Đền Bạch Mã – ngôi đền gắn với những truyền thuyết
Đền thờ Bạch Mã thuộc thôn Tân Hà, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, là một trong những ngôi đền thiêng nhất của tỉnh Nghệ An. Cách thành phố Vinh khoảng 45 km, trước mặt đền là con sông Rộ uốn quanh. Đền tọa lạc trong khuôn viên rộng 4.894m2, là một công trình kiến trúc độc đáo.
Đền Bạch Mã và câu chuyện lịch sử
Đền Bạch Mã thờ vị nhân thần tức vị thần có thực tên là Phan Đà. Ông là một vị tướng, sinh vào đầu thế kỷ 15, hiện nay vẫn còn mộ ở xã Thanh Long, huyện Thanh Chương. Theo sử cũ ghi lại, gia đình ông sống bằng nghề chài lưới ven sông Lam. Song ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được ông già tên Bảy làm nghề rèn cưu mang. Ông nổi tiếng tuấn tú, giỏi võ nghệ, được nhân dân gọi là “trẻ kỳ đồng”.
Mộ của tướng Phan Đà tại xã Thanh Long, huyện Thanh Chương |
Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa sau vào Nghệ An để xây dựng căn cứ chống quân Minh. Phan Đà đã đưa lực lượng của mình gia nhập với nghĩa quânvà nhiều lần lập công lớn. Trong một lần bị phục kích bất ngờ, một mình ông tả xung hữu đột vàbị trọng thương. Con ngựa “thiên lý mã” mở vòng vây đưa ông về, gần đến Võ Liệt thì ông mất. Tương truyền giọt máu ông nhỏ tới đâu mối lấp đến đó. Và thi thể của ông được mối vùi lấp, rất linh ứng. Năm đó Phan Đà 24 tuổi.
Năm 1428, sau khi lên ngôi, Lê Lợi đã cho lập đền thờ ông và tổ chức các nghi lễ do quan lại triều đình đảm nhiệm, tức đạt đến quốc tế và phong sắc “Đô thiên đại đế Bạch mã thượng đẳng phúc thần”. Như vậy để thấy được sự ghi nhận của vua Lê Thái Tổ đối với công lao của ông.
Đoàn rước thần tại Lễ hội Đền Bạch Mã năm 2015 |
Sở dĩ nhân dân gọi ông là thần Bạch Mã bởi, sinh thời khi ra trận Phan Đà thường mặc áp giáp trắng, cưỡi ngựa trắng.
Đền Bạch Mã và sự linh ứng
Đền Bạch Mã nổi tiếng là ngôi đền thiêng. Năm 1465, đích thân vua Lê Thánh Tông trên đường đi chinh phục phương nam cũng đã làm tế lễ tại đây. Các triều đại sau này từ đời Lê cho đến đời Nguyễn đều coi trọng ngôi đền và nhiều lần cho tu sửa, xây dựng.
Lễ hội Đền Bạch Mã được tổ chức vào ngày 9 và 10 tháng Hai (AL) hàng năm |
Tương truyền, thần Bạch Mã nhiều lần linh ứng cứu giúp nhân dân khỏi thiên tai, dịch bệnh và phù trợ các triều vua, tướng lính đánh thắng kẻ thù. Người xe qua đây, kể cả quan lại cũng phải dừng lại cất mũ nón vái lạy. Vì thế còn có truyền thuyết về việc quay hướng ngôi đền.
Người dân còn kể lại, đền Bạch Mã là ngôi đền vô cùng linh thiêng, với những ai bất kính hay với những người mặc trang phục trắng, đội nón trắng đi qua không hành lễ, bất cẩn thì đều sinh bệnh mà chết. Vì thế, để giảm tránh linh khí của ngôi đền, quan phủ lúc đó đã mời thầy địa lý giỏi tìm cách hóa giải mặc dù biết được sẽ không tránh được tai họa.
Phần hội với nhiều hoạt văn hóa - thể thao phong phú, thu hút đông đảo người dân tham gia |
Thời nay, người dân khắp nơi, đặc biệt những người dân quanh vùng vẫn hàng ngày đến với đền Bạch Mã để cầu xin phúc lộc của thần Bạch Mã. Theo ông Trần Văn Hữu, người trông coi đền, thì ai đến đây đều có sự linh ứng: người xin mẹ tròn con vuông dù bệnh viện đã chỉ chọn một, người xin sức khỏe, người xin làm ăn, con cái… Thậm chí còn có những câu chuyện gắn với cuộc sống đời thường của người nông dân được thần giúp đỡ như vật nuôi trong nhà.
Đoàn làm phim của Đài PTTH Nghệ An về Lễ hội Đền Bạch Mã năm 2015 |
Quả thực, khi một nhân vật lịch sử đã hóa thành huyền thoại và trở thành tín ngưỡng thì đó sẽ là sức mạnh tinh thần, là niềm tin cho người dân. Và khi có niềm tin, có sự hướng vọng đến cội nguồn và những giá trị tinh thần, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.
(Phương Thúy)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin