Con đường Di sản miền Trung:Bao giờ thành thương hiệu du lịch hấp dẫn?
Miền Trung dải đất “thắt đáy lưng ong” của đất nước, nơi hội tụ nhiều công trình văn hoá nghệ thuật đặc sắc, cũng như nhiều thắng cảnh nổi tiếng. Trong đó có đến 6 công trình và danh lam được UNESCO công nhận là di sản văn hoá-thiên nhiên thế giới: Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, Động Phong Nha-Kẻ Bàng và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Sự hiện diện của chuỗi di sản văn hoá - thiên nhiên thế giới (DSVHTNTG) đã tạo điều kiện cho du lịch miền Trung phát triển mạnh, các địa phương đã hình thành những thương hiệu du lịch gắn liền với chuỗi DSVHTNTG của mình như Festival Huế, Đêm rằm phố cổ Hội An, Ấn tượng Mỹ Sơn, Huyền thoại Phong Nha - Kẻ Bàng...
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những thương hiệu du lịch riêng lẻ, chưa có sự liên kết vùng miền để phát huy tối đa lợi thế của các DSVHTNTG ở miền Trung.
Ý tưởng từ những con đường du lịch thế giới
Năm 2002, ông Paul Stoll - Tổng Giám đốc Purama Đà Nẵng đã đưa ra sáng kiến thiết lập Con đường Di sản Thế giới ở miền Trung (WHR). Sự ra đời của WHR đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của các địa phương, các doanh nghiệp du lịch ở miền Trung - Tây Nguyên. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ khi chính thức hình thành, đến nay đã có hơn 100 doanh nghiệp thành viên, cùng với nhiều doanh nghiệp đăng ký làm đối tác tài trợ và khai thác thương hiệu du lịch lớn này.
Nét đẹp của Phong Nha - Kẽ Bàng |
Dự kiến, Con đường Di sản Thế giới được bắt đầu từ thành phố Vinh-Nghệ An, quê hương của Danh nhân Văn hoá thế giới Hồ Chí Minh đi qua các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Cửa Lò, Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Chợ phiên Ba Đồn, Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), Cầu Hiền Lương, Địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị), Sông Hương, Núi Ngự, lăng tẩm đền đài Huế, Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn cho đến điểm cuối là thành phố du lịch Đà Lạt.
Trong đó, điểm nhấn là đoạn đường từ Quảng Bình đến Quảng Nam với 5 di sản văn hoá - thiên nhiên thế giới. Đây là con đường du lịch văn hoá - lịch sử - sinh thái dài nhất nước ta hiện nay, với tổng chiều dài gần 1.500 km, qua rất nhiều danh thắng, di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng của đất nước. Hành trình theo con đường di sản miền Trung cũng là con đường nối liền 3 khu du lịch tổng hợp chất lượng cao của quốc gia do nhà nước đầu tư xây dựng là Lăng Cô - Bạch Mã (TT-Huế), Khu du lịch Vân Phong (Khánh Hoà) và Khu du lịch Đankia-Suối Vàng (Lâm Đồng).
Theo đề án của các nhà thiết kế, Con đường DSVHTNTG ở miền Trung, được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, tập trung triển khai ở các địa phương có di sản thế giới từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Giai đoạn 2, phát triển ở hai tỉnh miền Trung là Nghệ An, Hà Tĩnh. Giai đoạn 3, phát triển từ Quãng Ngãi đến Đà Lạt. Ban điều hành WHR sẽ thẩm định, phê chuẩn chất lượng và có nhãn hiệu riêng cho từng dịch vụ liên quan đến con đường di sản được hình thành ở các địa phương để tránh trùng lặp và bảo đảm chất lượng lâu dài cho thương hiệu du lịch này.
Dịu dàng sông Hoài - Hội An |
Chính vì yêu cầu chất lượng sản phẩm, dịch vụ cao trong quá trình tham gia vào con đường di sản thế giới, hiện nay, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch, các địa phương cũng đang từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, các bãi biển Đà Nẵng, Hội An, Lăng Cô... đã chật kín các dự án phục vụ du lịch cao cấp. Hệ thống sân bay, cảng biển cũng được đầu tư nâng cấp trở thành những trạm trung chuyển lớn, như sân bay Chu Lai, Đồng Hới, Phú Bài, Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, Kỳ Hà, Chân Mây..., đang trở thành những địa chỉ cập cảng của nhiều chuyến tàu du lịch quốc tế.
Các lễ hội văn hoá như Festival Huế, Đêm rằm phố cổ, Ấn tượng Mỹ Sơn, Huyền thoại Phong Nha-Kẻ Bàng, Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên ngày càng được tổ chức rầm rộ chuyên nghiệp hơn, tăng thêm sức hút cho thương hiệu con đường di sản. Các làng nghề truyền thống nằm trên con đường di sản cũng đã được khảo sát đầu tư phục hồi để đưa vào khai thác du lịch như Làng gốm Phước Tích, mây tre Phò Trạch, đúc đồng Huế, Phước Kiều, đá mỹ nghệ Non Nước, làng rau Trà Quế, làng lụa Mã Châu, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà... tạo nên nét phong phú đa dạng trong sản phẩm du lịch trên con đường di sản.
Phục dựng lễ tế Nam Giao |
Hiện nay, lượng du khách đến miền Trung hơn 5 triệu lượt người/năm, trong đó gần 2 triệu lượt khách quốc tế. Theo dự đoán của Ban điều hành WHR, nếu tổ chức khai thác, quảng bá tốt thương hiệu con đường di sản lượng du khách đổ vào miền Trung sẽ tăng hơn nhiều lần trong các năm tới… Tuy mới hình thành và phát triển chưa lâu, nhưng tour du lịch con đường di sản đã được các hãng lữ hành quốc tế quan tâm khảo sát và đã có tên trên bản đồ du lịch thế giới.
Đặc biệt, sau khi Phong Nha-Kẻ Bẻ Bàng và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nối tiếp nhau được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Con đường Di sản miền Trung càng trở nên phong phú, đa dạng với nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn. Nhiều hãng lữ hành quốc tế sau khi khảo sát tuyến du lịch Con đường Di sản miền Trung đã xác định đây là con đường du lịch văn hóa lịch sử dài và hấp dẫn nhất Đông Nam Á hiện nay.
Con đường di sản miền Trung… vẫn đứt đoạn
Thế nhưng, đã gần 10 năm nay, con đường di sản miền Trung vẫn chưa trở thành một thương hiệu du lịch tương xứng với tài nguyên thế mạnh của vùng di sản văn hóa-thiên nhiên thế giới. Có lẽ còn có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do lối tư duy kinh tế theo kiểu “ăn sẵn”, qui hoạch kinh tế theo địa giới hành chính, thiếu tầm nhìn liên kết hỗ trợ giữa các địa phương. Thế nên, rất nhiều dự án kết nối đến nay vẫn chỉ là dự án “trên giấy”, như dự án các làng nghề truyền thống, liên kết quảng bá lễ hội du lịch, liên kết lữ hành… vẫn ngủ quên trên bàn hội nghị. Các địa phương vẫn mạnh ai nấy làm và ai cũng tự cho mình là “trung tâm” của con đường di sản. Tình trạng “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, thiếu sự hỗ trợ lẫn nhau trong tổ chức khai thác du lịch làm cho con đường di sản miền Trung mấy năm nay hầu như… đứt đoạn.
Điển hình là các lễ hội du lịch được tổ chức ở các địa phương cứ như chồng khít lên nhau, lôi kéo du khách của nhau: Huế có Festival, thì Quảng Bình cũng đồng thời tổ chức Festival Biển; Đà Nẵng tổ chức Biển gọi, thì Huế lại có Lăng Cô huyền thoại biển…
Vẫn biết, các địa phương phải xây dựng cho mình những thương hiệu du lịch mang nét đặc trưng riêng của mình, nhưng phải trên cơ sở liên kết hỗ trợ tổng thể thì con đường di sản miền Trung mới thực sự phát huy hiệu quả. Còn với kiểu đầu tư khai thác du lịch theo kiểu “cát cứ” hiện nay, Con đường Di sản miền Trung khó trở thành một thương hiệu du lịch hấp dẫn như mong muốn.
(Theo VOV news)