Lễ hội vẫn loay hoay chuyện quản lý
Từ giữa năm 2012, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 2245, yêu cầu mỗi di tích không đặt quá 3 hòm công đức. Đĩa đặt tiền giọt dầu chỉ đặt trên những ban thờ chính. Thế nhưng, qua công tác kiểm tra mùa lễ hội năm 2013, vẫn có di tích đặt tới hơn 30 hòm công đức, khay giọt dầu.
Vấn đề quản lý tiền công đức vẫn là câu chuyện nhạy cảm |
Nguyên nhân của tình trạng lộn xộn này là do tâm lý phân biệt tiền công đức và tiền giọt dầu. Nhiều khách hành hương nghĩ rằng tiền công đức sẽ thuộc về chính quyền địa phuơng, còn tiền giọt dầu để cúng cho nhà chùa, lấy phúc.
Ông Phạm Xuân Phúc- phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL lý giải: “Chúng tôi không khuyến khích để nhiều loại hòm ở di tích. Nhưng một thực tế là trong những ngày khai hội, nhân dân về rất đông. Nếu không có hòm để nguời ta thả tiền lễ vào hoặc không có hòm để ban quản lý di tích thu gom tiền lễ mà nhân dân đặt ở các nơi thì không biết tiền ấy để vào đâu”.
Chưa dừng lại ở việc di tích đặt quá nhiều hòm công đức, công tác quản lý nguồn thu tiền công đức và tiền giọt dầu cũng gây nhiều tranh cãi giữa chính quyền và ban quản lý di tích. Trên thực tế, hòm công đức, giọt dầu có thể coi là một phần - thậm chí chỉ là phần nổi đóng góp của cộng đồng. Như tại di tích Miếu Bà Chúa Xứ -Núi Sam, An Giang hàng năm thu về từ 70 đến 80 tỷ đồng tiền đóng góp từ những người đi lễ.
Thế nhưng, con số này còn đội lên nhiều nếu tính cả hiện vật người dân cung tiến. Tổng kết, tiền công đức mùa lễ hội năm 2013 trên cả nước thu về hơn 200 nghìn tỷ đồng. Đây là một con số rất lớn nhưng không phải là tất cả bởi hầu hết các điểm di tích chưa kiểm soát được tiền giọt dầu. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chỉ báo cáo lượng tiền thu được còn chi tiêu như thế nào thì vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo ông Mai Tư, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hoá, những nguồn thu khác của di tích dường như chưa kiểm soát được và cũng chưa được đề cập đến. Nhiều khi tiền công đức, giọt dầu từ mạnh thường quân, các nhà hảo tâm không qua hòm công đức, khay giọt dầu lại lớn hơn rất nhiều.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa-Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thì việc cần thiết nhất hiện nay là áp dụng hình thức quản lý công khai, minh bạch về số tiền cung tiến cũng như cách sử dụng: “Theo tôi, tiền công đức cần phải minh bạch. Thứ 2, BTC cần nhắc nhở người dân không nên để tiền giọt dầu mà nên để trong hòm công đức như ở đền Bà chúa kho. Tôi thấy như vậy rất phù hợp và không thiếu người làm công việc đó tại địa phương”.
Các nhà tổ chức vẫn loay hoay việc quản lý lễ hội |
Lý giải nguyên nhân sâu xa trong việc quản lý tiền công đức nói riêng và quản lý lễ hội nói chung, các nhà nghiên cứu văn hoá khẳng định là do chưa định rõ mô hình ban quản lý. Mô hình quản lý di tích hiện nay rất đa dạng: có nơi thuộc quản lý của Sở VH-TT&DL, có nơi thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, lại có nhiều di tích thuộc quản lý của Văn phòng Chính phủ hoặc Bộ Văn hoá. Thậm chí, rất nhiều di tích đang chịu sự quản lý trực tiếp của xã, phuờng. Trong khi đó, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lại thuộc về Cục Di sản. Sự chồng chéo về đơn vị quản lý sẽ dẫn đến sự lộn xộn trong việc tổ chức lễ hội.
Theo nhà nghiên cứu văn hoá Lý Quốc Hùng, việc cụ thể hoá mô hình ban quản lý lễ hội là cần thiết. Điều đó được đưa ra trong rất nhiều cuộc họp nhưng vẫn chưa định hình cụ thể: “Lãnh đạo Bộ năm nào cũng giao nhưng chúng tôi vẫn loay hoay. Chúng tôi tìm hình thức là làm hướng dẫn. Năm vừa qua chúng tôi đã đưa ra hướng dẫn, trong đó đánh giá thực trạng mô hình và thấy rằng: hiện nay mô hình tổ chức bộ máy quản lý lễ hội có rất nhiều”.
Trong những bất cập về quản lý lễ hội thì vấn đề quản lý tiền công đức vẫn là câu chuyện nhạy cảm và vẫn chưa có hồi kết. Chừng nào mô hình quản lễ hội, quản lý di tích còn chồng chéo, không phân định trách nhiệm cụ thể thì chừng đó sẽ còn nhiều mâu thuẫn nảy sinh. Tất nhiên, một điều đáng lưu ý là phải nghiên cứu quy mô và hiện trạng từng lễ hội chứ không thể đưa ra một mô hình cứng nhắc, quy chụp.
(Theo VOVnews)