“Vì tương lai tươi sáng” ủng hộ nạn nhân dioxin Việt
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến tham dự chương trình văn nghệ đặc biệt đầy tính nhân văn và ấm áp tình người, tình nghĩa đồng bào này.
Chương trình với những ca khúc đầy ý nghĩa, các phóng sự xúc động về ý chí, nghị lực sống và vươn lên của các nạn nhân da cam, cùng phần giao lưu với Nhóm Đối thoại và những cá nhân có nhiều đóng góp, ủng hộ và giúp đõ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã đem lại nhiều phút giây lắng đọng để tất cả mọi người cùng ngẫm suy, hướng về những người đồng bào - các nạn nhân của chất độc da cam/dioxin bằng tình cảm sẻ chia với những nỗi đau mà các nạn nhân đã, đang và còn phải gánh chịu lâu dài.
Đặc biệt, trích đoạn bộ phim tài liệu nổi tiếng của Đài CBS (Mỹ) “Vietnam revisited” (Thăm lại Việt Nam) với những hình ảnh nóng hổi phản ánh hậu quả lâu dài của chất độc da cam đã và đang ảnh hưởng từng ngày ở Việt Nam đã làm xúc động hàng nghìn khán giả.
Chiến tranh đã qua hơn 35 năm nhưng những hậu quả của nó vẫn còn đó. Hơn 1/4 lãnh thổ Việt Nam bị rải chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh đã làm gần 5 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm và ảnh hưởng.
Thay mặt ban tổ chức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ngô Quang Xuân, Trưởng nhóm Đối thoại Việt-Mỹ cho biết: “Chính phủ Việt Nam đã và đang cố gắng khắc phục hậu quả do chất độc da cam/dioxin gây ra cho môi trường và con người Việt Nam. Nhiều năm qua, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ nhằm khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin của nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Mỹ. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ tiếp tục đóng góp, chung tay cùng Chính phủ Việt Nam giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.”
Đêm văn nghệ đặc biệt này nằm trong những hoạt động giới thiệu chiến dịch huy động các nguồn lực cho công việc tẩy độc khoảng 28 “điểm nóng” da cam ở Việt Nam được các nhà khoa học xác định.
Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ đã xây dựng chương trình 10 năm (2010-2019) khắc phục hậu quả chất độc da cam gây ra tại các “điểm nóng,” bắt đầu là sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và Phù Cát (Bình Định).
Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ được thành lập từ năm 2007 đã hoạt động tích cực nhằm nâng cao hiểu biết của chính giới và nhân dân Mỹ, vận động phía Mỹ và cộng đồng quốc tế tham gia đóng góp các nguồn lực vào quá trình khắc phục hậu quả do chất độc da cam/dioxin gây ra đối với môi trường và con người Việt Nam.
(Theo TTXVN)