Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Không thiếu đam mê và sáng tạo

10:10, 02/12/2008
Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần 3 diễn ra từ ngày 25-11 đến 2-12 tại Hà Nội. Đã năm năm rồi cuộc thi này mới được tổ chức trở lại, những tài năng trẻ của dòng nhạc truyền thống mới lại có dịp bộc lộ.

Nhiều thí sinh sử dụng những tác phẩm giống nhau nhưng mỗi người đều có sự tìm tòi cách thể hiện mới. Trong một buổi diễn khán giả có thể nghe đi nghe lại Tò vò (nhạc cổ), Luyện năm cung (nhạc cổ), Xuân quê hương (nhạc mới)… nhưng không hề có cảm giác nhàm chán. Mỗi thí sinh đều mang đến một cách xử lý khác nhau, cảm nhận khác nhau và gửi gắm cả tâm tư của riêng mình vào tác phẩm. Nghe tiếng đàn nhị của thí sinh Lê Minh, không ít khán giả ngồi dưới đều có cùng cảm nhận đó là tiếng lòng của một người từng trải. Anh từng đoạt giải nhì cuộc thi lần trước nhưng vẫn muốn quay lại thử sức với hi vọng đoạt giải cao nhất.

Một thành viên ban giám khảo bày tỏ điều đáng tiếc nhất của cuộc thi là sự hạn chế trong quy định. Ở bảng A dành cho thí sinh dưới 16 tuổi, ban tổ chức yêu cầu phải có đủ 10 thí sinh dự thi cho mỗi nhạc cụ, song trên thực tế có một số bộ môn nhạc cụ không đăng ký đủ 10 em nên những em này nghiễm nhiên không đủ điều kiện dự thi.

Vị giám khảo này cũng cho rằng trẻ em càng tiếp xúc với âm nhạc dân tộc sớm bao nhiêu càng có hi vọng về một thế hệ kế cận biết chơi và đam mê nhạc cụ dân tộc bấy nhiêu. 

Bên cạnh những tác phẩm quen thuộc, một số thí sinh tạo ấn tượng tốt khi trình tấu những tác phẩm mới. Với tác phẩm Trăng quê do chính mình sáng tác, Nguyễn Duy Thịnh đã gây bất ngờ khi trình tấu kép hai cây đàn bầu. Ngoài Duy Thịnh, Khánh Ly ở bộ môn đàn tì bà cũng trình làng một tác phẩm mới của mình. Một thành viên ban giám khảo cho biết những thể nghiệm mới này tuy chưa thành công lắm về hiệu quả nghệ thuật song rất đáng khích lệ.

Cuộc thi năm nay (với sự tham gia của 115 thí sinh 11-35 tuổi)cũng đánh dấu sự đột phá của các thí sinh nữ, nhất là ở những bộ môn được xem là độc quyền của thí sinh nam. Chỉ có hai thí sinh nữ là Nguyễn Thị Trang và Phạm Thị Lan tham gia thi bộ môn sáo trúc và đàn nhị. Họ đã vượt qua 19 thí sinh nam còn lại để đi tiếp vào vòng hai. Những thí sinh đến từ Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, từ Bạc Liêu cũng đang dần khẳng định khả năng của mình. Nhiều sinh viên nhạc viện đã trầm trồ sau phần biểu diễn của nhóm hòa tấu Trường Việt Bắc.

Trong suốt bảy ngày diễn ra cuộc thi, luôn có khoảng 100 khán giả trung thành theo dõi các thí sinh. Ngoài phụ huynh và bạn bè, nhiều khán giả là những người sản xuất nhạc cụ, những công chức về hưu, một số sinh viên và người nước ngoài cũng đến nghe nhạc. Khán giả đến và chăm chú lắng nghe đến cuối cuộc biểu diễn là một dấu hiệu đáng mừng, cho thấy âm nhạc dân tộc không bị lãng quên.

Câu chuyện của một khán giả theo dõi hết bốn ngày cuối cuộc thi đã nói lên nhiều điều về ý nghĩa của những thanh âm dân tộc. Ông là một Việt kiều, một bác sĩ về hưu sống ở Mỹ: “Bốn mươi năm phiêu bạt nơi nước Mỹ xa xôi, thỉnh thoảng tôi mới được nghe âm nhạc dân tộc qua tivi. Lúc đó tôi nghe thấy hay nhưng không thể biết được hình thù những cây đàn như thế nào. Lần này về nước, lại đúng dịp diễn ra cuộc thi, tôi đã được nhìn thấy hình dáng những cây đàn bầu, đàn tranh, đàn tam thập lục…”.

Cuộc thi rồi sẽ kết thúc, mặc cho người thắng, kẻ thua, người đàn ông xa xứ cứ mãi vấn vương tại sao người khiếm thị lại có thể chơi đàn bầu hay như thế, tại sao đàn bầu chỉ có một dây nhưng lại có thể diễn tả được nhiều cung bậc đến như vậy…

HÀ HƯƠNG

Những thí sinh đặc biệt

Cô giáo chỉnh dây đàn cho Hà Chương trước giờ biểu diễn - Ảnh: Hà Hương

Hà Chương, Trần Quốc Hoàn, Đinh Tuấn Sơn, Đinh Quang Vũ và nhóm Hi Vọng là những thí sinh khiếm thị đặc biệt của cuộc thi. Với tất cả mọi người, âm nhạc của họ không chỉ là hiện thân của nghị lực mà còn là sự kết hợp điêu luyện của kỹ thuật và nhạc cảm tốt. Không nhìn thấy ánh sáng, họ phải nhờ bạn bè đọc từng nốt nhạc, chép lại bằng chữ nổi rồi học thuộc lòng cả bản nhạc.

Con đường đến với một tác phẩm dài gấp đôi, gấp ba người bình thường. Kết thúc vòng loại, Hà Chương, Trần Quốc Hoàn và nhóm Hi Vọng lọt vào vòng sau. Đó là thành quả của những ngày tập luyện gian khổ, đón xe ôm đi biểu diễn kiếm sống hay lấy nghề tẩm quất nuôi niềm đam mê âm nhạc dân tộc.