Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Ẩm ê điểm bưu điện văn hóa xã

15:52, 04/05/2011
Mô hình điểm Bưu điện Văn hoá xã là một trong những chủ trương của Nhà nước nhằm nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, các điểm bưu điện này đang hoạt động trong tình trạng hết sức khó khăn. Còn người dân cũng hiếm khi tìm đến các bưu điện văn hóa xã để tìm hiểu thông tin hằng ngày.

 

Được đánh giá là một trong những điểm hoạt động khá đều nhưng từ nhiều năm nay điểm bưu điện văn hóa (BĐVH) xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu vẫn không đạt được chỉ tiêu ngành giao, chỉ với doanh thu chưa đầy 500.000 đồng mỗi tháng. Giao dịch chính hiện nay của người nhân viên tại các điểm bưu điện văn hóa xã đó là tiếp đón khách đọc sách báo, còn việc bán tem thư và dịch vụ điện thoại gần như không có. Vì vậy, nhiều nhân viên đã năng động kinh doanh thêm các dịch vụ khác như bán bảo hiểm, văn phòng phẩm nhưng tình hình cũng không mấy cải thiện. Chị Phạm Thị Dung - Nhân viên ở đây cho biết: Mỗi ngày, có khoảng dăm ông bà đến đây đọc sách, báo, còn giao dịch điện thoạn chỉ 1 đến 2 người.

 

  

Nhiều điểm BĐVH xã ở trong tình trạng như thế này

 

 

Một điều dễ nhận thấy là hầu hết các điểm Bưu điện văn hóa xã đều đặt tại vị trí trung tâm của địa phương, hoạt động theo giờ hành chính nhưng không ít điểm bưu điện văn hóa xã ở Diễn Châu vẫn thường xuyên đóng cửa. Mặt khác, bên cạnh cơ sở vật chất thì trang thiết bị tại các điểm bưu điện văn hóa xã chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Nguồn sách cung cấp tại các điểm bưu điện văn hóa xã chưa được phong phú, nhất là những sách về kỹ thuật nông nghiệp, y tế, pháp luật, sách phục vụ học tập cho học sinh. Sách báo phân về các điểm mang tính bình quân, trong khi nhu cầu đọc sách báo của người dân không đồng đều, có điểm không đủ sách báo cho bạn đọc, nhưng có nơi thì hầu như không có độc giả.

 

Nếu như ở thời điểm năm 2007, toàn huyện mới chỉ có khoảng 50% số bưu điện văn hóa xã phải cấp bù thì đến nay hầu hết số điểm đều không đạt chỉ tiêu, phải nhận cấp bù. Toàn huyện hiện có 34 điểm bưu điện văn hóa xã phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc, đọc sách, báo, tìm hiểu thông tin kinh tế - xã hội; chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện, công văn cho chính quyền và nhân dân tại xã. Nhiệm vụ thì nhiều, song hiện tại hầu hết các điểm bưu điện văn hóa xã lại không phát huy hết hiệu quả. Bà Ngô Thị Thuỷ - Giám đốc Bưu điện huyện Diễn Châu cho biết: Theo mô hình vừa là điểm văn hóa xã và là phát xạ tới đây, một số xã sẽ kết hợp cả hai nhiệm vụ đó để tăng thu nhập. Nguồn kinh phí được chính phủ cấp thì không có nữa, cho nên, ngành  vận động cán bộ công chức đóng góp ít nhất là 20.000 đồng/ tháng để bổ sung mua sách báo cung cấp cho các điểm bưu điện văn hóa xã.

 

Để tháo gỡ khó khăn cho các điểm bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh, cần có những mô hình, biện pháp, cách thức khắc phục để phát huy tính xã hội hóa của các điểm bưu điện văn hóa xã. Theo đó, điểm bưu điện văn hóa xã cần lồng ghép hoạt động giữa điểm bưu điện văn hóa xã với thư viện tại các xã để ngoài việc cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông, điểm bưu điện văn hóa xã còn góp phần thiết thực vào công tác xây dựng văn hóa cơ sở. Đây cũng là kênh tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân nhanh chóng, gần gũi và hiệu quả thông qua sách, báo miễn phí phục vụ nhân dân.

 

(Trọng Tấn)