Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

"Hoài bão Hồ Chí Minh": Từ tiếng ru nôi đến lý tưởng thời đại

20:01, 18/05/2015
(truyenhinhnghean.vn) Vào lúc 20h00 hôm nay (18/5), chương trình cầu truyền hình đặc biệt với tên gọi “Hoài bão Hồ Chí Minh” do Ban Thanh thiếu niên VTV6 thực hiện hướng tới kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2015) đã diễn ra. Chương trình được THTT trên sóng VTV1 và NTV.


Tại điểm cầu Hà Nội, có các đ/c Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam; Ngô Văn Dụ - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đinh Thế Huynh - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Phúc - Phó TTCP; Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Quốc hội' Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội; Hà Thị Khiết -  Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Dân vận TƯ.

 

Tại điểm cầu Nghệ An, có các đ/c: Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Quang Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Đinh Thị Lệ Thanh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đ/c trong BTV Tỉnh ủy; cán bộ lão thành cách mạng, các bà mẹ Việt Nam Anh hùng và những người thân trong dòng họ Nguyễn Sinh và họ Hoàng (Nam Đàn).

 

Đại biểu dự điểm cầu tại quê ngoại: Làng Hoàng Trù - xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An

 

Chương trình lớn nhất mừng 125 năm ngày sinh nhật Bác

 
Ca ngợi Hồ Chủ tịch - Tiết mục mở màn tại đỉểm cầu tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ba Đình, Hà Nội

 

Cầu truyền hình “Hoài bão Hồ Chí Minh” là chương trình lớn nhất trong số các chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện trong dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với mục đích đưa khán giả đến với những câu chuyện mà trước giờ ít ai biết tới về cuộc đời và những hoài bão của Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

 

Lấy ý tưởng từ phẩm chất Hồ Chí Minh

 
Điểm cầu tại Hoàng Trù

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người của những hoài bão lớn, xuất phát từ tình yêu quê hương tha thiết và ý chí vươn lên mạnh mẽ, Người đã bôn ba khắp thế giới suốt  30 năm cuộc đời để tìm con đường đi cho cả một dân tộc thoát khỏi cảnh nô lệ đói nghèo, và sau này lãnh đạo Đảng và toàn dân vượt qua hai cuộc kháng chiến để bảo vệ nền độc lập tự do và thống nhất. Những bài học Người để lại cho thế hệ sau này là tình yêu Tổ quốc, khát vọng hoà bình phải luôn gắn với ý chí sắt đá và sẵn sàng hy sinh để thực hiện hoài bão lớn.

 

Lấy ý tưởng từ phẩm chất Hồ Chí Minh – một con người có ý chí mạnh mẽ, nhiều hoài bão lớn và dám đương đầu với khó khăn, thử thách để thực hiện những hoài bão đó, với 3 chương lớn: Hoài bão độc lập tự do (1911-1941); Hoài bão hoà bình thống nhất (1945-1969) và Viết tiếp hoài bão mang tên Người, mỗi chương gắn với một khoảng thời gian trong tiến trình lịch sử, từ khi Người bắt đầu đi tìm con đường đi cho dân tộc, cho tới nỗi đau đáu về hoà bình thống nhất, được thấy non sông liền một dải và đến thời điểm hiện tại, lớp người trẻ yêu Tổ quốc và dựng xây đất nước bằng chính những ước nguyện của Người.

 

Cách kể chuyện khác về Hồ Chí Minh

 

Cầu truyền hình trực tiếp “Hoài bão Hồ Chí Minh” được kết nối tại 2 điểm cầu chính là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ba Đình, Hà Nội và khu di dích quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nam Đàn, Nghệ An. Cùng với đó là các hình ảnh tư liệu ghi lại được tại những mảnh đất từng gắn với dấu chân Người tại nước ngoài như khách sạn Carlton, Drayton Court - nơi Bác làm phụ bếp mưu sinh năm 1913; Thư viện Saint Genneviève, Paris - Nơi Bác tìm đọc các sách, tư liệu về các nước thuộc địa;… hay trong nước như TP.Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Huế, Phan Thiết, Trường Sa, Lũng Cú - Hà Giang, Tuyên Quang,…

 
Nhà báo Mỹ Lady Borton (tác giả cuốn sách "Hồ Chí Minh - một hành trình") trò chuyện cùng nhà báo Diễm Quỳnh

 

Đặc biệt, rất nhiều câu chuyện thú vị về hành trình ấp ủ, thực hiện hoài bão của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên được gửi tới các khán giả qua lời kể của các vị khách đến từ Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc – những nhân vật đã từng có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu về Người như nhà báo Mỹ Lady Borton (tác giả cuốn Hồ Chí Minh - Một hành trình); Nhà Hồ Chí Minh học - giáo sư Sokholop (Nga);  GS.TS Guenter Giesenfeld - Hội hữu nghị Việt - Đức; ông Helene Luc -  Chủ tịch nhóm hữu nghị, Nguyên Đảng cộng sản Pháp, là người bạn thân thiết của đoàn Việt Nam sang Pháp dự Hiệp định Paris; ông Hadidi (Ai Cập); GS.TS Mạch Quang Thắng (tác giả cuốn Hồ Chí Minh - Con người của sự sống)…

 

Chương trình cũng đã gặp gỡ với các nhân chứng để ôn lại những thời khắc lịch sử của Bác Hồ và dân tộc, ngoài lòng biết ơn công lao to lớn của Bác, ai cũng giữ riêng cho mình những ký ức giản dị và gần gũi về Người như Anh hùng LLVT Phùng Văn Khầu - người chiến sỹ pháo binh Điện Biên Phủ năm xưa; là dũng sỹ diệt Mỹ Võ Phổ - quê ở Quảng Nam…

 

Hoài bão Hồ Chí Minh từ tiếng ru nôi…

 

Câu chuyện “Hoài bão Hồ Chí Minh" được bắt đầu từ “nơi chôn rau cắt rốn” của Người: làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ  An. Thật xúc động khi những kỷ vật gieo hoài bão lớn cũng là những kỷ vật gắn với tuổi thơ của Người, đó là chiếc giường nơi Người cất tiếng khóc chào đời; là chiếc rương gỗ nơi Người vịn tập đi những bước đi đầu tiên; là chiếc khung cửi của mẹ tần tảo dệt sớm hôm, vừa dệt vừa đưa võng; là cánh võng nghe mẹ ru những lời ru từ thưở nhỏ về yêu nước, yêu quê hương, về lời dạy làm một người trong sạch... mà Người mang theo suốt cả cuộc đời.

 
Những kỷ vật gắn liền với tuổi thơ của Bác Hồ tại quê mẹ - Làng Hoàng Trù, Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An

 

Sau 5 năm thơ ấu sống ở quê ngoại Hoàng Trù, Bác theo cha mẹ vào Huế dự khoa thi. Năm Bác 10 tuổi , mẹ mất do bệnh nặng, sau đó 1 năm, ông Nguyễn Sinh Sắc  đỗ Phó bảng , vinh quy bái tổ về quê nội ở Làng Sen. Từ đó, Bác được cha cho học chữ. Trong thời gian 5 năm sống ở làng Sen quê nội, Bác  được nghe những cuộc trò chuyện giữa cha và những trí sĩ yêu nước như cụ Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Thái Thân ... Cậu bé Nguyễn Sinh Cung khi đó mới 13 tuổi đã biết và đau đáu về những chữ "vận mệnh nước nhà"; lần đầu tiên nghe đến cụm từ "tự do", "bình đẳng, bác ái". Trong tâm hồn non trẻ ấy đã dần hình thành mong muốn ra đi tìm đường cứu nước.

 
Phân cảnh Bác Hồ tiếp cận Luận cương Lê Nin, đó là một chân lý mà nước Việt cần

 

Con đường cứu nước của Người dần được tái hiện qua những phân đoạn hoạt cảnh đã lột tả được ý chí sắt đá của một hoài bão lớn. Đó là viên gạch hồng sưởi ấm giữa mùa đông giá lanh; là đau đáu nỗi niềm vì dân mất nước; là nỗi nhớ khôn nguôi về quê mẹ trong những chiều hè tại Pháp; và là một chân lý khi Bác đọc Luận cương Lenin, đó chính là con đường mà nước Việt cần, và Bác đặt bút viết những bản thảo với tâm trạng đầy thôi thúc và hy vọng…

 

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người trở về. Tư tưởng, tác phẩm của Người đã được lan truyền và tạo nên sức ảnh hưởng tới phong trào đấu tranh trong nước, một thế hệ cách mạng đã hình thành nhờ tư tưởng đó. Và lịch sử Việt Nam đã bước sang trang mới.

 

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi trong Tết Trung thu độc lập đầu tiên, năm 1945 (Ảnh tư liệu)

 

Sức mạnh của đoàn kết, sức mạnh của khát vọng tự do hòa bình đã đưa chúng ta tới chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Nhưng thế kỷ XX đầy biến động và đau thương, đất nước chúng ta lại tiếp tục đương đầu với nhiều thử thách, cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài suốt 20 năm giành lại hòa bình và thống nhất non sông một lần nữa chứng minh cho sức mạnh phi thường của ý chí và lòng quyết tâm của cả dân tộc, và người truyền ngọn lửa tinh thần đó, không ai khác, là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Sức mạnh của đoàn kết, sức mạnh của khát vọng tự do hòa bình đã đưa đất nước tới chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu (Ảnh tư liệu)
 
Và sau đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài suốt 20 năm giành lại hòa bình và thống nhất non sông

 

Như vậy, hoài bão đã dẫn dắt cuộc đời Người từ quê mẹ ra đi, bôn ba rồi trở về, cùng dân tộc làm nên những trang lịch sử thế kỷ XX chói lọi.

 

 
Đại biểu cùng những người thân trong dòng họ Nguyễn Sinh và họ Hoàng thắp hương lên bàn thờ gia tiên họ Hoàng - nơi hơn 1 thế kỷ trước, chứng kiến sự ra đời của người anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh

 

Những ca khúc trong chương trình “Hoài bão Hồ Chí Minh” được thể hiện qua giọng hát của các ca sỹ Quốc Hưng, Quang Lý, Lan Anh, Mỹ Linh, Vũ Thắng Lợi cùng gần 1000 sinh viên, học sinh, các chiến sỹ trẻ trên khắp mọi miền đất nước, dàn hợp xướng thiếu nhi không chỉ khơi gợi nhiều cảm xúc mà còn giúp khán giả cảm nhận rõ nội dung của từng chương, từng hồi đoạn trong chương trình.

 

Viết tiếp hoài bão mang tên Người.

 

 
 NSND Thu Hiền với ca khúc "Người về thăm quê" của nhạc sỹ Thuận Yến đã mang đến cảm xúc sâu lắng cho người dân quê Bác hôm nay

 

Dẫn lời của nhà thơ Jose Marti đã từng nói: "Người ta không hề mất đi khi đã hoàn thành xong công trình của đời mình", cầu truyền hình “Hoài bão Hồ Chí Minh đã khép lại bằng thông điệp: Công trình đó sẽ được viết tiếp bởi thế hệ hôm nay. Sống với hoài bão lớn, thực hiện hoài bão bằng ý chí vươn lên để xây dựng đất nước và ghi dấu thế hệ mình vào trang tiếp theo của tương lai là cách mà mỗi chúng ta nên làm để tinh thần Hồ Chí Minh luôn sống mãi...

 

(Lê Trang – Văn Nhân – Hồng Đăng)