Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Lễ hội đầu năm

15:06, 10/02/2011
Từ nhiều năm nay, lễ hội ở Nghệ An đang dần trở thành nếp sinh hoạt văn hoá cộng đồng mang đậm dấu ấn bản sắc của mỗi vùng miền xứ Nghệ.

 

Nghệ An là địa phương có khá nhiều lễ hội, hàng năm có tới 21 lễ hội cổ truyền được tổ chức. Mỗi lễ hội đều mang dấu ấn riêng và đều hướng tới sự suy tôn những vị anh hùng chống giặc ngoại xâm, những người giàu lòng cứu nhân độ thế, giúp dân lập ấp, lập làng…. Với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", các lễ hội được tổ chức đầu năm luôn thu hút đông đảo du khách thập phương như: lễ hội Đền Cuông; Đền Cờn, Đền Hoàng Mười, đền Vua Mai… Họ đến để hướng về nguồn cội và  để cầu mong nhiều may mắn sẽ đến với mình.

 

Với chị Nguyễn Thị Phương ở TX Cửa Lò, vào dịp đầu xuân, năm nào chị cũng tham dự các lễ hội bởi theo chị, đến với lễ hội là lúc con người tìm về  chốn tâm linh, cội nguồn của dân tộc sau những năm tháng vất vả làm ăn; Đi lễ đầu năm là để  tâm hồn mình được thanh thản, bình an và có thêm niềm tin, nghị lực trong cuộc sống.

 

Lễ hội Đền Cờn là một trong những lễ hội được tổ chức vào đầu năm thu hút nhiều du khách ở Nghệ An

 

Lễ hội là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước. Giờ  đây, lễ hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống  nhằm đáp ứng sinh hoạt tín ngưỡng, cân bằng đời sống tâm linh và hưởng thụ, sáng tạo các giá trị văn hoá.

 

Tuy vậy, thực tế một số lễ hội vẫn còn xảy  ra hoạt động mê tín dị đoan, các hành vi tiêu cực. Việc thực hiện nếp sống văn hóa trong lễ hội còn hạn chế. Văn hóa giao tiếp ứng xử trong lễ hội còn yếu, việc đốt vàng mã không đúng quy định của ban tổ chức lễ hội vẫn xảy ra… Để khắc phục tình trạng này, năm nay, Sở VH, TT&DL đã đưa yêu cầu cụ thể trong tổ chức lễ hội; thành lập các Đoàn kiểm tra, hướng dẫn cho các cơ sở, địa phương trong tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, Sở cũng đã giao cụ thể cho Trung tâm VH  tỉnh, Ban Quản lí di tích danh thắng chủ trì chính trong hướng dẫn, kiểm tra cơ sở. Phối hợp với các ngành chức năng, đặc biệt là công an tỉnh  thống nhất kế hoạch quản lí, đảm bảo an toàn cho lễ hội trong năm -Ông  Phan Hữu Lộc, trưởng phòng xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở văn hóa thể thao và du lịch cho biết.

 

Trong tiếng trống hội xuân rộn rã vang thúc giục. Người người tấp nập đội lễ ra đình, đền, chùa thành tâm cung tiến với niềm tâm linh, hoài vọng tưởng nhớ người xưa, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Đến với lễ hội đầu xuân, đến  với đời sống tâm linh làm cho con người ta hướng thiện, làm tan biến những nỗi ưu tư, phiền muộn, lo lắng, những toan tính trong cuộc sống thường ngày để có được sự thanh thản trong tâm hồn. Đồng thời, thông qua lễ hội cũng nhắc nhở cho bản thân và cũng răn dạy cho con cháu  biết ơn và tôn kính các vị thánh hiền, tiền nhân đã có công với nước, với dân. Đó cũng là nét đẹp truyền thống của dân tộc  ta vào mỗi độ tết đến, xuân về.

 

(Thanh Hà)