Nghi Lộc: XHH công tác bảo tồn và phát huy giá trị các DTLSVH
Đền Thượng Diên ở xã Nghi Diên được xây dựng cách đây 700 năm, là ngôi đền thờ thành hoàng làng Nguyễn Cự Tộ - người đã có công lập xã. Hiện công trình đang được trùng tu, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Công trình gồm 3 hạng mục là Thượng điện, trung điện và hạ điện với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng. Nguồn vốn do nhân dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng góp. Ông Phan Công Hưởng – Phó chủ tịch UBND xã Nghi Diên cho biết: Để đáp ứng nhu cầu tâm linh cũng như giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thì cấp uỷ, chính quyền xã đã vận động nhân dân ủng hộ, quyên góp kinh phí để tôn tạo lại đền Thượng Diên, xã đang quyết tâm hoàn thành các hạng mục để đua đền bào sử dụng trong tháng 7 này.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Nghi Lộc có 87 di tích được đưa vào danh mục phân cấp quản lý. Mặc dù cấp uỷ, chính quyền các địa phương đã nỗ lực để bảo vệ, gìn giữ nhưng trải qua biến thiên của lịch sử, do tác động của thiên nhiên, nhiều di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện đã bị xuống cấp, hư hỏng ở các mức độ khác nhau. Nhiều hạng mục của các di tích bị hủy hoại, biến dạng, một số di tích đã xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng. Việc phát huy giá trị của di tích còn nhiều hạn chế. Vì vậy, cùng với các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, các địa phương trên địa bàn huyện Nghi Lộc còn phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa thông qua việc tổ chức lễ hội nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh cũng như chiêm ngưỡng những nét đẹp độc đáo của các di tích của nhân dân. Ông Nguyễn Đình Hảo - Tộc trưởng dòng họ Nguyễn Đình cho biết: Trong điều kiện kinh phí còn hạn chế thì chúng tôi đã kêu gọi con cháu trong dòng họ Nguyễn Đình trong cả nước quyên góp về kinh phí, hiện vật và công sức để xây dựng lăng mộ cho Nguyễn Xí và thân phụ của ngài. Đến nay, chúng tôi đã kêu gọi được gần 2 tỷ tiền mặt và trên 500 triệu hiện vật. Đến thời điểm này công trình đã cơ bản hoàn thành.
Đền Tam Tòa ở xã Nghi Công Bắc, huyện Nghi Lộc vừa được UBND tỉnh Nghệ An công nhận di tích LSVH |
Để có được sự đồng thuận của nhân dân, Nghi Lộc đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn để nâng cao ý thức của toàn dân, của các cấp, ngành đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị của di tích; Xử lý kiên quyết các vi phạm làm tổn hại đến di tích lịch sử - văn hoá. Xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khảo sát, nhằm đánh giá đúng thực trạng các di tích lịch sử - văn hoá, trên cơ sở đó lập đề án tổng thể bảo tồn, tôn tạo đối với từng di tích. Bên cạnh đó, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của các tầng lớp nhân dân để từng bước tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá. Ông Nguyễn Minh Sâm – Trưởng phòng VH&VHTT Nghi Lộc cho biết thêm: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tôn tạo, phát huy các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn. Đặc biệt sẽ làm tốt xã hội hoá công tác tôn tạo và phát huy các giá trị di tích văn hoá lịch sử. Phần đấu đến năm 2015 sẽ cơ bản các công trình năm trong kế hoạch sẽ được công nhận di tích lịch sử.
Kinh nghiệm ở Nghi Lộc cho thấy, để thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa cần phải thực hiện tốt công tác xã hội hóa. Khi người dân nắm vững quy luật, tìm ra phương thức, hoạch định chiến lược, giải quyết những vấn đề khó khăn, có hệ thống giải pháp, biện pháp cụ thể, hiệu quả... thì công tác, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc có được bước phát triển mới thực sự trở thành động lực cho sự phát triển bền vững kinh tế xã hội.
(Hồng Vinh)