30 nước, khu vực dự hội nghị âm nhạc tại Hà Nội
Đây là lần đầu tiên Hội nghị này diễn ra tại Việt Nam do Viện Âm nhạc thuộc Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế đăng cai tổ chức ở Việt Nam.
Đây là dịp để các nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sỹ, nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa Việt Nam và quốc tế trao đổi, chia sẻ thông tin về âm nhạc truyền thống ở trong nước và trên thế giới; là hoạt động thiết thực chào đón 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Âm nhạc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, tiến sỹ Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc cho biết ICTM lần này diễn ra tại Việt Nam góp phần khẳng định một thời kỳ mới, giai đoạn phát triển mới của âm nhạc Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế.
Đoàn nghệ thuật đờn ca tài tử Thành phố Hồ Chí Minh đại diện các tỉnh thành phía Nam, một số đơn vị nghệ thuật khác của miền Bắc sẽ biểu diễn tại Hội nghị để giới thiệu đến bạn bè quốc tế nét đẹp, đa dạng, phong phú và tinh tế của âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Qua hội nghị này, ban tổ chức hy vọng sẽ có thêm nhiều ý tưởng, kế hoạch liên kết hoạt động văn hóa mới giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế...
Ngay sau lễ khai mạc, nhóm nghiên cứu “Âm nhạc và các dân tộc thiểu số” tiến hành Hội nghị chuyên đề lần thứ sáu, diễn ra từ ngày 20-22/7, tại Hà Nội với 12 phiên họp.
Gần 30 bản tham luận tập trung vào ba chủ đề chính là “Âm nhạc và các dân tộc thiểu số trong giáo dục,” “Các dân tộc thiểu số khác-những thách thức và cách giải quyết” và “Vai trò của âm nhạc trong việc duy trì bền vững của cộng đồng các dân tộc thiểu số,” sẽ trình bày tại hội nghị này.
Ngày 23/7, sẽ là ngày họp riêng về chủ đề âm nhạc Việt Nam tại Hà Nội với bốn phiên họp do hai giáo sư Trần Quang Hải, Tô Ngọc Thanh và hai học giả quốc tế chủ tọa với sự trình bày tham luận của các đại biểu trong nước và quốc tế.
Giáo sư Tô Ngọc Thanh sẽ trình bày tham luận về “Âm nhạc dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, tương đồng và dị biệt.”
Ngày 24 và 25/7, các đại biểu thăm vịnh Hạ Long và tiếp tục họp tại Quảng Ninh, trong đó có phiên mở đầu Hội nghị chuyên đề lần thứ hai của nhóm nghiên cứu ‘Âm nhạc dân tộc học ứng dụng,” với 30 phiên họp tập trung vào ba chủ đề gồm “Lịch sử và những hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc học ứng dụng,” “Nghệ thuật trình diễn và vấn đề bảo tồn” và “Nghệ thuật trình diễn trong đối thoại, sự ủng hộ và giáo dục.”
ICTM sẽ kết thúc vào ngày 28/7, tại Hà Nội và Quảng Ninh.
(Theo TTXVN)