Để dân ca và nhạc cổ truyền có đất sống
Tôi có may mắn được nhiều lần đi nói chuyện về "cái hay cái đẹp trong dân ca Việt Nam" và được mời làm giám khảo một số hội diễn nghệ thuật, tiếp xúc với một số đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như không chuyên.
Tôi đã được xem anh chị em trình bày những bài hát mà tuổi trẻ ưa thích và những bài hát dành cho tuổi trẻ. Những đơn vị này có những chương trình đầy hấp dẫn, bởi vì họ biết "pha mầu" giữa những bài hát tự biên và những bài hát quen thuộc, những bài hát mới và những bài dân ca phổ biến của các miền đất nước. Sự hài hòa trong một "bức tranh" biểu diễn ấy còn thể hiện ở phong cách biểu diễn và việc sử dụng thành thạo các nhạc cụ “Tây” và các nhạc cụ “Ta” đã làm người xem rất vui, rất thú vị, "nhập cuộc" được với diễn viên và thấy tự hào với phong trào văn nghệ, bước đầu thể hiện được tính dân tộc và hiện đại. Nó đã để lại trong người xem nhiều ấn tượng đẹp của sự kết hợp hài hòa giữa "cổ" và "kim" tuy còn ở một mức độ nhất định.
Phần lớn các đơn vị này đã biết phát huy "thế mạnh" của mình bằng cách sử dụng nhuần nhuyễn các bài hát mang mầu sắc dân ca và dân ca của địa phương mình với nhiều sáng tạo mới mẻ mà không kém phần duyên dáng, sôi nổi, trẻ trung. Bên cạnh các tiết mục sử dụng nhạc cụ châu Âu còn có các tiết mục sử dụng nhạc cụ dân tộc như: đàn tranh, đàn bầu, trống cái, trống cơm, mõ, sênh tiền… độc tấu hoặc hòa tấu đã đạt được hiệu quả cao.
Kinh tế thị trường càng phát triển thì trong phong phú có xô bồ, trong đa dạng có phức tạp…cái gì thái quá cũng có hại. Cơn sốt "nhạc nhẹ" trước đây, chúng ta không kịp điều chỉnh đã ảnh hưởng đến tâm lý người nghe và người xem, nhất là những người đã đứng tuổi. Nhiều người nói vui rằng: "Nhạc nhẹ thành ra nhạc nặng (vì đinh tai nhức óc, rên rỉ nỉ non, múa may quay cuồng), còn cái món nhạc nặng (chỉ dân ca dịu dàng tha thiết) thì lại xem nhẹ quá!". Điều đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ của người nghe, người xem, dễ dẫn tới chỗ "bên trọng, bên khinh". Phải chăng những người thích nhạc nhẹ vẫn chiếm số đông? Có bạn cho rằng "thanh niên hiện nay chỉ thích nhạc "xập xình", mà không thích dân ca" (!)(tôi tạm dùng danh từ này để chỉ chung các loại nhạc hiện đai).
Tôi nghĩ nhận định đó chưa hoàn toàn chính xác và thuyết phục. Xin được lấy vài con số có ý nghĩa về người nghe Đài Tiếng nói Việt Nam để làm sáng tỏ. Vì đây cũng là cách thăm dò dư luận khách quan, từ đông đảo quần chúng. Theo Phòng Dân Ca và nhạc cổ truyền Đài TNVN cho biết thì trong tổng số thư yêu cầu của thính giả gửi về, thì quá nửa đề nghị đài phát các tiết mục dân ca và nhạc cổ truyền, đột xuất có tháng số người này lên tới hơn 60%. Số còn lại thì yêu cầu về nhạc mới và nhạc thiếu nhi. Đông đảo nhất là các chiến sĩ quân đội, kế đến là học sinh, sinh viên, sau đó là cán bộ, công nhân, viên chức và bà con nông dân. Qua đó, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Nói rằng nhạc "xập xình" được nhiều thanh niên ưa thích, vậy thì số thanh niên ấy là thanh niên nào? Ở địa bàn rộng hay hẹp? Nếu không phân biệt và phân tích cụ thể, e rằng các bạn thanh niên trong đối tượng vừa nêu trên, chưa thật hài lòng.
Nói đi, cũng phải nói lại: Ở một địa bàn nào đó, có thể là con số thích nhạc nhẹ, nhạc nhảy có nhỉnh hơn, nhất là trên sàn diễn trong một không gian nhất định. Nhưng ngay trên địa bàn của thủ đô Hà Nội, thì số người đến nghe đến học dân ca và nhạc cổ truyền cũng không phải là quá ít. Đành rằng thưởng thức dân ca và nhạc cổ truyền phải chờ đến một độ tuổi nhất định (trên dưới 40 tuổi) mới thật "chín". Càng trưởng thành thì càng có nhiều kiến thức, có nhiều kinh nghiệm, nhưng khó tìm lại được những rung động đầu đời, nhưng dân ca có thể gợi lại được những gì là kỷ niệm mà thời ấu thơ và tuổi hoa niên đầy mộng mơ êm đềm đã từng trải, dù chỉ trong khoảnh khắc hay ở một hoàn cảnh riêng biệt,qua một vài câu hát hoặc một giai điệu nhạc không lời.
Quy luật tự nhiên sẽ giúp ta "tự điều chỉnh". Có những người già đã phải thốt lên rằng: cách đây 50 năm chúng tôi từng hát “Yêu nhau cởi áo cho nhau” thì bây giờ chúng tôi vẫn hát và còn hát hay hơn. Trên các phương tiện truyền thông không hiếm hình ảnh những người nước ngoài hát Cải lương, hát Chèo, hát Xẩm…
Ai cũng biết rằng, mỗi loại hình âm nhạc đều có những đặc trưng riêng về cấu trúc và ngôn ngữ nghệ thuật, cũng như sự tổng hợp các yếu tố nghệ thuật. Sự tổng hợp ấy bao giờ cũng tạo nên một phong vị riêng. Dân ca càng thể hiện rõ hơn, bởi vì nó xuất xứ từ nhiều vùng, nhiều "nôi" trong cả nước (chèo, tuồng, cải lương, ca Huế, ca trù, chầu văn, bài chòi, dân ca các miền và các dân tộc thiểu số).
Do đó, có người thích bộ môn này, không thích bộ môn khác hoặc ngược lại. Nhưng, qua thư của người nghe đài, chúng tôi cảm thấy toát lên một nhận thức chung là: yêu mến bản sắc dân tộc, tâm hồn dân tộc, mong muốn được phát huy, được nghe nhiều thể loại dân ca. Do điều kiện sinh thành môi trường sống và đặc điểm tâm lý, cho nên bản sắc dân tộc trong mỗi người cũng có mức độ khác nhau. Có người bản sắc ấy chưa kịp hình thành; có người, bản sắc ấy đã bị phôi pha; có nhiều người càng xa quê, xa tổ quốc thì bản sắc dân tộc trong tâm hồn lại càng được củng cố vững bền. Từ đó mà nghĩ đến thẩm mỹ chung của người nghe và người xem các tiết mục dân ca.
Đến đây tôi xin được mở một dấu ngoặc, nhắc lại hiện tượng Đặng Thái Sơn, người đoạt giải nhất Cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên Sô - panh, để cùng suy nghĩ. Tôi có đọc một bài trong bản tin Ba Lan hồi Đặng Thái Sơn được giải. Bình luận viên của bản tin đó, sau khi ca ngợi Đặng Thái Sơn là một thanh niên Việt Nam thể hiện được tâm hồn Sô-Panh qua tiếng đàn của anh, đã viết "Chúng ta hy vọng sẽ có ngày một thanh niên Ba Lan đến Thủ đô Hà Nội, đánh đàn bầu Việt Nam bằng những bài dân ca Việt Nam, nghe như chính người Việt Nam biểu diễn".
Người dân Ba Lan tự hào bởi vì Sô-panh là người đã vận dụng những giai điệu dân ca Ba Lan trong các bản nhạc nổi tiếng của ông mà theo thời gian càng giàu sức sống. Trước khi đóng dấu ngoặc để trở lại vấn đề đang bàn, tôi muốn nhắc lại một điều: Mỗi chúng ta, chắc chẳng ai ngạc nhiên khi biết rằng tất cả các tiết mục dân ca và nhạc cổ truyền (kể cả múa và độc tấu nhạc cụ) khi đem ra biểu diễn ở nước ngoài, đều được người xem tán thưởng, yêu cầu hát lại nhiều lần, biểu diễn lại nhiều lần. Và không phải ngẫu nhiên UNESCO đã công nhận nhiều thể loại dân ca và nhạc cổ truyền là di sản của văn hóa thế giới.Không ít lần tôi chứng kiến những người nước ngoài đến Việt Nam thích ăn Na, ăn Chuối…và khi về họ không quên mang theo Chuối, theo Na…và cũng không quên mang về mấy đĩa hát Tuồng, ca Trù, ca Huế… Điều đó đáng để cho chúng ta suy nghĩ về "bản sắc Việt Nam"?
Nhưng chúng ta cũng chẳng thích thú gì khi một số đơn vị biểu diễn sử dụng "đại trà" dân ca theo cách "đội khăn xếp, đi guốc mộc". Nó cần được nâng cao, phát triển không ngừng trong giai điệu, trong cách hát, cách phối âm các nhạc cụ…để nó sống được mãi mãi, chứ không phải chỉ để lưu trữ và đem ra "khoe" với khách nước ngoài. Bởi vì, đâu có phải hễ là những viên ngọc, thì không cần mài giữa nữa. Có điều là cách mài giũa phải ra sao cho nó sáng đẹp hơn thì đó là nhiệm vụ của tất cả chúng ta - những người giàu tâm hồn dân tộc và yêu mến vốn quý của dân tộc. Cũng cần chú ý để "không gieo vừng ra ngô" như sinh thời Bác Hồ từng căn dặn. Theo hướng đó, chúng ta sáng tạo và sáng tạo, kể cả việc đặt lời mới sao cho làn điệu phù hợp với nội dung, giàu chất thơ và vận dụng tốt ngôn ngữ dân gian trong mỗi tác phẩm.
Trong khi các vấn đề về kinh tế phải được giải quyết theo nhu cầu chung của cả nước, thì về văn hóa - nghệ thuật, các sắc thái độc đáo của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng cần được bảo vệ, phát huy song song với việc tăng cường giáo dục, giới thiệu, tạo sự hiểu biết chung và riêng trong từng dân tộc - nhằm xây dựng sự gắn bó vững chắc hơn nữa trong trí tuệ cũng như trong tình cảm của mọi người, mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp.
Thời trang trong các thành phố phương Tây thay đổi theo mùa: quần áo quá mùa thì có thể bán tháo cho người ít tiền. Nhưng thị hiếu âm nhạc, đối với những ai sống theo "mốt" thì không thể bán tháo được. Đối với người nghe càng trẻ thì dấu vết để lại càng sâu. Do vậy, những người có trách nhiệm và những người quan tâm, yêu mến văn hóa nghệ thuật dân tộc không thể có "ảo tưởng": đã là "mốt" thì tất yếu sẽ biến mất! Muốn thế, cần phải chú trọng hơn nữa giá trị truyền thống của nền âm nhạc vốn có của đất nước, có những đầu tư về trí tuệ và kỹ thuật thích đáng trong việc tiếp tục sưu tầm, khai thác và phát huy trong thời đại mới.
Tất nhiên, công việc này là một quá trình vừa phức tạp vừa khẩn thiết, lại cũng vừa lâu dài. Tôi cho rằng có nhiều việc chúng ta phải có quyết tâm giải quyết dứt điểm từng bước, ngay từ bây giờ. Thời gian sẽ làm chồng chất thêm những khó khăn và bất hợp lý. Bởi lẽ, cái được bắt đầu một cách kiên quyết từ hôm nay mới có thể là hiệu quả của mai sau. Mong rằng “điểm cộng” nhiều hơn “điểm trừ”, “mỉm cười” nhiều hơn “lo âu”.
Chúng ta hy vọng sắp tới sẽ được xem nhiều chương trình biểu diễn có nhiều tìm tòi sáng tạo, có những ca khúc hay, có thêm những bài dân ca đẹp và vui, đậm đà tính dân tộc và hiện đại. Đặc biệt là có phong cách biểu diễn trẻ trung, lành mạnh, tạo nên một sức sống mới trong các đơn vị nghệ thuật không chuyên cũng như chuyên nghiệp trong cả nước.
Nhạc sỹ Dân Huyền (Theo VOV)