Đẩy mạnh truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch
|
Ảnh minh họa |
Mục đích của Kế hoạch là thông qua công tác thông tin, tuyên truyền nhằm quán triệt sâu rộng trong cán bộ, các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo; tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm môi trường cho phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tích cực tham gia xây dựng điểm đến An toàn - Thân thiện - Chất lượng; Tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, tôn trọng pháp luật; Xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch.
Về nội dung thông tin, tuyên truyền, tập trung thông tin, tuyên truyền Bộ tiêu chí, tổ chức đánh giá, xếp hạng và công bố chỉ số phát triển các điểm đến du lịch. Thông tin, tuyên truyền việc triển khai và kết quả thực hiện Chương trình kích cầu du lịch nội địa, phát động và thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên du lịch Việt Nam”.
Ngoài ra, thông tin, tuyên truyền những kết quả quan trọng đạt được về phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020, đồng thời tiếp tục khẳng định du lịch đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu hút đầu tư; tạo nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo; nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam năng động, thân thiện và hòa bình.
Để thực hiện Kế hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, nâng cao chất lượng các tin, bài; dành thời lượng phù hợp phát sóng các chương trình chuyên đề, cung cấp thông tin, tư liệu tuyên truyền về phát triển du lịch; tổ chức các cuộc tọa đàm, đối thoại, giao lưu trực tuyến với các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia du lịch nhằm tạo bước chuyển đột phá trong phát triển du lịch, xây dựng Việt Nam trở thành điểm đến An toàn - Thân thiện - Chất lượng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2015, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính 3,8 triệu lượt người, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 9,1%; đường bộ giảm 19,7%; đường biển giảm 26,5%.
Trong một số năm gần đây, số lượt khách quốc tế đến Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực: Năm 2014 Malaysia đón 27,4 triệu lượt; Thái Lan 24,8 triệu lượt; Singapore 15,1 triệu lượt; Indonesia 9,4 triệu lượt trong khi Việt Nam là 7,8 triệu lượt. Nguyên nhân khách quốc tế đến Việt Nam thấp chủ yếu do chưa thu hút được nhiều khách đến cho cả mục tiêu du lịch, tham quan và mục tiêu công việc trong khi các nước đang phát triển có sự phát triển đồng đều cho các mục tiêu này. Mặt khác, công tác quản lý các hoạt động có liên quan đến du lịch ở trong nước chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ban, ngành chức năng. Theo điều tra năm 2013, có 68,5% tổng số khách đánh giá Việt Nam có phong cảnh đẹp. Tuy nhiên, khi được hỏi về mức độ hài lòng khi được phục vụ, chỉ có 39% tổng số khách được phỏng vấn đánh giá tốt.
(Theo VGP)