Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu: Cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam
Ca khúc của ông trải rộng ở nhiều nội dung khác nhau từ tình yêu lứa đôi, tình đồng chí đến tình yêu đất nước. Ở đấy thính giả thường thấy một cảm xúc trữ tình sâu lắng với những âm điệu giàu chất dân ca. Ông ra đi là một mất mát quá lớn đối với nền âm nhạc nước nhà.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (Ảnh: T.L) |
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của nền âm nhạc đương đại Việt Nam. Tình yêu nước dạt dào là một trong những nguồn cảm hứng giúp nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có những tác phẩm lay động lòng người. Ông luôn tâm niệm khi cảm xúc đến là phải viết ngay, nếu để sau có khi chẳng thể viết được.
Chẳng thế mà từ ca khúc đầu tay Trầu cau đến rất nhiều ca khúc bất hủ sau này như: “Đoàn vệ quốc quân, Tình trong lá thiếp, Mùa đông binh sĩ”… đều được ra đời trong niềm cảm hứng dạt dào ấy. Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ: “Ngay cả những ca khúc nhạc sỹ viết những năm 40 của thế kỷ trước, đều gắn với sự phát triển của lịch sử dân tộc và đậm chất dân gian, dân ca của chúng ta làm nền tảng để phát triển. Đó là điểm tựa quan trọng nhất để các tác phẩm của ông sống mãi với thời gian”.
Nói đến Phan Huỳnh Điểu, người ta còn nhớ đến một “ông hoàng phổ thơ”, nhiều bài thơ sau khi được ông chắp thêm giai điệu đã bay cao bay xa và được đông đảo công chúng đón nhận.
Có lẽ ca khúc phổ thơ đầu tiên của ông là “Những người đã chết”, thơ Tế Hanh, năm 1946. Rồi sau đó, là “Điệu buồn”, thơ Huy Cận, 1949… Nhưng phải đến thập niên 1970 với những tác phẩm như “Bóng cây kơnia” (thơ Ngọc Anh); “Cuộc đời vẫn đẹp sao” (thơ Dương Hương Ly); “Hành khúc ngày và đêm” (thơ Bùi Công Minh)… những ca khúc phổ thơ của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu mới đi vào trí nhớ của người yêu âm nhạc.
Cảm hứng về thơ của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu còn tiếp tục với “Anh ở đầu sông em cuối sông” (thơ Hoài Vũ), “Sợi nhớ sợi thương” (thơ Thúy Bắc). Đặc biệt, đến những năm 1980, âm nhạc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã chắp cánh cho hồn thơ Xuân Quỳnh với “Thơ tình cuối mùa thu”, “Thuyền và biển”, “Sóng”… Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từng nói “thơ và nhạc như cặp anh chị em song sinh”. Nhà thơ chắt chiu từng con chữ, nhạc sĩ chăm chút từng nốt nhạc sẽ cho ra một tác phẩm toàn vẹn và đầy đặn. Thế nên có quá nửa gia tài âm nhạc ông để lại là các bài hát phổ thơ.
Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi nói: “Cây Kơ nia mà uống nước nguồn tận miền Bắc hay có một không gian nào do chiều dài nỗi nhớ, có khoảng mênh mông nào đo nặng hơn tình thương… đã khẳng định âm nhạc với thơ của Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là một. Có thể nói tất cả những sáng tác của ông để lại cho hôm nay đã vượt qua không gian, thời gian”.
Nghe ca khúc của Phan Huỳnh Điểu, người ta luôn gặp cảm xúc trữ tình sâu lắng với những âm điệu giàu chất dân ca mà trau chuốt. Ngay cả những bài hành khúc của ông cũng đậm chất trữ tình lạc quan. Chẳng thế mà âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu dễ nhớ, dễ thuộc rồi đi vào lòng người lúc nào không biết.
Tác phẩm của ông đầy ắp những câu ca mộc mạc, giản dị mà đẹp đến nao lòng như: “Nhìn ngôi sao nhấp nháy suốt đêm thâu. Như mắt ai nhấp nháy đang tìm nhau” trong ca khúc “Đêm nay anh ở đâu”; “Ngôi sao như xuống thấp cho ta gần nhau thêm. Đêm nghe tiếng mưa rơi. Đếm mấy triệu hạt rồi mà chưa vơi nỗi nhớ” tác phẩm “Ở hai đầu nỗi nhớ”; hay “Em dang tay, em xoè tay. Chẳng thể nào mà xua tan mây. Mà chẳng thể nào mà che anh được. Chứ rút sợi thương, nay anh chắp mái lợp. Rút sợi nhớ, đan vòm xanh”…
Nói như nhạc sĩ Văn Dung, dù có hô hào, kêu gọi nhưng màu sắc trữ tình vẫn luôn xuyên suốt trong dòng nhạc của Phan Huỳnh Điểu: “Ông có rất nhiều tác phẩm ở nhiều mặt đề tài khác nhau, chúng ta biết đến nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu với những ca khúc rất hay. Có thể nói là số lượng tác phẩm nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã để lại cho nhân dân chúng ta trong một quá trình lịch sử, đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là một khối lượng đồ sộ”.
Với những đóng góp của mình, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được mệnh danh là “Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam” và được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Dẫu biết sinh, lão, bệnh, tử chẳng chừa một ai, nhưng sự ra đi của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là một sự mất mất không thể bù đắp với những người yêu nhạc Việt Nam. Vĩnh biệt ông, vĩnh biệt một cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam – nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.
(Theo VOV)