Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tình quê hương trong ca khúc của Nhạc sỹ An Thuyên

08:26, 09/07/2015
(truyenhinhnghean.vn) Tôi chưa từng một lần được gặp hay nói chuyên với nhạc sỹ An Thuyên, tôi cũng chưa bao giờ viết về ông. Nhưng có lẽ, cũng như nhiều khán giả yêu nhạc, tôi có một tình cảm đặc biệt với người nhạc sỹ tài hoa người Nghệ này.

 

Cũng hiểu và được nghe nói nhiều về những đóng góp to lớn của ông trong đào tạo, bồi dưỡng, dìu dắt các thế hệ nghệ sỹ trưởng thành. Nhiều người đã thành danh từ chính những nấc thang, những bước đi chập chững trong làng âm nhạc cũng nhờ tài năng, trí tuệ và hơn hết là nhiệt huyết, sự tận tâm, vì thế hệ trẻ, vì nền âm nhạc Việt Nam của NS An Thuyên. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ, mình biết nhiều tới ông và yêu mên ông đơn giản chính từ những ca khúc ông viết về quê hương, về văn hóa đất nước, về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc mình – Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Nhạc sĩ An Thuyên

 

Người ta thường nói: Văn chính là người. Với nhạc sỹ An Thuyên, tôi thấy được sự hồn hậu, gần gủi qua các ca từ của ông. Mộc mạc, giản dị nhưng sâu đậm nghĩa tình, trần đầy cảm xúc. Sự sâu nặng ân tình với quê hương, với những vùng quê ông đến cùng với sự thăng hoa của cảm xúc đã giúp nhạc  sỹ viết nên những ca khúc bất hủ, và sống mãi với thời gian.

 

Sinh ra và lớn lên ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, cũng như nhiều người con xứ Nghệ, ông đã đươc sống, được họa mình vào những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm, không chỉ mang hơi thở cuộc sống, gần gũi với người dân lao động, mà còn là những lời tâm tình hết sức ý nhị mang cốt cách riêng của người dân xứ Nghệ.                                                                    

 

Với khát vọng khai mở một lối đi mới trong âm nhạc đương đại, cùng với chất dân ca đã thấm sâu vào máu thịt mình, nhạc sỹ An Thuyên đã đưa âm hưởng dân ca vào dòng nhạc hiện đại một cách tinh tế và rất riêng. Cắt nửa vầng trăng/ Tôi làm con đò nhỏ/ Chặt đôi câu thơ/ Bẻ đôi câu thơ/ Tôi làm mái chèo lướt sóng. Sự phá cách, táo bạo trong cách dùng chệch chuẩn của An Thuyên cũng không khiến cho người nghe thấy nó xa lạ, quá hàn lâm, mà rất dân dã, thân quen.

 

Có hiểu và gắn bó thân  thuộc với ruộng đồng, với bờ tre, dòng sông, bến nước, với làng quê thuần Việt xứ Nghệ mới đưa An Thuyên đạt được những cung bậc cảm xúc đặc biệt và cống hiến cho người yêu nhạc những ca khúc bất hủ như: Ca dao em và tôi, Neo đậu bến quê, Tình làng quê. Với ông, tình quê hương không bao giờ cạn giống như niềm đam mê âm nhạc, đam mê khai mở lối đi mới cho dòng nhạc đương đại mang âm hưởng dân ca. 

 

Không chỉ có quê hương Nghệ An - nơi ông sinh thành, lớn lên và một thời gian dài gắn bó, mà tình yêu của người nhạc sỹ tài hoa này trải dài cùng với văn hóa các dân tộc, với những vùng đất mà ông đã đi qua. Nếu không hiểu sâu sắc, không gắn bó, không yêu văn hóa các dân tộc thì sẽ không bao giờ ông viết nên được những ca khúc: Chín bậc tình yêu, Thơ tình của núi hay, Huế thương, Hà Tĩnh mình thương hay Khi xe tăng qua miền quan họ.

 

Không biết đã có bao nhiêu nhà thơ, nhà văn, nhạc sỹ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. Nhiều ca khúc ca ngời Bác đã đi vào đời sống nhân dân, trở thành những sáng tác bất hủ đi cùng năm tháng và rất khó để cho các nhạc sỹ đi sau tạo được sự đột phá ở chủ đề này. Thế nhưng với niềm tự hào lớn của một người con quê hương trước một vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, với tất cả tình cảm dành cho Bác, nhạc sỹ An Thuyên đã đưa người nghe về với một đêm hát  phường vải, về với ký ức tuổi thơ của Bác bên dòng sông Lam trữ tình, thơ mộng nghe hát đò đưa. Vẫn chất dân ca mộc mạc nhưng ấm áp long người, một hình tượng nghệ thuật về lãnh tụ gần gũi, mang đâm cốt cách, văn hóa xứ Nghệ đã đi vào đời sống âm nhạc tự nhiên qua Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác.

 

Cái tình của An Thuyên cứ thế vấn vít không chỉ với quê hương, mà với nhiều vùng miền trong cả nước, nó trải rộng ra tình yêu đất nước vô bờ.

 

Khác với nhiều nhạc sỹ thuộc thế hệ vàng của nền âm nhạc Việt Nam, những cây đa, cây đề trong làng âm nhạc, thành danh nổi tiếng bởi những ca khúc đi cùng năm tháng của chiến tranh, nhạc sỹ An Thuyên nổi tiếng và được công chúng yêu nhạc biết và yêu mến bởi những ca khúc ông sáng tác trong những năm cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20 như: Ca dao em và tôi, Neo đậu bến quê, Huế Thương...  Đặc biệt có cả những ca khúc mới, rất mới như Tình làng quê. Dù trong dòng chảy âm nhạc đương đại, có sự hòa nhập, đan xen của nhiều trào lưu âm nhạc khác nhau, thị hiếu âm nhạc cũng đa dạng phong phú hơn, nhưng An Thuyên vẫn thủy chung và vẫn làm nên những kỳ tích với con đường riêng của mình bằng âm hưởng dân ca mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Điều lạ là những ca khúc của ông được tất cả mọi đối tượng, mọi lứa tuổi yêu mến và thân thuộc.

 

Dù đã ở cái tuổi được nghỉ ngơi và những công hiến xuất sắc cho nền âm nhạc dân tộc của ông đã thực sự xứng đáng, nhưng ông vẫn luôn miệt mài, say mê sáng tác  và dàn dưng nhiều chương trình lớn. Chính vì thế, mà khi nghe tin ông đột ngột qua đời, không chỉ người thân, bạn bè, đồng nghiệp, mà tất thảy công chúng yêu nhạc đều sửng sốt. Ông từ giã cõi tạm về neo đậu bến quê, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với những người yêu nhạc. Nền âm nhạc Việt NAm mất đi một nhạc sỹ tài hoa, quê hương Nghệ An mất đi một người con ưu tú. Mặc dù vậy, ông và những ca khúc mang đậm tình quê hương đất nước của ông sẽ sống mãi cùng thời gian. Mỗi khi cất lên những ca từ mộc mạc mang âm hưởng dân ca đó, người ta sẽ luôn nhớ và yêu hơn người nhạc sỹ xứ Nghệ tài hoa, trọn cuộc đời cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam.

 

 

(Thanh Huyền)