Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Văn học Việt Nam vẫn trông chờ tác phẩm đỉnh cao

09:00, 12/07/2015
"Nhiều nhưng chất lượng chưa tương xứng"- đó là thực tế sáng tác văn học trong hơn 20 năm trở lại đây.

 

Trong khi đó, cơn sốt những “ngôi sao”, thần tượng trong làng văn với những tác phẩm bán chạy nhất lại đang chi phối thị hiếu phần lớn độc giả cũng như giới truyền thông. Vì thế mà trong nhiệm kì mới, Hội Nhà văn Việt Nam đã đề ra mục tiêu: "Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng và nghệ thuật". Đó cũng là điều thôi thúc đối với nền văn học nước nhà.

 

Ông Trần Quang Quý, Phó Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho biết: mỗi năm đơn vị này xuất bản từ 800- 1000 đầu sách. Tuy  tăng về lượng nhưng chất lượng lại chưa tương xứng, phần lớn là những cây bút nghiệp dư, số sách của các tác giả chuyên nghiệp chưa nhiều.

 

van hoc viet nam van trong cho tac pham dinh cao hinh 0
Số lượng các tác phẩm ấn hành ngày càng nhiều nhưng thiếu những tác phẩm thực sự ấn tượng.

 

Ông Trần Quang Quý cho biết: “Ít nhất là qua các giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam hoặc qua các giải của các nước, các tờ báo vẫn có đều đặn nhưng không khí sáng tác trong giai đoạn vừa qua thì xu thế những người trẻ vẫn có thành tựu khá hơn. Nó thể hiện sự đổi mới, vươn lên.”

 

Có thể thấy thành tựu của văn học trong hơn 20 năm qua chưa tương xứng với tiềm năng. Sau tiếng vang của những tác phẩm như: "Nỗi buồn chiến tranh", "Mảnh đất lắm người nhiều ma", "Thời xa vắng"... của những cây bút Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp... các nhà văn Việt Nam vẫn sáng tác đều đặn nhưng chưa thực sự ấn tượng.

 

Trong khi đó, dòng văn học thị trường, đề cao chức năng giải trí xuất hiện ngày càng nhiều, thậm chí "như nấm mọc sau mưa". Những cây bút gắn liền với dòng văn học này chủ yếu mới chỉ mười tám đôi mươi nhưng đã tạo nên những hiện tượng trong giới xuất bản cùng nhiều tác phẩm được tái bản với tốc độ chóng mặt. Tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ của Anh Khang được tái bản một tuần sau khi phát hành và đã in đến lần thứ tư với tổng cộng hơn 20.000 bản. Dương Thuỵ là một “hiện tượng xuất bản” khác với số lượng sách tái bản không kém, như Oxford thương yêu tái bản 11 lần với 44.500 bản...

 

Lý giải điều này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Nhơn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Văn học thị trường hình thành và phát triển nhờ sự phát triển kinh tế, công nghệ thông tin, đặc biệt là sự quảng cáo, PR hết sức chuyên nghiệp. Văn học thị trường cũng có những hạn chế của nó ví dụ như còn khá đơn giản về cốt truyện, đề tài...nhưng nó cũng đáp ứng được nhu cầu giới trẻ. Quan trọng nhất nó được quảng bá một cách khoa học, tinh vi.”

 

Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: Nếu không có chiến lược thích ứng thì văn học thị trường sẽ phát triển đến mức lấn át những tác phẩm văn học có giá trị đích thực.

 

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp cho biết: “Hiện tượng sách thị trường, hay gọi cách khác là sách thương mại, những loại sách đề cao chức năng giải trí đã lan tràn, không chỉ ở Hà Nội, TP HCM mà còn đến cả những làng quê, khu công nghiệp. Rõ ràng đó là một hiện tượng rất đáng báo động. Người ta quên đi những tác phẩm văn học đích thực, quên đi truyền thống văn hóa trong các tác phẩm nổi tiếng của cha ông ta, những tác phẩm ưu tú của nhân loại. Điều đó, sẽ dẫn tới hậu quả là người ta chỉ biết đến cái gì là trước mắt, là hiện tượng. Mà sự phát triển đầy đủ của một nhân cách đòi hỏi sự đầu tư về giáo dục, về trí tuệ, về văn hóa dầy công hơn rất nhiều.”

 

 

van hoc viet nam van trong cho tac pham dinh cao hinh 1
Tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là một trong những tiểu thuyết xuất sắc của văn học thời kỳ đổi mới.

 

Để có những tác phẩm xứng tầm, ngoài nỗ lực xả thân của mỗi nhà văn, điều quan trọng là phải tạo ra lộ trình cho sự đổi mới được tiếp tục ở mức độ sâu rộng hơn, chắc chắn và sáng tạo hơn. Một trong những yếu tố đó, theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chính là hỗ trợ, tìm kiếm những cây bút trẻ, sáng tạo như hình thức để duy trì việc đào tạo ra một nhóm nhỏ tinh hoa để nuôi dưỡng bộ phận văn học tinh hoa.

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Trước hết là kiếm tìm những tiếng nói mới một cách mạnh mẽ hơn nữa, làm cho nền văn học trở nên sống động, đa dạng, phong phú và thực sự đổi mới. Mỗi nhà văn bằng tất cả tài năng cũng như sự riêng tư của mình nhưng phải kết nối với toàn bộ cộng đồng, những vấn đề cộng đồng đang phải đương đầu, đang phải thách thức: những vấn đề bạo lực, nhân cách, những vấn đề của sự vô cảm con người. Rộng lớn hơn là những vấn đề sống còn của dân tộc. Thứ nữa là vấn đề của nhà văn, phải đầu tư hơn nữa cho các nhà văn trẻ vì ở đó chứa đựng những tiềm năng lớn”.

 

Kiếm tìm tiếng nói mới luôn là sứ mệnh của văn học. Một học giả từng nói: "lạc đường sẽ có những hình ảnh mới, còn nếu đi theo con đường cũ thì chỉ bắt gặp những hình ảnh quen thuộc". Điều đó hẳn đúng không chỉ với văn học, bởi ý thức chiếm lĩnh cái mới, cái lạ luôn gắn liền với sự đổi mới của mỗi cá nhân./.

 

(Theo VOV)