Về Kẻ Gám xem tuồng
Đã thành thông lệ cứ vào tháng Chạp âm lịch, mặc dù công việc gia đình còn nhiều bộn bề vất vả nhưng chị Hoàng Thị Nhuận ở xóm 9 cùng với các thành viên trong câu lậc bộ tuồng cổ của xã cũng dành ít nhất mỗi tuần 3 buổi để tập luyện, chuẩn bị cho các đêm biểu diễn phục vụ bà con trong dịp mừng Đảng - mừng Xuân và các ngày lễ hội đầu năm nhằm khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.
Làng Kẻ Gám xưa, nay là xã Xuân Thành vốn là một vùng quê địa linh nhân kiệt. Xưa kia có nhiều người đỗ đạt, thành danh bôn ba khắp chốn được tiếp xúc với nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, vì vậy tuồng cổ đã sớm du nhập và được gìn giữ cho đến hôm nay. Hát tuồng ở Xuân Thành đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi gia đình và nở rộ mỗi khi tết đến xuân về. Song điều đáng nói ở đây là các vở tuồng cổ đều được các nghệ nhân khai thác trong lịch sử dựng nước ,giữ nước của cha ông ta nhằm ca ngợi những tấm gương sáng trung quân ái quốc, khuyến khích cái thiện, bài trừ cái ác và ca ngợi các vị anh hùng dân tộc như Trần Bình Trọng, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Trưng Trắc - Trưng Nhị… để giáo dục tinh thần yêu nước cho nhiều thế hệ. Trong ký ức của người dân làng Kẻ Gám vẫn còn in đậm hình ảnh những nghệ nhân tuồng cổ xưa với những vai đào kép kiệt xuất như ông Hoàng Tao, ông Chánh Thể, cụ Trùm Vân, cố Lạng .v.v. bằng những vai diễn và giọng hát làm say mê lòng người. Ông Lê Văn Song đã đi theo tuồng từ năm 30 tuổi, năm nay đã 74 tuổi, ông vẫn rất mê tuồng, ông luôn cố gắng duy trì các buổi tập cho con cháu để giữ lại truyền thống của quê hương và để phục vụ các ngày lễ hội.
Những nghệ nhân tuồng cổ ở làng Kẻ Gám giờ người còn người mất nhưng họ đã để lại cho con cháu một kho báu đồ sộ với hàng chục tích tuồng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Dẫu cuộc sống vẫn còn bộn bề vất vả, nhiều nghệ nhân hát tuồng ở đây tuy đã tuổi cao sức yếu nhưng họ vẫn luôn trăn trở, day dứt để truyền hết bầu nhiệt huyết cho con,cho cháu. Được sự quan tâm giúp đỡ của ngành văn hóa huyện và nỗ lực của chính quyền địa phương, xã Xuân Thành đã thành lập được Câu lạc bộ tuồng cổ tập hợp được đông đảo thành viên ở nhiều lứa tuổi tham gia sinh hoạt. Ngoài ngân sách xã hỗ trợ hành năm, một số xóm cũng đã vận động bà con đóng góp thêm để mua sắm thêm đạo cụ, giúp CLB có thêm kinh phí hoạt động, chính vì vậy, tuồng cổ ở Xuân Thành vẫn được lưu giữ và ngày càng phát triển. Ông Lê Văn Hải – Chủ tịch xã Xuân Thành cho biết: Đảng ủy, UBND xã cũng đã có chủ trương giữ gìn bản sắc, tuồng cổ. Trong những năm qua xã đã đầu tư một số kinh phí cho câu lạc bộ hoạt động. Hiện nay câu lạc bộ tuồng của Xuân Thành vẫn duy trì và phát triển tốt, trong thời gian tới xã vẫn tiếp tục đầu tư để nhân rộng câu lạc bộ tuồng này cho các thế hệ con cháu sau này.
Một mùa xuân mới lại bắt đầu, âm vang tuồng cổ làng Kẻ Gám như đang thôi thúc mọi người hăng say thi đua lao động sản xuất, và hơn thế, thế hệ trẻ Xuân Thành hôm nay luôn biết kế thừa và phát triển nền văn hóa cổ mà cha ông đã dày công vun đắp, để nghệ thuật hát tuồng trường tồn với thời gian.
(Đài TTTH Yên Thành)