Nhà văn Việt đầu tiên nhận giải thưởng Nikkei Asia
Lễ trao giải đã diễn ra ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản ngày 25/5, với sự tham dự của Chủ tịch Nikkei, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình và đại diện một số phái đoàn ngoại giao ở Nhật Bản.
Đây là lần thứ 16 nhật báo Nikkei trao giải cho những người châu Á có cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp cải thiện cuộc sống của người dân khu vực này trên ba lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật và văn hóa.
Nhà văn Bảo Ninh đã được trao giải thưởng này nhờ cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh.” Tác phẩm này được viết dựa trên những trải nghiệm của chính nhà văn trong thời gian phục vụ trong quân ngũ và đã được dịch sang tiếng Nhật.
Phát biểu tại lễ trao giải, nhà văn Bảo Ninh xúc động nói: “Việc Giải thưởng Nikkei châu Á lần thứ 16 được trao cho một nhà văn Việt Nam hơn bao giờ hết thể hiện sự trân trọng đặc biệt của dư luận Nhật Bản nói chung đối với các giá trị văn hóa cùng những phẩm chất tinh thần của đất nước và con người Việt Nam. Giải thưởng này cũng là một trong những minh chứng về sự gắn bó đã có từ lâu đời giữa người Việt Nam và người Nhật Bản, cả khi bình yên lẫn trong hoạn nạn.”
Tâm sự về tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh,” nhà văn Bảo Ninh nói: “Trở về từ chiến trường trong hào quang của một người lính chiến thắng, tôi đã trở thành nhà văn của nỗi buồn chiến tranh. Nói cách khác, bởi những đau thương của đất nước và của bản thân mình trong chiến tranh mà tôi đã trở thành nhà văn."
Nhà văn nói thêm: "Từ tác phẩm đầu tay cho tới tận bây giờ, tất cả những dòng tôi đã viết chung quy chỉ nói lên một điều mà loài người từ bao đời nay đã không ngừng nói đến và tôi chỉ nhắc lại rằng trên thế gian này không có gì tốt đẹp hơn hòa bình và không có gì đáng ghê sợ hơn chiến tranh."
Nhà văn nhấn mạnh: “Mong ước lớn nhất của tôi đó là người Việt Nam ở tuổi ở con tôi sẽ không bao giờ phải chịu cảnh chiến tranh và đến đời của cháu tôi, chiến tranh sẽ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi xã hội loài người.”
Nhân dịp này, nhà văn Bảo Ninh cũng bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ với những mất mát của người dân Nhật Bản trong thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3 vừa qua.
Cùng với nhà văn Bảo Ninh còn có một người khác đạt giải thưởng đến từ khu vực Đông Nam Á là ông Antonio Meloto, 61 tuổi, Chủ tịch tổ chức phi chính phủ Gawad Kalinga của Philippines.
Ông Melotto được trao Giải thưởng châu Á trong lĩnh vực tăng trưởng khu vực do các đóng góp tích cực cho việc xây dựng hơn 200.000 ngôi nhà cho những người thu nhập thấp ở khoảng 2.000 xã ở Philippines và một số nước khác. Điều này cũng giúp cải thiện điều kiện vệ sinh và nâng cao trình độ dân trí cho những đối tượng này.
Ủy ban Bình chọn Giải thưởng châu Á Nikkei lần thứ 16 do Chủ tịch Danh dự Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Nippon Keidanren) Shoichiro Toyoda làm Chủ tịch cũng chọn ông Wu Maw-Kuen, 61 tuổi, Giám đốc Học viện Vật lý thuộc Viện Sinica của Đài Loan (Trung Quốc), để trao Giải thưởng châu Á trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và phát minh.
Nhà vật lý này chính là người đã phát hiện ra chất siêu dẫn ở nhiệt độ cao dựa trên chất hóa học yttrium và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ ở vùng lãnh thổ này.
(Theo TTXVN)