Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong giáo lý tôn giáo
Ảnh minh họa |
Thông báo kết luận nêu rõ, Việt Nam là quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời. Trong quá trình phát triển, dân tộc Việt Nam một mặt duy trì những giá trị văn hóa truyền thống, mặt khác luôn tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại vừa để bảo tồn, phát huy vừa làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong sự phát triển chung của đất nước cùng với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc luôn có sự chung tay đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó sự đóng góp không nhỏ của các tôn giáo và đồng bào các tôn giáo.
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo đồng thời quan tâm, tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật, đúng đường hướng hành đạo của giáo hội, bảo đảm nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của mỗi tôn giáo; tích cực động viên mọi nguồn lực xã hội và hiện thực hóa đường hướng hành đạo đồng hành cùng dân tộc bằng những hành động và việc làm cụ thể trong các lĩnh vực, như: từ thiện - xã hội, y tế, giáo dục, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, xây dựng nếp sống văn minh, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội... Lịch sử đất nước đã khẳng định, bên cạnh những đóng góp về kinh tế, văn hóa, xã hội, cùng với giá trị văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo đã góp phần quan trọng trong việc khắc phục những tồn tại, hạn chế những tác động tiêu cực của việc suy thoái đạo đức, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của tôn giáo đối với đất nước và dân tộc, các cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương cần khẳng định rõ chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, hướng dẫn các hoạt động tôn giáo bảo đảm quy định của pháp luật, đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo tiếp tục đẩy mạnh những việc làm cụ thể, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong giáo lý tôn giáo góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, tạo nên những chuẩn mực, giá trị văn hóa.
Bên cạnh đó, cần phát huy tính dân chủ, động viên các chức sắc, đồng bào tôn giáo, nhất là các chức sắc tôn giáo có uy tín, có đạo hạnh và tinh thần gắn bó với dân tộc, tiếp tục đóng góp ý kiến, đề xuất kiến nghị với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương để hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo nói riêng và phương hướng xây dựng, phát triển đất nước nói chung.
Phó Thủ tướng đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương liên quan lựa chọn, đề xuất những nhiệm vụ, công việc cụ thể để trao đổi, thống nhất với các chức sắc, chức việc lãnh đạo các tổ chức tôn giáo trên từng địa bàn; xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, công việc cụ thể trên cơ sở phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của tổ chức tôn giáo, với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa dân tộc và nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, hằng năm tổ chức hội nghị để đánh giá, tổng kết việc phát huy vai trò của tôn giáo trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp, hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền, vận động việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh do các tôn giáo tổ chức tại địa phương phù hợp với quy định của pháp luật.
(Theo VGP)