Thủ tướng chỉ đạo công tác quản lý, tổ chức lễ hội
Công điện có đoạn: Trong những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc tổ chức lễ hội đã và đang xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, phản cảm như mở rộng quy mô lễ hội một cách tràn lan; trách nhiệm của người quản lý và ý thức của người tham gia lễ hội còn nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến thái độ và hành vi, ứng xử chưa văn hóa đối với một số lễ hội; các hiện tượng tiêu cực như mê tín dị đoan, xâm phạm cảnh quan môi trường, an ninh trật tự không đảm bảo, thương mại hóa lễ hội có chiều hướng phát triển...
Thực trạng trên đang làm giảm đi giá trị chân thực vốn có và làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa của nhiều lễ hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo Công điện, để chấn chỉnh tình trạng trên, nâng cao công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt và tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Kết luận số 51-KL/TW ngày 22/7/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt và tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg của Thủ tướng về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 của Chính phủ ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa.
Cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội phải chịu trách nhiệm về nội dung chương trình, công tác tổ chức, quy mô, cấp độ của lễ hội. Việc mời khách Trung ương cần phải có ý kiến thống nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban Nhân dân các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm trong lĩnh vực tổ chức và quản lý lễ hội, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong lễ hội như mê tín dị đoan, đốt đồ mã, đặt hòm công đức, đặt lễ, đặt "tiền giọt dầu" tùy tiện, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, nâng giá, ép giá dịch vụ...
Đối với các lễ hội có quy mô lớn như Chùa Hương, Yên Tử, Phủ Dày, Hội Lim, Đền Hùng, Đền Trần ở tỉnh Nam Định, Bà Chúa Xứ ở tỉnh An Giang, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chỉ đạo xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho nhân dân, tuyệt đối không để xảy ra tai nạn cháy nổ, ùn tắc giao thông.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải, đưa tin có thời lượng hợp lý, chủ yếu phản ảnh những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội, không quảng bá các hoạt động lễ hội có tính thương mại, có hình ảnh phản cảm.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du kịch theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp báo cáo Thủ tướng tình hình thực hiện Công điện.
Công điện cũng được gửi đến Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.
(Theo TTXVN)