Tiểu thuyết 'Tố Tâm' được tái bản
Phát hành đầu tháng 6 trong bộ "Việt Nam Danh tác", tác phẩm của Hoàng Ngọc Phách được in theo ấn bản Tố Tâm của Nhà xuất bản Nam Ký in năm 1933. Tuy không phải là tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên như trước đây lầm tưởng, đây vẫn là tác phẩm có vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam.
Hoàng Ngọc Phách hoàn thành Tố Tâm trước tháng 8/1922, ban đầu nội dung được trích đăng trên kỷ yếu của Hội Cao đẳng Ái hữu. Sau khi bạn bè khuyên in thành sách, Hoàng Ngọc Phách đã cho xuất bản tiểu thuyết lần đầu năm 1925.
Tố Tâm kể về cuộc tình của đôi trai tài gái sắc Đạm Thủy và Tố Tâm. Tình yêu của họ thuần yêu đương trong sáng, không lồng ghép các vấn đề xã hội, không pha tính sắc dục. Câu chuyện lấy bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20, khi thanh niên bắt đầu được tự do yêu đương, nhưng vẫn có ràng buộc của ý thức hệ phong kiến, với luân lý gia phong. Bởi thế, mối tình giữa Đạm Thủy và Tố Tâm đi tới bi kịch. Người con gái bạc mệnh chết vì hai chữ ái tình, người con trai ở lại ôm vết thương lòng, và chỉ sống với công danh, sự nghiệp. Khi viết tác phẩm, Hoàng Ngọc Phách thông qua nhân vật "ký giả" ghi chép lại câu chuyện, đưa ra ý khuyên răn thanh niên đừng dấn sâu vào đường tình ái.
Sách "Tố Tâm" bản 2015. Ảnh: Em Hanoi. |
Ngay từ lần đầu xuất hiện, tư tưởng của tác phẩm làm dấy lên cuộc tranh luận "người khen cũng lắm, kẻ chê cũng nhiều". Thậm chí, có cuộc công kích Tố Tâm, cho rằng đây là tác phẩm đẩy đưa phụ nữ vào con đường bại luân lý, hủy danh thân, với bằng chứng là có quá nhiều thiếu nữ thời đó ủy mị vì tình mà tự sát. Bên cạnh đó, số người ủng hộ Tố Tâm cũng lớn, họ cho rằng nghệ thuật tiểu thuyết tự nó đã công kích vào luân lý gò bó, nghiệt ngã, xơ cứng của chế độ cũ.
Gần 100 năm qua, tác phẩm vượt lên mọi tranh luận của các nhà luân lý, giới phê bình, ở lại với người đọc. Việc phân tích tác phẩm chứng minh được tính mới mẻ, hiện đại, tiên phong của Tố Tâm với nền văn học nước nhà những năm 1920. Kết cấu tiểu thuyết khác biệt tác phẩm cùng thời, đan cài hiện tại và quá khứ, xen giữa lời kể của nhân vật chính với lời kể của người chép truyện. Tác phẩm có cách miêu tả tâm lý thuyết phục, ý nghĩa lịch sử và tác động tới người đọc khi đặt ra vấn đề quyền cá nhân trước quyền uy của luân lý phong kiến đè nặng.
Nhà phê bình Đoàn Ánh Dương, đồng thời là người biên tập sách cho lần tái bản 2015 đánh giá: "Quyển Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách là trái chín bói đầu tiên của cả một vụ mùa hiện đại hóa mà gần mươi năm sau mới chín rộ bằng sự xuất hiện của Tự Lực Văn đoàn (1934). Tiểu thuyết đánh dấu một cột mốc quan trọng của tiến trình quốc tế hóa văn học Việt Nam".
Nhà nghiên cứu Cao Việt Dũng trong bài viết trên trang cá nhân cũng nhận định: "Các nghiên cứu sau này chỉ ra khó mà coi Tố Tâm là tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, nhưng vẫn là tác phẩm có ý nghĩa đặc biệt to lớn, vì vấn đề nó đặt ra, vì văn chương, và vì nó thực sự mới". Nhà nghiên cứu so sánh Tố Tâm với Nouvelle Héloise (tiểu thuyết Julie hay là nàng Héloise mới) của Rousseau, Werther (Nỗi đau chàng Werther) của Goethe trên phương diện đây đều là tác phẩm mở ra thời kỳ lãng mạn cho văn học.
(Theo VNexpress)