Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Bảo hộ quyền tác giả văn học: Chặng đường còn dài

18:02, 26/12/2013
Hiện nay, Việt Nam có 4 tổ chức đại diện bảo hộ quyền tác giả, trong đó có trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) được thành lập năm 2004. Kể từ ngày được thành lập đến nay VLCC đã chuẩn bị kỷ niệm 10 năm, vậy nhưng công tác bảo hộ quyền tác giả văn học tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

 

Thực trạng công tác bảo hộ quyền tác giả văn học hiện nay

 

Bảo hộ quyền tác giả là một vấn để được quan tâm, chú ý từ lâu trên thế giới nhưng ở Việt Nam phải đến năm 2002 tổ chức đại diện quản lý về quyền tác giả đầu tiên mới được thành lập đó là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Kể từ đó đến nay đã có 4 tổ chức đại diện tác quyền được thành lập trong đó có VLCC – Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam. Tổng kết đến tháng 11 vừa qua, VLCC đã có trên 930 hội viên ký ủy thác, đăng ký bản quyền cho hàng trăm cuốn sách, bản thảo phim đã hoặc sắp xuất bản của các nhà văn. Tuy nhiên, con số đó vẫn còn quá khiêm tốn so với số lượng sách tiêu thụ hàng năm tại Việt Nam. Thực tế, nạn xuất bản lậu và vi phạm bản quyền đã vá đang là vấn đề nóng được dư luận cũng như các nhà quản lý đặc biệt quan tâm. Đã có không ít các cuộc Hội thảo, Hội nghị về chủ đề này được Bộ VHTTDL, Cục Bản quyền cũng như nhiều đơn vị, cá nhân tổ chức nhằm tìm giải pháp, đồng thời trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo hộ quyền tác giả tuy nhiên vấn đề này vẫn còn cả một chẳng đường dài.

 

Hội thảo “Bảo hộ quyền tác giả văn học” do Cục Bản quyền, Bộ VHTTDL và Trung tâm quyền tác giả Văn học Việt Nam VLCC tổ chức ngày 18 tháng 12 vừa qua cũng được tổ chức với mục đích trao đổi kinh nghiệm và tìm giải pháp tăng cường công tác bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam. Tham dự hội thảo các đại biểu cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong việc thực thi quyền tác giả, bàn cách giúp việc bảo hộ quyền tác giả văn học hiệu quả, làm cách nào để thực thi quyển tác giả và quyền liên quan trong thời đại số hóa toàn cầu hiện nay…Bên cạnh đó, đến dự hội thảo các đại biểu được phổ biến các điều ước quốc tế về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan…

 

Để có thể thực sự chấm dứt được tình trạng vi phạm bản quyền hiện nay tại nước ta. Bên cạnh việc xây dựng và vân hành một hành lang pháp lý chặt chẽ thì mỗi đơn vị, tập thể sản xuất cần có ý thức về bản quyền, mỗi cá nhân - người đọc sách cần ý thực tôn trọng giá trị sản phẩm có được từ trí tuệ của tác giả.

 

Tại Hội thảo ông Bùi Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết: Việt Nam đã tham gia nhiều chính sách thực hiện bảo hộ quyền tác giả như ký kết các điều ước với các nước Hoa Kỳ, Thụy Sĩ; tham gia công ước Berne, Rome, Geneva… và nhiều hiệp định song phương, đa phương có nội dung cam kết về bản quyền tác giả. Tuy nhiên, để công tác bảo hộ quyền tác giả trong mọi lĩnh vực văn hóa nói chung và quyền tác giả văn học nói riêng được thực thi một cách tốt nhất thì các cơ quan quản lý, các tổ chức liên quan còn rất nhiều việc cần phải thực hiện.

 

Có thể thấy trong thời đại mà internet phát triển như vũ bão, công nghệ đổi mới không ngừng như hiện nay, làm sao để làm tốt  công tác bảo hộ quyền tác giả thực sự là vấn đề không đơn giản. Những năm gần đây mặc dù các cơ quản quản lý văn hóa của Việt Nam đã có nhiều biện pháp ngăn chặn song nạn vi phạm bản quyền vẫn diễn ra và ngày càng phức tạp hơn. Với sự giúp sức của công nghệ, việc vi phạm bản quyền càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tất cả các lĩnh vực từ điện ảnh, âm nhạc, trò chơi cho đến văn học đều bị xâm phạm bản quyền. Sách in lậu, sách điện tử không mua bản quyền tràn lan trên mạng và có thể mua dễ dàng ở các nhà sách. Cho đến nay tuy chưa có số liệu thống kê toàn diện để đánh giá mức độ vi phạm bản quyền gây ảnh hưởng như thế nào với ngành kinh tế cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo của Việt Nam nhưng chỉ cần nhìn vào thực trạng chậm phát triển của ngành sáng tạo, lĩnh vực giải trí hiện nay  đang diễn ra  cũng đủ phần nào thấy được tác hại mà việc vi phạm bản quyền gây ra.

 

Nguyên nhân và những giải pháp

 

Nguyên nhân của việc vi phạm bản quyền đã được nói đến nhiều song có thể tóm lại một số ý chính đó là việc thiếu luật về quyền tác giả; hành lang pháp lý để xử phạt người vi phạm quyền tác giả còn hạn chế; các tác giả, các tổ chức sản xuất phần đông chưa có hiểu biết về tác quyền; ý thức của công chúng còn kém do đó dễ dãi trong việc sử dụng những sản phẩm vi phạm bản quyền…

 

Để có thể giải quyết một cách triệt để nạn vi phạm bản quyền cần có một hành lang pháp lý chặt chẽ, rõ ràng. Luật Sở hữu trí tuệ của nước ta ra đời năm 2006 với mục đích giải quyết vấn đề quyền tác giả và các quyền liên quan. Trong năm 2009, một số văn bản pháp luật về xử phạt hành chính và hình sự các vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan cũng được ban hành. Nghị định 47/2009/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan, quy định phạt tiền tới 500 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Điều 11, Luật Xuất bản 2012 cũng nêu rõ việc xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản, theo đó xuất bản phẩm có vi phạm thì đình chỉ phát hành có thời hạn và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để sửa chữa mới được phát hành hoặc thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, bị tiêu hủy. Những điều luật, quy định về vi phạm bản quyền, bảo hộ quyền tác giả, quyền liện quan của Việt Nam hiện nay tuy có  nhưng chưa thực sự đầy đủ. Đáng nói nhất là tuy có Luật nhưng vấn đề thực thi Luật thì còn quá nhiều bất cập. Lý do đầu tiên là bởi thiếu cán bộ chuyên trách quản lý, những cán bộ sự hiểu biết, được đào tạo về vấn đề bản quyền còn hạn chế, việc phối hợp xử phạt những cá nhân, tổ chức vi phạm giữa các cơ quan quản lý còn chồng chéo và phụ thuộc  vào nhau…

 

Để có một hành lang pháp lý hoàn thiện hơn, một đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên trách theo dõi việc bảo hộ quyền tác giả được đào tạo bài bản hơn thì các cơ quan quản lý ngành văn hóa cần triển khai nhanh chóng việc đào tạo cán bộ và xây dựng văn bản, quy định về vấn đề này. Cùng với việc tạo ra sự thống nhất về hành lang pháp lý, cũng như cách thức kiểm soát về công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan thì việc cần làm và có thể làm ngay đó là  xây dựng ý thức từ mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi người tiêu dùng..Nếu các nhà xuất bản, nhà sách không vì lợi nhuận trước mắt mà trốn thuế, in lậu, xuất bản lậu, khai gian số lượng ấn phẩm văn học xuất bản..; nếu mỗi người tiêu dùng ý thức việc không dùng hàng giả, tôn trọng công sức mà tác giả đã bỏ ra để hoàn thành tác phẩm thì có lẽ nạn xâm phạm bản quyền sẽ không có đất để diễn ra mạnh mẽ như lâu nay nó vẫn đang diễn ra. Bảo hộ quyền tác giả văn học còn một chặng đường dài trước mắt, song ý thức của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức thì có thể thay đổi ngay từ bây giờ nếu chúng ta biết trân trọng và ý thức về sản phẩm sở hữu trí tuệ.

 

(The cinet.vn)