Chung tay để giữ lại một di tích
Di tích nhà Văn Thánh thuộc làng Đại Định, tổng Đại Đồng, nay là xóm 9 xã Thanh Văn huyện Thanh Chương. Một công trình kiến trúc có từ thế kỷ 18.
Theo các bậc cao niên trong làng, nhà Văn Thánh do cử nhân Nguyễn Viết Chẩm và Hàn lâm điển tịch Nguyễn Như Cơ vận động xây dựng từ năm 1772 dưới thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng. Đây là nơi thờ Khổng Tử, nơi dạy học chữ Nho và tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh của vùng. Mỗi năm 2 lần, vào Rằm tháng Giêng tổ chức Hội Văn và Rằm tháng 10, làng mở Hội Tiên linh. Hội Văn là dịp để các chức sắc, các đồng môn sĩ tử trong vùng gặp gỡ báo công, giao lưu thơ, phú. Còn Hội Tiên linh là để tế lễ đức thánh Khổng Tử và thành hoàng làng. Hội tiên linh có quy mô lớn, nhân dân khắp Tổng Đại Đồng đều tham gia.
Cụ Nguyễn Viết Lộc (90 tuổi) và cụ Lê Đình Bản (85 tuổi) ở làng Đại Đình, xã Thanh Văn nói: Di tích này được các tiền nhân lập từ thời xa xưa, là niềm tự hào của làng chúng tôi. Trước đây, và hai kỳ lễ tế ở đây thu hút rất đông người dân tham gia.
Nhà văn Thánh ở làng Đại Định, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương bị xuống cấp nghiêm trọng |
Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương, khoảng cuối năm 1929, đầu năm 1930, Ông Nguyễn Như Kỷ - Ủy viên BCH lâm thời Đảng bộ huyện Thanh Chương được giao nhiệm vụ về tổng Đại Đồng xây dựng và phát triển tổ chức Đảng. Tại nhà Văn Thánh này, chi bộ Đảng liên thôn của Tổng Đại đồng đã được thành lập với 16 đảng viên. Đây là một trong những hạt nhân lãnh đạo đầu tiên của Đảng trong cao trào cách mạng 1930-1931 tại Thanh Chương.
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, nhà Văn Thánh được sử dụng làm kho cất dấu vũ khí và là nơi chứng kiến nhiều cuộc tiễn đưa các thế hệ thanh niên trong vùng lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Nhà Văn Thánh đã trở thành một phần ký ức khó phai mờ của nhiều thế hệ người dân nơi đây. Thời gian qua đi, do thiên tai, lũ lụt đã làm cho công trình có bề dày văn hóa - lịch sử này ngày một xuống cấp nghiêm trọng.
Lãnh đạo huyện kiểm tra tình trạng di tích nhà Văn Thánh |
Những năm gần đây, gắn với chủ trương xây dựng nông thôn mới, cấp ủy chính quyền xã Thanh Văn và nhân dân làng Đại Định đã góp công sức để tu bổ, gìn giữ di tích này nhưng do điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn, việc tu bổ còn chưa được bao nhiêu so với sự xuống cấp vì mưa nắng. Ông Trình Văn Nhã - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương mong muốn: Thanh Chương là huyện có nhiều di tích đang bị xuống cấp, trong đó có nhà Văn Thánh ở xã Thanh Văn. Cùng với những cố gắng của huyện và xã, huyện mong được sự quan tâm kịp thời của cấp trên trước nguy cơ di tích thành phế tích.
Bên cạnh hơn 40 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, hiện trên địa bàn Thanh Chương còn khá nhiều di tích chưa được lập hồ sơ để quản lý, tôn tạo và phát huy hiệu quả trong xây dựng đời sống văn hóa. Nguy cơ những công trình có giá trị lịch sử văn hóa như nhà Văn Thánh tại làng Đại Định, xã Thanh Văn sẽ trở thành phế tích chỉ còn là vấn đề thời gian, nếu không được quan tâm kịp thời và đúng mức.
Cùng với sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, nhân dân địa phương xã Thanh Văn và huyện Thanh Chương hi vọng rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay góp sức để trùng tu tôn tạo lại Nhà Văn Thánh làng Đại Định và các di tích trên địa bàn.
(Hữu Thịnh - Lan Anh)