Ông Trần Duy Ngoãn: “LHTHTQ là cơ hội giao lưu về chuyên môn để có thể sáng tạo những tác phẩm truyền hình đa dạng hơn.”
1.Thưa ông, xin ông cho biết về công tác chuẩn bị cho LHTH toàn tuốc lần thứ 30 của Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An?
Năm nào Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An cũng phát động phong trào sáng tác các tác phẩm báo chí để tham gia Liên hoan truyền hình cấp tỉnh. Từ Liên hoan truyền hình toàn tỉnh chúng tôi lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc để tham dự Liên hoan truyền hình toàn quốc. Tháng 9 vừa qua, tỉnh Nghệ An đã tổ chức Liên hoan truyền hình toàn tỉnh lần thứ 15. Tai Liên hoan lần này, tất cả các phòng nội dung và đài huyện đều có tác phẩm dự thi nâng số lượng các tác phẩm phát thanh và truyền hình tham gia liên hoan năm nay lên hơn 200 tác phẩm dự thi, trong đó có 103 tác phẩm truyền hình.
Trong số các tác phẩm dự thi Liên hoan Phát thanh và truyền hình toàn tỉnh chúng tôi đã chọn ra được 11 tác phẩm xuất sắc để trao giải. Cùng với 11 tác phẩm đoạt giải, chúng tôi chọn được 8 để tài tốt nhất để tạo thành tác phẩm hoàn thiện. Sau khi 19 tác phẩm được hoàn thiện toàn bộ Ban biên tập đã nhóm họp và bình chọn được 13 tác phẩm tham dự Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 30.
2. Công tác chuẩn bị cho LHTH toàn quốc năm nay có gì mới và khác biệt so với năm ngoái không?
Điểm khác biệt trong công tác chuẩn bị cho Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 30 tại Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An đó là ngay từ đầu năm, Đài đã có định hướng các sự kiên và vấn đề lớn trong năm để hướng tới việc khai thác các đề tài cũng như sáng tác những tác phẩm phản ánh những vấn đề lớn mà toàn xã hội quan tâm. Hai sự kiện quan trọng nhất trong năm 2010 đó là năm nay là năm thứ 4 phát động cuộc vận động học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năm nay cũng là năm tổ chức ĐH Đảng các cấp để hướng tới ĐH Đảng toàn quốc lần thứ 11.
Các tác phẩm mang đi dự thi Liên hoan truyền hình toàn quốc năm nay cũng được Ban biên tập tuyển chọn công phu hơn. Các phòng chuyên môn có trách nhiệm xét duyệt và có trách nhiệm với tác phẩm dự thi của phòng mình. Bởi vậy công tác chuẩn bị cho liên hoan của Đài rất chủ động.
3.Ông có thể đánh giá sơ bộ về các tác phẩm dự thi Liên hoan lần này? Theo ông, tác phẩm trong lĩnh vực nào được coi là thế mạnh của Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An?
Theo tôi, 13 tác phẩm mà Đài Phát thanh và truyền hình Nghệ An mang đi tham dự Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 30 đều là những tác phẩm tốt nhất, đã được chuẩn bị hết sức kĩ lưỡng. Tuy nhiên, tôi vẫn đánh giá cao các tác phẩm thuộc thể loại Phóng sự, Chuyên đề và Khoa giáo.
4.Tại LHTH toàn quốc lần thứ 30, Ban tổ chức đã đưa vào danh mục dự thi một thể loại mới đó là các chương trình quảng bá, được hiểu đơn giản là các trailer giới thiệu chương trình, ông có thể cho biết tầm quan trọng của thể loại này trong các sản phẩm truyền hình?
Tôi cho rằng việc Ban tổ chức đưa thể loại các chương trình quảng bá là một trong những thể loại dự thi tại Liên hoan truyền hình toàn quốc là rất hợp lí. Đối với các Đài địa phương trước đây chúng ta chỉ lo sản xuất chứ chưa lo quảng bá cho các sản phẩm truyền hình của mình. Việc sản xuất các clip như thế này không chỉ nâng cao khả năng sáng tạo của các cán bộ mà còn đem đến cho công chúng những cái nhìn khái quát và giới thiệu các chương trình để khán giả tiện theo dõi.
Ở thể loại này năm nay Đài chúng tôi cũng có hai tác phẩm dự thi đó là clip quảng bá về Chương trình “Người Nghệ xa quê”. Đây là chương trình giới thiệu những gương tốt của người Nghệ An khắp mọi miền Tổ Quốc và ở nước ngoài. Tác phẩm thứ hai đó là clip giới thiệu chương trình “Sở hữu trí tuệ và cuộc sống”. Chương trình này giới thiệu cho khán giả những quy định về mặt KHCN và sở hữu trí tuệ.
5. Bên cạnh các hoạt động chính của LHTH toàn quốc, sẽ có các hoạt động bên lề như các triển lãm và hội thảo. Theo ông, những hoạt động này có ý nghĩa như thế nào đối với các đài TH địa phương?
Những hoạt động bên lề của Liên hoan truyền hình có ý nghĩa rất thiết thực với các đơn vị tham dự Liên hoan đặc biệt là với các Đài địa phương. Những hoạt động này có tác dụng tích cực trong việc giao lưu và trao đổi giữa các Đài cũng như bổ sung những kiến thức về truyền hình. Thông qua Hội thảo kĩ thuật, chúng tôi có thể hiểu thêm về công nghệ truyền hình mới, hay như Hội thảo tiếng dân tộc cũng là nơi để các Đài địa phương trên toàn quốc có cơ hội giao lưu về chuyên môn để có thể sáng tạo những tác phẩm đa dạng hơn.
(Mỹ Thủy)