Làng Đong... thưa vắng tiếng cồng
“Nghe tiếng cồng làng Đong, nghe tiếng chiêng làng Bồi”. Đó là câu hát đã đi vào tâm trí của những người dân huyện Nghĩa Đàn xưa, nay là thị xã Thái Hòa. Thế nhưng, những câu hát đối đáp tình tứ, những người biết chơi cồng chiêng càng ngày càng ít đi. Và đây cũng là nỗi lo không xa của làng Đong nói riêng, đồng bào dân tộc Thổ huyện miền núi Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An nói chung.
Cồng chiếng làng Đong luôn có mặt tại Lễ hội Làng Vạc, một lễ hội lớn của TX Thái Hòa |
Đã ngoài 80 tuổi nhưng nghệ nhân Vũ Ngọc Tốt cũng không biết và không nhớ rõ sự tích của cồng chiêng người dân Làng Đong có từ đời nào, thuở nào. Cụ chỉ biết rằng khi lớn lên đã thấy người lớn chơi cồng. Cồng chiêng thường hay được chơi trong những ngày như mừng nhà mới, đám cưới, mừng thọ, chơi trong những ngày lễ lớn của dân tộc… Thế rồi cồng chiêng như ăn vào máu, vào tâm can của dân làng, thiếu cồng chiêng như thiếu một phần của cuộc sống vậy.
Tiếng cồng chiêng là lời tâm tình của lòng người với trời đất, với núi rừng, những lời tâm sự của những đôi trai gái tìm duyên, những lời của con cái với cha mẹ…Nghệ nhân Hồ Thị Thanh, Đội trưởng đội Cồng chiêng Làng Đong tâm sự: Mỗi khi nghe tiếng cồng, tiếng chiêng là trong người xốn xang, khó tả lắm, nó như đã ăn sâu vào tiềm thức, ngấm vào máu thịt của mình… Chả trách, từ xưa đến nay, cứ vào những ngày lễ trọng đại, Làng Đong lại không thể thiếu được tiếng Cồng, tiếng Chiêng.
Khi tiếng cồng chiêng cất lên, tiếng kèn và tiếng trống hòa vào nhau, nam thanh nữ tú cùng hòa theo điệu nhảy làm ngây ngất đất trời. Họ cầm tay nhau, đứng bên nhau múa hát quên hết mọi mệt nhọc của cuộc sống thường ngày. Cồng chiêng hòa cùng nhịp trống, tiếng kèn, con người hòa vào nhau, quyện với thiên nhiên cây cỏ tạo nên nét đặc sắc của cồng chiêng người Thổ.
Làng Đong có hơn 95% là người dân tộc Thổ, với hơn 700 nhân khẩu, ai cũng có sẵn trong mình dòng máu cồng chiêng từ khi mới sinh ra. Nhưng thực tế đến nay, số lượng người chơi được cồng chiêng của làng có thể đếm trên đầu ngón tay. Đáng báo động nhất là số người có thể chơi được kèn. Hiện tại, người biết chơi kèn trong làng và cả xã Nghĩa Tiến còn “sót” lại rất ít, vì đây là làng thuần nông, quanh năm lo lao vào ruộng đồng để mưu sinh. Đó cũng là một lí do làm cho tiếng cồng ngày một ít đi. Cụ Tốt xót xa: Không như cha ông ngày xưa, lũ trẻ bây giờ có nhiều thứ để vui lắm, chúng chỉ thích những thứ nhạc xập xình, rồi thì Karaoke, nhạc sống… chứ đâu còn chú tâm vào đến nhạc cụ dân tộc của cha ông!
Cũng theo cụ Vũ Ngọc Tốt, một trong số 4 nghệ nhân biết chơi kèn thì việc truyền lại cho thế hệ trẻ gặp rất nhiều khó khăn bởi lẽ để sử dụng được loại nhạc cụ này một cách thành thạo, ngoài các yếu tố như có năng khiếu, chăm chỉ còn phải có sự say mê bởi tiếng kèn không chỉ mang bản sắc văn hoá mà còn là tiếng lòng của mỗi dân tộc bởi vậy có nhiều trai trẻ trong làng muốn học nhưng chưa ai thành. Đó cũng là băn khoăn của nghệ nhân Vũ Ngọc Tốt và người dân làng Đong, bởi không biết rồi đây ai sẽ thay thế cụ chơi kèn để hòa cùng nhịp trống, nhịp cồng chiêng trong những ngày lễ trọng đại của dân tộc, của làng Đong nữa. Ông Tô Thanh Sơn - Trưởng phòng văn hoá thông tin thị xã Thái Hoà cho biết: Huyện cũng đã có đề án cụ thể cho việc bảo tồn và phát huy văn hoá Cồng Chiêng Làng Đong nói riêng, bản sức văn hoá đồng bào dân tộc Thổ trên địa bàn nói chung, thời gian qua, trong những ngày lễ lớn của thị xã, nhất là trong lễ hội Làng Vạc được tổ chức hàng năm, đội Cồng Chiêng của Làng Đong đã có dịp để biểu diễn phục vụ cho du khách và nâng cao tính giáo dục cho thế hệ trẻ trên địa bàn.
Tuy nhiên, giờ đây không chỉ ông Sơn, cụ Tốt, bà Thanh mà mà tất cả những nghệ nhân biết chơi cồng chiêng ở Làng Đong đang phải đối mặt với một thực tế đó là làng quê ngày càng vắng đi những tiếng cồng chiêng, tiếng kèn, những âm thanh mà gần như đã gắn vào máu thịt của người dân làng Đong nói riêng, đồng bào dân tộc Thổ ở vùng đất Phủ Quỳ nói chung. Các cụ ngày càng già đi, nhưng vẫn mang theo nỗi lo bên mình. Lo cho cả một nền văn hóa của dân tộc sẽ thiếu vắng tiếng cồng, vì lớp trai trẻ chưa ai có thể thay thế được lớp già. Lo bởi trong các dịp lễ hội, lớp trẻ không còn mặn mà với tiếng cồng, tiếng chiêng - một trong những văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Thổ.
(Hữu Đức)