Người họa sỹ đa tài
HS Hoàng Hải Thọ phác thảo tranh "Con đường gốm sứ ven sông Hồng"
|
Sau ngày giải phóng, Hoàng Hải Thọ được cử đi học Đại học Mỹ thuật Hà Nội. 40 tuổi, ông mới chính thức được thỏa nguyện niềm đam mê hội họa của mình, là họa sỹ vẽ tranh cổ động tuyên truyền của Trung tâm thông tin triển lãm tỉnh Nghệ An. Thời kỳ này, những sáng tác của ông đã gây được thông điệp mạnh mẽ, đầy sức thuyết phục.
Là nghệ sỹ đa tài, Hoàng Hải Thọ dồn nhiều tâm sức vào hội họa và điêu khắc. 20 năm công tác tại Trung tâm thông tin triển lãm tỉnh, 5 năm về hưu, tuổi cao, sức khỏe giảm sút, nhưng ông vẫn có tranh, tượng tham gia nhiều cuộc triển lãm của trung ương, khu vực và địa phương. Luôn gìn giữ cho mình một phong cách tạo hình riêng biệt, những đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật của ông được đồng nghiệp ghi nhận.
Nghệ thuật của Hoàng Hải Thọ giản dị và tiềm ẩn sự đa diện. Ông vẽ nhiều chủ đề khác nhau, nhưng sở trường vẫn là những đề tài truyền thống về quê hương, con người và thiên nhiên. Tranh của Hải Thọ thấm đẫm chất dân gian, gần gũi với đời thường. Những tác phẩm như Vinh quy, Đi nhủi, Về đi voi ơi, Bắt cá đêm trăng, Ký ức mùa lũ… đều được sáng tạo trên nền giấy dó, khắc gỗ, lụa… Dù với đề tài nào, ông cũng thể hiện sự sâu sắc và tính hiện thực được khái quát cao. Phát triển và kết hợp phong cách đồ họa của mình từ thời niên thiếu, bằng một tính chất toàn diện và năng lực sáng tạo không hề biết mỏi mệt, họa sỹ Hoàng Hải Thọ đã thành công trong việc thể hiện lại cảm xúc của mình trước thiên nhiên, trước cuộc sống đời thường.
Bức tranh “Đi nhủi” trên chất liệu giấy dó, sáng tác năm 1997 là tác phẩm tiêu biểu của ông, từng được quỹ Thụy Điển – Việt Nam phát triển Văn hóa trao giải thưởng trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2000. Không gian tranh là sự ước lệ giữa bề mặt nước trắng xóa mênh mông, 4 dáng người chắc nịch của miền sông nước, những con chuồn chuồn trong trạng tháI chuyển động. Tranh thể hiện sự cân bằng của những thứ tưởng như đối nghịch: ánh sáng và độ tối; sự rắn chắc của dáng điệu và sự mềm mại của áo quần.
Tác phẩm Về đi voi ơi, tranh khắc gỗ, cũng đã gây bất ngờ lớn đối với đồng nghiệp về chủ đề khá mới. Ông tin rằng, loài voi chính là sự kết tụ sức mạnh huyền bí của tự nhiên. Nhưng trước sự tàn phá thiên nhiên do con người tác động trực tiếp, các động vật quý hiếm dần dần biến mất hoặc bỏ đI sang những khu rừng xa lạ, trong đó có loài voi. Con người chợt như tỉnh giấc và tự đáy tâm hồn mong muốn sự tồn sinh trở lại của loài voi. Tác phẩm thể hiện sự khỏe khoắn đầy sức sống, biểu tượng của sự sinh sôi. Những chú voi và hình thể con người như hòa chung một khúc đồng dao. Những chi tiết bối cảnh như bản làng, đàn chim, hoa lá rất thanh bình, hạnh phúc và thịnh vượng. Tác phẩm đã được Hội đồng nghệ thuật trao giải A tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực 4, Bắc miền Trung năm 2007.
Tác phẩm "Về đi voi ơi", đạt giải A tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung năm 2007 |
Đến với hội họa bằng niềm đam mê, đồng nghiệp ghi nhận Hải Thọ ở sức sáng tạo mạnh mẽ, quá trình lao động miệt mài và một phong cách giản dị, hồn nhiên và trữ tình.
Những tác phẩm của ông tuy được hấp thu, chắt lọc từ tinh hoa nghệ thuật truyền thống, nhưng đặc tính dân tộc hiện đại cũng được biểu hiện khá rõ nét. Phải chăng đó chính là nhờ một cách nhìn “công nghiệp” đầy sáng tạo và trí tuệ với cuộc sống và nghệ thuật.
Bên cạnh sự thành công trên lĩnh vực hội họa, Hoàng Hải Thọ còn được biết đến với nhiều tác phẩm điêu khắc tiêu biểu ở Nghệ An. Cột mốc số 0 trên đường Hồ Chí Minh ở Tân Kỳ, tượng đài khởi nghĩa Đô Lương, Đài tưởng niệm các chiến sỹ cách mạng hi sinh ở Nhà lao Vinh và các mảng phù điêu ở nhà tưởng niệm Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong... Trong đó, Tượng đài kỷ niệm các chiến sỹ cách mạng hi sinh ở Nhà lao Vinh được xem là một tác phẩm thành công cả về nội dung và nghệ thuật, là công trình điêu khắc đầu tiên ở Nghệ An làm bằng đồng và đá.
Tượng đài các chiến sỹ XVNT hy sinh tại Nhà lao Vinh (Nhóm tác giả: Tiêu cao Sơn, Hoàng Hải Thọ, Ngô Hoàng Lương, Đào Phương)
|
Với nội dung kỉ niệm 75 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, tưởng niệm các chiến sỹ Xô Viết hi sinh tại nhà lao Vinh, tượng đài bao gồm mảng phù điêu bằng đá là tác phẩm của nhóm tác giả Hoàng Hải Thọ, Tiêu Cao Sơn. Ngô Hùng Lương và Đào Phương. Hoàng Hải Thọ là tác giả của 3 mảng phù điêu bằng đồng ở thân đài tái hiện cảnh các chiến sỹ cách mạng bị thực dân Pháp tù đày, tra tấn. Hơn một năm miệt mài sáng tạo, Hoàng Hải Thọ và các họa sỹ, nhà điêu khắc đã phải thi công trên đất sét, duyệt qua các hội đồng nghệ thuật từ tỉnh, khu vực và trung ương rồi mới chuyển sang làm bằng thạch cao. Tác phẩm cuối cùng được tham khảo ý kiến các cụ lão thành cách mạng rồi mới chuyển ra các nghệ nhân tỉnh Ninh Bình và Nam Định đục đá, đổ đồng. Bằng bút pháp tả thực, các mảng phù điêu ở tượng đài Nhà lao Vinh đã miêu tả rất sống và chân thực cảnh các chiến sỹ bị tù đày, tra tấn nhưng vẫn giữ trọn khí tiết của người chiến sĩ cách mạng kiên trung.
Không phải ngẫu nhiên mà đồng nghiệp đều có chung một nhận xét về ông: “một họa sỹ đa tài”. Bởi bên cạnh hai lĩnh vực sống còn của một đời nghệ sỹ là hội họa và điêu khắc, Hoàng Hải Thọ còn là tác giả của các phòng trưng bày, nhà tưởng niệm như Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong, phòng trưng bày Lê-Nin của Bảo tàng XVNT. Ông còn là tác giả của các lô-gô đồ họa như Lễ hội Làng Sen toàn quốc, biểu trưng Cửa Lò, Lễ hội Hang Bua, Vua Mai, biểu trưng uống nước nhớ nguồn ở Anh Sơn. Ông cũng là họa sỹ minh họa gắn bó lâu năm của tạp chí Sông Lam, hội Văn học nghệ thuật Nghệ An.
Tuy con đường đến với nghệ thuật nhiều chông gai và muộn mằn nhưng với tâm huyết và tài năng, Hoàng Hải Thọ đã để lại nhiều dấu ấn bằng những công trình và tác phẩm tiêu biểu ở xứ Nghệ. Nhìn lại gần 30 năm cống hiến cho nghệ thuật, ông đã giành được nhiều giải thưởng ở nhiều thể loại: Giải C triển lãm 10 năm mỹ thuật Nghệ An (1985-1995), Giải nhất tranh cổ động Nghệ An 1996; Giải khu vực Bắc miền Trung do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức năm 1996, 1997, 1998, 1999, 2006; Giải Si-đa quỹ phát triển văn hóa Việt Nam – Thụy Điển; Giải Hồ Xuân Hương, có 4 tranh trưng bày triển lãm mỹ thuật toàn quốc…
Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, họa sỹ Hoàng Hải Thọ đã cùng với đồng nghiệp thực hiện một đoạn tranh với chiều dài 50m2 giới thiệu về Nghệ An trong “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”. Đoạn tranh được lấy cảm hứng từ tứ thơ “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh, non xanh nước biếc như tranh họa đồ”, bức tranh nổi bật với cảnh quê Nội chủ tịch HCM, truyền thống hiếu học, lịch sử hào hùng của Nghệ An. Bên phải bức tranh là thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, kinh tế, du lịch…
Được góp sức mình quảng bá, giới thiệu về mảnh đất xứ Nghệ địa linh nhân kiệt, đối với ông đó là niềm tự hào và cũng là động lực giúp người họa sỹ ở tuổi 70 tiếp tục có những cống hiến có giá trị cho nghệ thuật.
(Hoa Mơ)