Phụ cấp ưu đãi với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn
Ảnh minh họa |
Theo đó, căn cứ vào đặc thù chuyên môn, mức độ đào tạo và chức năng hoạt động của từng chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đối tượng hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp gồm:
1- Người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch, dàn nhạc giao hưởng; diễn viên tuồng, chèo, cải lương, xiếc, múa rối nước, nhạc kịch (Opera), vũ kịch (Ballet), kịch nói, kịch dân ca, kịch hình thể; người biểu diễn nhạc cụ hơi.
2- Người chỉ huy dàn hợp xướng, dàn nhạc sân khấu truyền thống; diễn viên kịch câm, hát dân ca, hát mới, múa rối cạn, múa đương đại, múa dân gian dân tộc, múa hát cung đình, múa tạp kỹ; người biểu diễn nhạc cụ dây, nhạc cụ gõ, nhạc cụ bàn phím; kỹ thuật viên âm thanh, kỹ thuật viên ánh sáng.
Đối tượng hưởng chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn gồm người trực tiếp tham gia luyện tập, biểu diễn và phục vụ công tác biểu diễn, bao gồm: Đối tượng (1), (2) nêu trên; người chỉ đạo nghệ thuật buổi diễn chương trình nghệ thuật ca múa nhạc, chỉ đạo nghệ thuật vở diễn sân khấu; trưởng, phó các đơn vị nghệ thuật và trưởng, phó các đoàn biểu diễn trực thuộc; người làm việc theo chế độ hợp đồng hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp gồm 2 mức: Mức phụ cấp 20%, áp dụng đối với đối tượng 1 nêu trên; mức phụ cấp 15%, áp dụng đối với đối tượng 2 nêu trên.
Phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp được tính như sau: Phụ cấp ưu đãi theo nghề = Mức lương cơ sở x (Hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) x Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp được trả cùng tiền lương hằng tháng; phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ bảo hiểm khác.
Chế độ bối dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn
Cũng theo Quyết định, chế độ bồi dưỡng luyện tập tính theo số buổi thực tế luyện tập, gồm 4 mức: 35.000 đồng/buổi tập; 50.000 đồng/buổi tập; 60.000 đồng/buổi tập; 80.000 đồng/buổi tập.
Chế độ bồi dưỡng biểu diễn tính theo số buổi biểu diễn và phục vụ biểu diễn thực tế, gồm 4 mức: 80.000 đồng/buổi diễn; 120.000 đồng/buổi diễn; 160.000 đồng/buổi diễn; 200.000 đồng/buổi diễn.
Trong đó, mức 200.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên chính, nhạc công chính, người chỉ đạo nghệ thuật chương trình nghệ thuật ca múa nhạc, người chỉ đạo nghệ thuật vở diễn sân khấu; mức 160.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên chính thứ, nhạc công chính thứ, kỹ thuật viên chính âm thanh, kỹ thuật viên chính ánh sáng; mức 120.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên phụ, nhạc công, kỹ thuật viên âm thanh, kỹ thuật viên ánh sáng; trưởng, phó các đơn vị nghệ thuật và trưởng, phó các đoàn biểu diễn trực thuộc; mức 80.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với nhân viên hậu đài, nhân viên hóa trang, nhân viên phục trang, nhân viên đạo cụ và nhân viên phục vụ làm việc theo chế độ hợp đồng.
Trường hợp người tham gia biểu diễn nghệ thuật thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm thì chỉ hưởng mức bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn cao nhất.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015.
(Theo VGP)