Lễ hội ngày Xuân
Nghệ An là địa phương có khá nhiều lễ hội, mỗi lễ hội đều mang dấu ấn riêng và đều hướng tới sự suy tôn những vị anh hùng chống giặc ngoại xâm, những người giàu lòng cứu nhân độ thế, giúp dân lập ấp, lập làng…. Với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", các lễ hội được tổ chức đầu năm luôn thu hút đông đảo du khách thập phương như: lễ hội Đền Cuông, Đền Cờn, Đền Hoàng Mười, đền Vua Mai… Họ đến để hướng về nguồn cội và để cầu mong nhiều may mắn sẽ đến với mình.
Lễ hội cầu ngư ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) |
Từ nhiều năm nay, lễ hội ở Nghệ An đang dần trở thành nếp sinh hoạt văn hoá cộng đồng mang đậm dấu ấn bản sắc của mỗi vùng miền xứ Nghệ. Năm 2011, trên địa bàn tỉnh có 24 lễ hội quy mô từ cấp huyện trở lên sẽ được tổ chức, trong đó có 19 lễ hội tâm linh tại các ngôi đền có bề dày lịch sử kéo dài 2 - 3 ngày.
Lễ hội là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước. Giờ đây, lễ hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống nhằm đáp ứng sinh hoạt tín ngưỡng, cân bằng đời sống tâm linh và hưởng thụ, sáng tạo các giá trị văn hoá.
Lễ hội đền Vạn Lộc (TX Cửa Lò) |
Trong những năm qua, mặc dù công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc tổ chức lễ hội đã và đang xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, phản cảm như: mở rộng quy mô lễ hội một cách tràn lan; trách nhiệm của người quản lý và ý thức của người tham gia lễ hội còn nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến thái độ và hành vi, ứng xử chưa văn hóa đối với một số lễ hội; các hiện tượng tiêu cực như: mê tín dị đoan, xâm phạm cảnh quan môi trường, an ninh trật tự không đảm bảo, thương mại hóa lễ hội có chiều hướng phát triển... Thực trạng này đang làm giảm đi giá trị chân thực vốn có và làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa của nhiều lễ hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đáng nói hơn là tại một số đền, chùa còn có người lợi dụng lễ hội để quyên góp, tổ chức xem bói, rút quẻ biến tướng, người thăm viếng đốt vàng mã "vô tội vạ", cúng tiền thật tràn lan.... Hiện tượng chặt chém khách đi lễ chùa cũng trở nên phổ biến ở các đền chùa hiện nay.
Trước tình trạng "nhũng nhiễu" trong các lễ hội như vậy, ngày 9/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện gửi các Bộ, ngành liên quan yêu cầu chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực tại các lễ hội trên cả nước, nhất là trong dịp đầu năm. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đơn vị tổ chức lễ hội phải chịu trách nhiệm về nội dung chương trình cũng như công tác an ninh trật tự đảm bảo an toàn cho dân tuyệt đối không để xảy ra tai nạn cháy nổ, ùn tắc giao thông... Tuy nhiên dù công văn được gửi đi nhưng theo ghi nhận của phóng viên tại một số lễ hội vừa được tổ chức vẫn tái diễn tình trạng lộn xộn, những hình ảnh người ăn xin nằm la liệt trên các con đường chính vào hội. Thậm chí có nơi còn tổ chức đánh bài, cờ bạc theo kiểu lừa lọc, trá hình gây mất mỹ quan và không ít phiền toái cho người tham gia lễ hội.
Trong tiếng trống hội xuân rộn rã vang thúc giục. Người người tấp nập đội lễ ra đình, đền, chùa thành tâm cung tiến với niềm tâm linh, hoài vọng tưởng nhớ người xưa, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Đến với lễ hội đầu xuân, đến với đời sống tâm linh làm cho con người ta hướng thiện, làm tan biến những nỗi ưu tư, phiền muộn, lo lắng, những toan tính trong cuộc sống thường ngày để có được sự thanh thản trong tâm hồn. Đồng thời, thông qua lễ hội cũng nhắc nhở cho bản thân và cũng răn dạy cho con cháu biết ơn và tôn kính các vị thánh hiền, tiền nhân đã có công với nước, với dân. Đó cũng là nét đẹp truyền thống của dân tộc ta mỗi độ xuân về.
(Đức An)