Đãi ngộ nghệ nhân: Không nhanh, sẽ muộn
Dự thảo Nghị định quy định việc hỗ trợ đối với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn quy định trợ cấp sinh hoạt hằng tháng (dự kiến sẽ có 3 mức trợ cấp: 1.100.000 đồng; 900.000 đồng và 700.000đồng/ người/tháng), bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng… đối với nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.
Để đảm bảo chính sách phù hợp đối với các nghệ nhân, dự thảo Nghị định phân ra 4 nhóm đối tượng có điều kiện, hoàn cảnh và mức độ khó khăn khác nhau để xem xét hỗ trợ.
Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu
Cụ thể, các NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn là những người thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định gồm: người từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam hoặc từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ sống độc thân; người dưới 60 tuổi đối với nam hoặc dưới 55 tuổi đối với nữ sống độc thân và mắc một trong các bệnh thuộc danh mục bệnh hiểm nghèo, hoặc bị khuyết tật, hoặc đang nuôi dưỡng thân nhân trực tiếp là người khuyết tật; người từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam hoặc từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ không sống độc thân; người dưới 60 tuổi đối với nam hoặc dưới 55 tuổi đối với nữ không thuộc đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị khuyết tật hoặc đang nuôi dưỡng thân nhân trực tiếp là người khuyết tật...
Việc xét tặng danh hiệu NNƯT được Bộ VHTT&DL dự kiến chính thức công bố vào tháng 9-2015. Ước tính, trong số các nghệ nhân trên toàn quốc hiện đã và đang được xét tặng danh hiệu NNƯT có khoảng 560 người thuộc diện được hưởng trợ cấp nói trên.
Nhưng thực tế cho thấy hầu hết nghệ nhân của các loại hình di sản văn hoa phi vật thể như: xẩm, ca trù, hát xoan, ví, giặm,… đều sống trong hoàn cảnh khó khăn. Theo thống kê, hiện có khoảng 75,3% nghệ nhân ở độ tuổi nghỉ hưu; 50% nghệ nhân thuộc dân tộc thiểu số; 60% nghệ nhân sinh sống gắn với nông nghiệp nên phần lớn không có đối tượng làm việc và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Do đó, chính sách này chưa thể lấp “lỗ hổng” đãi ngộ nghệ nhân, câu chuyện đã được bàn tới bàn lui trong vài chục năm qua. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam – Bộ VHTT&DL) có thái độ khá gay gắt: Ngoài giấy chứng nhận danh hiệu, huy hiệu, về mặt quyền lợi vật chất, các nghệ nhân có lẽ chỉ được hưởng chút tiền thưởng đi kèm. Riêng với nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn thì sẽ được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng.
Như vậy, với các nghệ nhân cao tuổi thuộc diện lao động tự do (chiếm số đông trong môi trường hoạt động di sản), những khoản bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội cho các cụ vẫn chưa được xem xét. Trong thực tiễn mai một của nhiều di sản, mức trợ cấp sinh hoạt nếu có cũng không thể bảo trợ cho sức lao động nghệ thuật. Và điều chúng ta đang làm mới chỉ dừng lại ở việc phong danh hiệu, động viên tinh thần mà thôi.
GS Ngô Đức Thịnh cũng không khỏi băn khoăn bởi nghệ nhân được phong tặng danh hiệu sẽ được nhận khoản tiền thưởng, nhưng cái thiết thực đối với các nghệ nhân là một chế độ ưu đãi bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho họ được biểu diễn, truyền dạy, bảo tồn vốn cổ… lại chưa được đề cập một cách toàn diện.
Những sáng kiến chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho những “báu vật nhân văn sống” được đưa ra khá nhiều trong các cuộc hội thảo, hội nghị của ngành văn hóa và các ngành liên quan. Và dự thảo Nghị định quy định việc hỗ trợ đối với NNND và NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn của Bộ LĐTB&XH cũng là một cách đãi ngộ nghệ nhân - động thái sau khi Bộ VHTT&DL xét tặng danh hiệu cho hàng trăm NNƯT đợt 1-2015 nhằm khắc phục việc chậm trễ phong danh hiệu nghệ nhân…
Nhưng dù được tôn vinh NNƯT nhưng nhiều “báu vật nhân văn sống” ở tuổi “xưa nay hiếm” có lẽ vẫn phải tiếp tục chật vật với cuộc mưu sinh. Và chế độ chính sách đãi ngộ nghệ nhân, nếu các cơ quan chức năng không sớm triển khai, những “người giữ lửa” ở tuổi xế chiều sẽ không có thêm thời gian để đợi chờ.
(Theo Đại đoàn kết)