Khi “bắt được” những thông tin chia sẻ trên những trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter… không ít người trẻ tuổi chỉ đơn giản hiểu rằng những dòng chia sẻ, những đoạn phim có nguồn gốc từ Âu - Mỹ được nhiều người quan tâm và cho rằng đây là những giá trị mới, những thông điệp mới. Với họ, văn hóa Âu - Mỹ là nhất, là đỉnh cao, là một trào lưu văn hóa mới đáng học hỏi, thậm chí là cả sự bắt chước một cách vô thức. Thực chất đây chỉ là một hành động “a dua” hoàn toàn không có tư duy, không lựa chọn.
Cơn sốt Kiss Cam biến tướng thành “cưỡng hôn” giữa phố vô cùng phản cảm mới đây là một ví dụ về sự “a dua” này của giới trẻ Việt Nam. Trong khi xuất phát điểm của trào lưu này tại châu Âu là vô cùng văn minh và thực sự là một sản phẩm văn hóa.
Trào lưu này lấy cảm hứng từ clip First Kiss ra đời năm 2014 của đạo diễn Tatia Plleva. First Kiss được cả thế giới đón nhận khi quay lại cảm xúc chân thật của các cặp đôi gặp lần đầu và trao cho nhau những nụ hôn ngọt ngào. Với thông điệp ý nghĩa về tình yêu không biên giới giữa con người với con người, First Kiss đã truyền tải đến người xem cảm hứng sống mới, giúp họ vượt qua nhiều rào cản xã hội để tìm đến tình yêu đích thực của đời mình. Vậy nhưng khi các bạn trẻ Việt Nam “bắt chước” trào lưu này đã tạo thành một thảm họa với những màn “cưỡng hôn” vô cùng phản cảm, phi văn hóa.
Bên cạnh những hiểu biết về văn hóa truyền thống, giới trẻ cần có định hướng một cách cụ thể về quá trình tiếp thu văn hóa bên ngoài (hình chỉ mang tính chất minh hoạ). |
Vậy nhưng khi ở Mỹ vừa hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới thì sự kiện này đã nhanh như một cơn bão tràn về Việt Nam với những trào lưu tô cầu vồng trên các trang mạng xã hội, facebook… và cùng với nó là vô vàn ý kiến khác nhau. Nhiều người ủng hộ, nhiều người không, và có cả những người trung lập.
Việc ủng hộ hay không không xin tạm gác lại. Chỉ xin nói về việc hơn 5000 người xuống đường trong ngày cuối tháng 6 vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh với những biểu ngữ, lôgô cầu vồng lục sắc, để ủng hộ cho quyết định của một quốc gia ở xa tít, hoàn toàn khác biệt về văn hóa. Xin nhấn mạnh thêm rằng có một số lượng không nhỏ người tham gia chỉ là sự “a dua” cho vui chứ họ hoàn toàn không phải là LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới).
Liên tưởng với vụ thí sinh phải thi lại vì giám thị ký nhầm trong những ngày đầu tháng 7 vừa qua, chỉ biết khóc rồi về nhà “mách” phụ huynh mà chợt thấy buồn. Buồn vì Việt Nam có một bộ phận giới trẻ quá nhậy cảm với những trào lưu mà họ coi là “văn hóa mới, lạ” và tiếp thu, bắt chước một cách vô thức, không hề có lựa chọn, định hướng, phản ứng quá nhanh theo kiểu “a dua”. Lại có một bộ phận giới trẻ quá rụt rè, nhút nhát và hoàn toàn không có một chút tư duy tự chủ nào trong những vấn đề đúng đắn, sát sườn và hoàn toàn xứng đáng để có một hành động nhanh, quyết đoán bảo vệ quyền lợi của mình như những em thí sinh phải thi lại kia.
Những câu chuyện khiến cho bất cứ ai cũng phải lăn tăn, lo lắng bởi chính những sự lệch lạc này lại đang hàng ngày tác động đến tương lai thế hệ trẻ Việt Nam!/.
(Theo VOV)