Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Đền Bạch Mã – “Tứ linh" đất Nghệ

08:21, 08/03/2015
(truyenhinhnghean.vn) Đây là một trong bốn ngôi đền lớn và linh thiêng của Nghệ Tĩnh “nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Đền Bạch Mã ở thôn Tân Hà, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1993.

 

Đền Bạch Mã thờ tướng Phan Đà (thần Bạch Mã) – là vị tướng tài đã có công lớn trong cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Minh thế kỷ thứ XV. Những lúc xung trận, Phan Đà thường mặc áo giáp trắng, cưỡi ngựa trắng, nên khi ông mất, Lê Lợi đã phong cho ông là “Đô Thiên Đại Đế Bạch Mã Thượng Đẳng Thần” và sức cho nhân dân trong xã lập đền thờ nơi Phan Đà đã trút hơi thở cuối cùng để đời đời cúng tế. Vì vậy, nhân dân thường gọi là Đền Bạch Mã.

 

 
 
“Tứ linh đất Nghệ” qua các góc nhìn từ bên ngoài

 

Theo truyền thuyết dân gian và thần phả còn lưu lại ở Đền thì Phan Đà sinh vào những năm đầu thế kỷ XV ở thôn Chí Linh, xã Võ Liệt, huyện Thổ Du (nay là thôn Khai Tiến, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Ông sớm mồ côi cha mẹ và được một người làm nghề rèn ở Võ Liệt đùm bọc, cưu mang. Từ nhỏ ông đã nổi tiếng với bản tính cương trực, chịu khó, thông minh. Ông được các trai làng Võ Liệt nể phục về tài cưỡi ngựa, múa gươm, phóng lao, bắn cung.

 

 
Hiện nay ở cửa đền đang còn lưu giữ hai con voi phục

 

Năm 1481, Lê Lợi đứng lên dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn – Thanh Hóa. Sau nhiều lần quyết chiến với giặc, nghĩa quân Lam Sơn tạm thời lui về chọn Nghệ An làm căn cứ để tập hợp lực lượng, chờ thời cơ giải phóng đất nước. Làng quê Võ Liệt vốn êm ả thanh bình, nay nằm gần Trà Long, Lam Thành nên thường xuyên bị giặc quấy phá.

 

Trước cảnh nước mất nhà tan, Phan Đà đã cùng các trai làng trốn lên núi rèn đúc vũ khí, bí mật cất giấu lương thực, ngày đêm ôn luyện võ nghệ chờ ngày nổi dậy. Với sự mưu trí, lòng dũng cảm, Phan Đà cùng nghĩa quân làm cho giặc nhiều phen hoang mang, khiếp sợ.

 

Nghĩa quân Lam Sơn ngày càng lớn mạnh, mở rộng địa bàn hoạt động khắp các vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh, Phan Đà đã mang toàn bộ đội nghĩa binh gia nhập vào nghĩa quân Lam Sơn. Thấy được trí thông minh, nhanh nhẹn của ông, Lê Lợi thường giao cho ông nhiệm vụ đi đầu trong việc móc nối liên lạc, dò la tin tức của kẻ địch hoặc cản phá quân giặc khi bị tiến công. Phan Đà đã lập được nhiều chiến công vang dội.

 

 
Người dân đến hành lễ cầu an tại Đền Bạch Mã
 

Trong một lần cải trang sang sông nắm tình hình của giặc, Phan Đà ghé vào buổi hát hội do dân làng tổ chức thì bị lộ. Một mình ông tả xung hữu đột với quân thù và bị chém trọng thương. Biết chủ mình lâm nạn, con ngựa chiến trung thành lồng lộn, hý vang trời phá vòng vây bơi qua sông trở về căn cứ. Về đến căn cứ thì Phan Đà tắt thở. Nghĩa quân và nhân dân đã mang di hài ông về quê an táng với lòng tiếc thương vô hạn.

 

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, xét công lao to lớn của Phan Đà đã sắc phong cho ông làm “Đô thiên đại đế Bạch Mã Thưởng đẳng phúc thần”, đồng thời cấp tiền, giao cho quan sở tại xây dựng ngôi đền bề thế, tổ chức cúng tế hàng năm để tưởng nhớ ông. Theo sử cũ và truyền thuyết kể rằng từ khi hy sinh linh hồn của dũng tướng Phan Đà đã nhiều lần linh ứng cứu giúp nhân dân qua khỏi thiên tai, dịch bệnh và còn phù hộ các triều vua, tướng lĩnh đánh thắng kẻ thù.

 

Lễ hội đền Bạch Mã được tổ chức hàng năm vào ngày 9-10 tháng 2 Âm lịch
 

Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày mất của Phan Đà (13/6 âm lịch), triều đình phong kiến lại đứng ra tổ chức và giao cho quan sở tại chuẩn bị các lễ vật để làm lễ tế thần. Nhân dân tổng Võ Liệt còn mở hội rước sắc và tổ chức các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian đa dạng, phong phú như: vật cù, kéo co, chọi gà, đánh đu, cờ người, cờ thẻ, đấu võ, đánh trận giả, thi hát ca trù, hát bội…

 

Từ năm 2001 đến nay, Lễ hội đền Bạch Mã được khôi phục lại, hàng năm cứ vào dịp 9-10 tháng 2 Âm lịch, trong tiết Thanh Minh, hòa khí đất trời, hàng vạn du khách thập phương về dự lễ phúng viếng, tưởng nhớ công đức “Thần Bạch Mã” và tham gia các nhiều hoạt động lễ hội với đa dạng các trò chơi dân gian, nét văn hóa đặc sắc trên vùng quê Võ Liệt - Thanh Chương. 

 

(Trần Lan Anh)