Sách

"Hãy chăm sóc mẹ" - thông điệp từ hào quang của tình mẫu tử

09:08, 10/05/2020
Thời khắc 4 đứa con đi tìm mẹ mất tích, họ mới nhận ra sự hy sinh của bà cho gia đình. Câu chuyện giản dị khiến chúng ta rơi nước mắt vì những sự thật đầy ám ảnh.

Tác phẩm Hãy chăm sóc mẹ (tựa gốc: Please Look After Mom) của nhà văn Hàn Quốc Kyung-sook Shin xoay xung quanh sự kiện bà Park So-nyo - một phụ nữ lớn tuổi mất tích ở nhà ga Seoul khi cùng chồng tới thăm cậu con cả.

Trong hành trình tìm kiếm người mẹ của mình, 4 đứa con mới phát hiện bản thân mình đã quá thờ ơ với người mẹ tần tảo, hy sinh.

Hình bóng mẹ nhạt nhòa phía sau

Truyện mở đầu bằng câu thuật ngắn gọn: “Mẹ bị lạc đã một tuần”. Hành trình đi tìm người mẹ bắt đầu khiến những sự thật trần trụi được hé mở.

Con gái (Chi-hon) nhận nhiệm vụ viết tờ rơi tìm người biết được năm sinh thật của mẹ trong một tình huống không thể trớ trêu hơn - khi mẹ mất tích.

“Lần đầu tiên cô được nghe tới điều này”. Nó khiến cô bắt đầu hoài nghi về những gì mình biết về người đã sinh ra mình.

Cuốn sách Hãy chăm sóc mẹ của nhà văn Kyung-sook Shin.
Cuốn sách Hãy chăm sóc mẹ của nhà văn Kyung-sook Shin.

Trong ký ức của con gái, sinh nhật của mẹ thường là ngày bà tất tả nấu những mâm cơm đầy cho 22 thành viên trong nhà.

Bà mẹ hiện lên là dáng hình phụ nữ hy sinh, đến cả ngày sinh nhật cũng muốn tổ chức chung với bố “vì mẹ nghĩ mùa hè nóng nực mà anh chị em cô phải đi đi lại lại hai lần cho hai ngày sinh nhật thì thật mệt, chi bằng chọn lấy một ngày rồi tổ chức luôn cho tiện”.

Và đến khi chọn bức hình dán lên tờ rơi tìm người, những đứa con mới nhận ra rằng trong nhà chẳng có lấy một tấm hình tử tế của mẹ. Mỗi khi chụp ảnh gia đình, “mẹ cũng lẩn đi mất, thế nên mẹ không bao giờ xuất hiện trong ảnh”.

Ngay cả đến hình dáng của mẹ, họ cũng không nhớ chính xác. Chi-hon miêu tả ngoại hình của mẹ: “Tóc muối tiêu ngắn, gò má cao, khi đi lạc mặc áo sơ mi xanh da trời, áo khoác trắng, váy xếp nếp màu be”.

Trong trí nhớ của cô, mẹ là người “bước đi giữa biển người với phong thái có thể đe dọa cả những tòa nhà lừng lững đang nhìn thẳng xuống từ trên cao".

Nhưng hình ảnh của mẹ khi những người đi đường miêu tả chỉ là “một bà già cứ lững thững bước đi, thỉnh thoảng lại ngồi bệt xuống đường hay đứng thẫn thờ trước cầu thang cuốn”.

Sự thật đối lập đó khiến Chi-hon giật mình. Cô đang tìm kiếm hình bóng người mẹ nào?

Hành trình tìm về ký ức đau đớn và da diết

Từ sự kiện mẹ mất tích, gia đình của Chi-hon trở thành mớ bòng bong với hàng loạt cãi vã. Họ tranh luận từ tiền hậu tạ cho đến những điều xích mích trong quá khứ.

Và đến lúc đó, họ mới phát hiện một sự thật: Mẹ không biết chữ, bà còn bị ung thư vú khiến đầu óc không còn minh mẫn.

Điều đó như một gáo nước lạnh dội vào tâm trí những đứa con. Họ chẳng hiểu gì về mẹ. Kể từ đó, hành trình kiếm tìm người mẹ mất tích là những trang viết hồi tưởng lại hàng loạt ký ức đau đớn và da diết.

Đó là ký ức về lần Chi-hon bất ngờ ghé thăm nhà, cô hoảng hốt thấy mẹ ngã ở nhà kho, khuôn mặt “vẹo vọ”, “vô cùng khổ sở trong cơn đau dữ dội”, “khuôn mặt trắng bệch kinh hoàng”.

Cảnh tượng đó khiến cô sẵn sàng bỏ thành phố về với mẹ, để mẹ không phải sống cô đơn.

Đó là giây phút mẹ cãi nhau với bố, tìm cách kiếm tiền để cho Chi-hon đi học, mong con có tương lai tốt đẹp hơn. Ngay cả khi cô khóc, “nước mũi của cô quện lẫn mùi mồ hôi của mẹ. Mẹ vẫn đội đúng chiếc khăn ấy đi đến trường”.

Đó là hình ảnh mẹ “bị thương ở mu bàn chân, đi đôi dép lê màu xanh, một bên dép cứa vào đôi bàn chân chỗ gần ngón chân cái sâu đến nỗi miếng thịt long ra tạo thành vết rách sâu hoắm, ruồi muỗi vây quanh vết thương đang rỉ mủ”. Bà bị thương một tuần trước khi mất tích.

Các thành viên còn lại nhận ra, họ đã trưởng thành, lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ và coi đó là điều hiển nhiên. Chưa một lần họ ngoảnh lại để thấy người luôn hy sinh và chăm sóc cho mình.

Bấy lâu nay, mẹ vẫn chăm sóc, chở che và bảo vệ họ như bức tường vững chãi ở phía sau. Bóng hình mẹ nhạt nhòa giữa những bữa tiệc tùng, giữa những tấm ảnh chụp chung. Chỉ có tình yêu thương của bà sưởi ấm và nuôi lớn các con.

Hãy yêu thương và chăm sóc những người đã sinh thành, đừng để chúng ta phải hối hận vì đã không làm điều đó sớm hơn. Ảnh minh họa: Grafolio.
Hãy yêu thương và chăm sóc những người đã sinh thành, đừng để chúng ta phải hối hận vì đã không làm điều đó sớm hơn. Ảnh minh họa: Grafolio.

Hãy chăm sóc mẹ khép lại bằng cái kết buồn. Lạc vào trong từng câu chuyện của mỗi thành viên là lối đi chạm đến góc sâu khuất nhất của trái tim. Nhưng đến khi nhận ra rồi, họ không còn cơ hội bù đắp tình yêu vô hạn không ngơi nghỉ của bà, dù chỉ một giây phút.

Nhà văn Kyung-sook Shin không dùng bất kỳ câu cảnh tỉnh hay nhắc nhở nào nhưng từng trang sách lật giở là cảm giác nghèn nghẹn lại càng dâng lên.

“Ôi yêu thương, chừng nào còn có thể yêu thương” - lời mở đầu của cuốn sách có lẽ chính là lời nhắn gửi cho chúng ta.

Câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng vẫn mãi còn đọng lại trong lòng mỗi độc giả. Để đến khi gấp cuốn sách lại, vẫn có một thứ cảm xúc không nguôi, thôi thúc chúng ta hãy yêu thương, chăm sóc người sinh thành ra mình trước khi quá muộn.

Kyung-sook Shin (sinh năm 1963) là nhà văn người Hàn Quốc. Gia đình không có điều kiện nên 16 tuổi bà đã phải nghỉ học để kiếm sống ở Seoul. Năm 1985, bà bắt đầu khởi nghiệp viết văn và gặt hái nhiều thành công.

Năm 2009, một năm sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết Hãy chăm sóc mẹ (Please Look After Mother), Kyung-sook Shin trở thành nhà văn được yêu thích trên toàn thế giới.

Nhờ tiểu thuyết này, bà được nhận giải Văn học châu Á năm 2011 - giải thưởng văn học danh giá nhất của châu lục kèm theo số tiền thưởng 30.000 USD.

 

 

Theo Zing

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện