Quế Phong hướng về Lễ hội đền 9 gian
Sau một năm bộn bề lo toan công việc, vào những ngày 14, 15, 16/2 âm lịch, đồng bào các dân tộc người Thái vùng Tây Bắc xứ Nghệ lại cùng nhau hướng về vùng đất tổ Mường Tôn xưa - Châu Kim nay. Mặc dù, những ngày qua, thời tiết không mấy thuận lợi, mưa rét kéo dài nhưng không vì thế mà giảm đi lòng nhiệt huyết của mọi người khi ngày lễ đã cận kề. Ngay từ sáng sớm, các đoàn viên thanh niên của xã Quang Phong, một xã vùng sâu vùng xa của Quế Phong đã có mặt. Người chẻ nứa, kẻ đan cọ, làm cổng chào, ai cũng mải mê, chăm chú với công việc, trang trí khu vực nhà sàn của đơn vị mình sao cho đẹp nhất, trang trọng nhất trong lễ hội.
ĐVTN cố gắng hoàn thiện trại của mình kể cả trong thời tiết mưa rét |
Công tác chuẩn bị cho Lễ hội thời gian qua cũng được xã Cắm Muộn, một xã biên giới của Quế Phong quan tâm đặt lên hàng đầu. Trước đó, địa phương đã lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban tổ chức.
ĐVTN xã Cắm Muộn trang trí trại chuẩn bị đón Lễ hội đền 9 gian |
Đền 9 gian được xây dựng vào đầu thế kỷ 19 tại Pù Chò Nhàng, thuộc bản Khoắng xã Châu Kim gồm có 9 gian, mỗi gian tượng trưng cho một Mường. Đền thờ Thẻn Phà (Vua Trời) và Náng Xỉ Đả (con gái trời) và Tào Ló Ỳ (người có công xây bản lập mường). Đền chín gian gọi theo tiếng địa phương là Tến xứ pú quái (nghĩa là Đền đồi hiến trâu) nhưng vì đền có 9 gian nên nhân dân thường gọi là Tến Cầu Hoàng.
Đền 9 gian |
Đặc sắc nhất là trong lễ đại tế sẽ diễn ra lễ chém trâu (hay còn gọi là lễ Phắn quái) làm lễ vật chính dùng để tế Thẻn Phà (Vua Trời) và Tạo ló Ỳ. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, trong một thời gian dài, Đền chỉ còn là dấu tích, đến năm 2004, đền 9 gian đã được khôi phục và năm 2008, Đền được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Lễ vật của 9 mường |
Lễ hội Đền 9 gian là một sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa cộng đồng, biểu hiện rõ nét sắc thái của địa phương. Nét mới của Lễ hội năm nay, huyện Quế Phong tổ chức thêm nhiều trò chơi dân gian như hát Xuối nhuôn, Tò le, chọi gà, gói bánh chưng… đồng thời đầu tư tôn tạo nâng cấp một số hạng mục. Để lễ hội được diễn ra thành công tốt đẹp, công tác chuẩn bị đã được huyện Quế Phong triển khai từ rất sớm. Bà Trương Thị Tuyết Mai, phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho hay: Huyện đã thành lập BTC Lễ hội với các phần việc chính: thi đua khen thưởng, tuyên truyền, cơ sở vật chất, kêu gọi tài trợ hậu cần, lễ tân, giới thiệu sản phẩm.
Cùng với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, công tác đảm bảo ANTT cho những ngày diễn ra lễ hội cũng được Quế Phong đặc biệt quan tâm. Hiện nay, tiểu ban an ninh trật tự đã huy động lực lượng công an, dân quân tự vệ, quân đội trên địa bàn nhằm đảm bảo Lễ hội diễn ra an toàn, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Trưng bày ảnh lưu động - một trong những hoạt động của Lễ hội |
Đến với Lễ hội Đền 9 gian, du khách được đắm mình trong những trò chơi dân gian như ném cò, kéo co, khắc luống, thi cắm trại… lưu giữ những hoạt động văn hóa truyền thống tốt đẹp về đời sống tâm linh, hướng tới cái chân - thiện - mỹ. Không chỉ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, mà Lễ hội sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá tiềm năng văn hóa du lịch của huyện Quế Phong và thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em trên quê hương xứ Nghệ.
(Bài, ảnh: Hiến Chương)