Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tổng kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể

08:40, 13/08/2010
Từ ngày 15/8, thông tư của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc Kiểm kê và lập hồ sơ Khoa học cho di sản văn hóa phi vật thể sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành.

 

Tổng kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể

Đây là lần đầu tiên Việt Nam banh hành văn bản mang tính pháp lý về vấn đề này trên phạm vi toàn quốc và tất cả các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương cùng các cơ quan có liên quan sẽ phải nghiêm túc thực hiện.                      

           

Đối với các di sản văn hóa vật thể của Việt Nam như di tích, di vật, cổ vật sẽ dễ dàng có được một số liệu thống kê, thậm chí là tình trạng hiện nay. Nhưng, có bao nhiêu di sản văn hóa phi vật thể như tiếng nói, chữ viết; sử thi; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống... đang tồn tại và bao nhiêu di sản đã mất đi thì lại không ai biết. Với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đợt kiểm kê lần này sẽ giúp ngành văn hóa có cái nhìn tổng quan về hiện trạng của Di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam hiện nay cũng như lập hồ sơ khoa học để bảo tồn và phát triển.

 

Bà Lê Thị Minh Lý, Cục phó Cục Di sản Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: “Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể vì nó rất quan trọng, nếu chúng ta không kịp thời phát hiện ra thì đến một lúc nào đó, nó sẽ bị mai một. Khi di tích bị mai một, chúng ta nhìn thấy ngay, nhưng di sản phi vật thể bị mai một, chúng ta lại không nhìn thấy. Và điều đó hết sức là đáng tiếc”.

 

Viện Âm nhạc Việt Nam - một trong những đơn vị đã chủ động từ nhiều năm trước trong việc kiểm kê các di sản liên quan đến loại hình nghệ thuật trình diễn. Qua các cuộc điền dã trên khắp mọi miền đất nước, đến nay, Viện đã thu thanh và ghi hình được hơn 18.000 bài hát dân ca, gần 8.000 bài dân nhạc với sự góp mặt của hơn 2.000 nghệ nhân. Kinh nghiệm cho thấy, để đạt được hiệu quả, rất cần sự nghiêm túc từ chính quyền đến địa phương và trình độ của người tham gia kiểm kê.

 

TS.Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam cho rằng: “Người làm văn bản kiểm kê phải có nghiệp vụ, có khả năng tổng hợp. Ngoài lĩnh vực về âm nhạc, các lĩnh vực văn hóa khác cũng phải biết được các yếu tố của lịch sử, con người và những địa danh có đặc thù gì. Qua đó, chúng ta tìm đến di sản đặc trưng và xác định được mức di sản ở cấp độ nào”.

 

Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch nhấn mạnh, đợt tổng kiểm kê cần ưu tiên những di sản đang bị mai một cần bảo vệ khẩn cấp. Trong nửa cuối tháng 8, Bộ sẽ tổ chức tập huấn về công tác kiểm kê cho các địa phương trong cả nước. Dự kiến, đến tháng 5/2011, sẽ có những số liệu ban đầu về các di sản.

 

Cũng theo bà Lê Thị Minh Lý, Cục phó Cục Di sản Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: “Kiểm kê với sự tham gia của cộng đồng và kiểm kê ở đây không chỉ là để biết, để xuất bản ra một cuốn sách nói rằng, chúng ta có bao nhiêu di sản. Mà kiểm kê là để xây dựng kế hoạch để bảo vệ”.

 

Dù đã có nhiều di sản mất đi, nhưng cũng không thể phủ nhận, gần 20 năm qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng để phục hồi và gìn giữ, nhờ vậy mà nhiều di sản đã sống lại như: Ca trù, Rối Thẩm rộc (Thái Nguyên) hay hát Rô và nhiều lễ hội làng… Sự nghiêm túc của địa phương cùng cái tâm của những người tham gia sẽ giúp cho những tinh hoa văn hóa của dân tộc tỏa sáng trong chính cộng đồng đã sinh ra nó. 

 

(Theo vtv.vn)