Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Đô Lương phát huy vai trò dòng họ văn hóa

09:19, 08/02/2011
Hiện nay, phong trào xây dựng dòng họ văn hóa ở Đô Lương đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, củng cố an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong từng dòng họ, từng địa bàn và toàn xã hội.

 

Với hơn 1000 dòng họ, Đô Lương đã trở thành một vùng quê có nguồn gốc lâu đời của một vùng đất trù phú đông dân cư từ khi khai sinh lập ấp. Dòng họ luôn là niềm tự hào của mỗi gia đình. Dòng họ là điểm tựạ về tinh thần cho mỗi cá nhân biết vươn lên trong cuộc sống. Nét đẹp của mỗi dòng họ được nhân lên khi dòng họ đó đạt danh hiệu dòng họ văn hóa. Từ những quy ước của dòng họ đã giữ gìn kỷ cương trong mỗi gia đình, góp phần vào sự ổn định ANTT nơi thôn xóm. Từ dòng họ đã giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng quỹ khuyến học và nhiều việc làm khác để mỗi dòng họ trở nên một điểm sáng ở mỗi vùng quê. Nhiều dòng họ đã trở thành điển hình, như dòng họ Trương Công xã Văn sơn trong phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Ông Trương Công Hùng đại diện cho dòng họ cho biết: Trong dịp tết, ngày rằm tháng giêng, tháng 7, nhân buổi họp họ, chúng tôi đã tổ chức phát động giúp đỡ các gia đình nghèo bằng vật chất như nguồn vốn, các loại nông cụ để sản xuất.

Song song với việc giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, các dòng  họ văn hóa ở Đô Lương đã thường xuyên tổ chức đóng góp tiền xây dựng quỹ khuyến học nhằm động viên khích lệ con cháu trong dòng họ có kết quả học tập tốt, các cháu học sinh nhà nghèo vượt khó học tập. Nhờ phong trào xây dựng quỹ khuyến học, tỷ lệ học sinh giỏi ở Đô Lương ngày càng nâng cao. Đến nay, Đô Lương là một trong những lá cờ đầu về giáo dục của tỉnh. Nhiều em đạt học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế, thủ khoa các trường Đại học. Điển hình như dòng họ Tăng Văn ở xã Yên Sơn, nhờ làm tốt công tác khuyến học nên nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên học tập giỏi làm rạng danh cho dòng họ. Trong năm 2010, em Tăng Văn Bình - một học sinh mồ côi bố từ nhỏ đã nỗ lực học tập và đạt thủ khoa trường Đại học Ngoại thương với số điểm tối đa 30/30.

Hiện nay, toàn huyện Đô lương có trên 1.300 dòng họ, trong đó, dòng họ văn hóa chiếm trên 30%. Tất cả các dòng họ văn hóa đều có quỹ khuyến học, trong đó tiêu biểu có các dòng họ: Thái Doãn ở xã Hòa sơn, Trương Công ở Văn Sơn, Trần Doãn ở Lạc sơn, Nguyễn Đình ở Xuân Sơn có từ 40 đến 100 triệu đồng tiền quỹ khuyến học. Bên cạnh đó, trong nội tộc các dòng họ luôn nhận thức và có trách nhiệm vận động con cháu thực hiện tốt công tác dân số - KHH gia đình, thực hiện chính sách gia đình không có người sinh con thứ 3; Giáo dục và vận động con em trong họ tộc không vi phạm phạm pháp luật và tệ nạn xã hội như: Đánh bạc, nghiện hút, buôn bán vận chuyển ma túy, rượu chè bê tha. Thông qua phong trào XD dòng họ văn hóa, các dòng họ đã thu hút được sự quan tâm, giúp đỡ của con em trong dòng họ sống xa quê đầu tư vật chất để tu bổ, tôn tạo, xây dựng nhà thờ khang trang, giúp đỡ những hộ gia đình nghèo khó khăn vươn lên thoát nghèo, đóng góp hàng chục triệu đồng xây dựng quỹ khuyến học. Từ việc phát triển dòng họ văn hóa, tỷ lệ gia đình, làng xóm đạt chuẩn về văn hóa cũng được nâng lên rõ nét. Đặc biệt là thúc đẩy việc phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt nông thôn. Ông Lê Văn Lương - Phó phòng VHTTTT UBND huyện cho biết: Để xây dựng và giữ vững danh hiệu dòng họ văn hóa, các dòng họ cần tiếp tục có trách nhiệm hơn trong việc giáo dục con cháu thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thực hiện các quy ước, hương ước của làng. Đặc biệt là quy ước của dòng họ. Các dòng họ luôn phải nêu cao trách nhiệm giúp đỡ tạo điều kiện để các con cháu trong họ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; dộng viên, khuyến khích các con cháu học giỏi thông qua quỹ khuyến học, khuyến tài.

Xây dựng và phát triển dòng họ văn hóa ở Đô Lương đã khẳng định tính thực tiễn, tính nhân văn sâu sắc, góp phần xây dựng huyện Đô Lương ngày càng vững mạnh. Với những kết quả đã đạt được, tin chắc rằng nhiều dòng họ văn hóa ở Đô Lương sẽ tô thắm thêm nét đẹp truyền thống của dân tộc trong những năm tiếp theo.

(Ngọc Phương)