: “Từ nhỏ mình đã thích vẽ và tìm hiểu văn hóa dân gian. Từ lời ăn tiếng nói, trang phục, ẩm thực cho đến âm nhạc, hội họa, kiến trúc, tín ngưỡng. Sự phong phú của văn hóa Việt luôn làm mình kinh ngạc, thôi thúc mình học hỏi tìm tòi.
Là một người trẻ đam mê văn hóa dân tộc, mình muốn vẽ những đề tài đậm chất Việt Nam, với mong ước truyền cảm hứng, cùng mọi người cảm nhận nét đẹp văn hóa mà cha ông đã giữ gìn và bồi đắp".
Theo Giaoducthoidai.vn