Đốt vàng mã: Khi văn hóa tâm linh bị biến tướng
Đi lễ đền chùa đầu năm từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam. Thế nhưng, từ lễ bạc lòng thành, giờ đây không ít người đã làm biến tướng việc đi lễ đền, chùa. Từ một nét văn hóa truyền thống giờ đây đi lễ chùa đang trở thành một hoạt động mê tín dị đoan khi tiêu tốn rất nhiều tiền bạc vào các vật phẩm vàng mã.
Vàng mã được hóa sau khi dâng lễ. |
Mới đầu giờ sáng, nhưng những người phụ nữ chuyên phụ trách việc hóa vàng mã tại đền Ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên đã rất tất bật. Không riêng gì những ngày này, mà từ ngày mùng 1 tết, 6 người trong tổ phục vụ của đền luôn phải luân phiên nhau canh trực tại đây để đảm bảo việc đốt vàng mã, hình nộm cho các du khách về cúng lễ tại đền.
Bà Lê Thị Minh – Tổ phục vụ đền Ông Hoàng Mười – Huyện Hưng Nguyên bộc bạch: Dịp đầu năm công việc vất vả lắm, mấy chị em trong tổ thay nhau làm ngày làm đêm, có những hôm ngủ không được 2 tiếng.
Đi kèm các vật phẩm như hương hoa, quả phẩm thì không ít người còn dâng lễ rất lớn với vô số vàng mã đủ chủng loại, kích thước từ tiền vàng... |
...cho tới hình nhân thế mạng, xe hơi, nhà lầu, voi, ngựa |
Cứ vào dịp đầu xuân, nhiều người tập trung đi lễ đền, chùa cầu tài, cầu lộc cho năm mới. Và đi kèm các vật phẩm như hương hoa, quả phẩm thì không ít người còn dâng lễ rất lớn với vô số vàng mã đủ chủng loại, kích thước từ tiền vàng, hình nhân thế mạng cho tới xe hơi, nhà lầu, voi, ngựa, ,...Kinh phí cho số hàng mã có thể từ vài chục, vài trăm nghìn cho tới hàng chục triệu đồng chỉ để sau khi lễ thành thì mang đi đốt! Và dù người dân biết rằng cúng vàng mã có những mặt hạn chế nhưng vẫn khó lòng bỏ qua thủ tục này mỗi khi đi đền, chùa.
Chị Lê Anh Đào – Thành phố Vinh cho biết: “Theo quan điểm của mình thì đốt vàng mã thì gây ô nhiễm môi trường, không tốt lắm, nhưng mà theo tâm lý chung ai đi cũng đốt nên mình cũng đốt”.
Những hình nộm lớn cũng được đưa đi hóa sau khi dâng lễ... |
Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của việc lạm dụng tín ngưỡng, biến tướng hình thức dâng lễ đầu năm, mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản số 31 đề nghị các Phật tử bỏ tục đốt vàng mã. Chủ trương mới này được ban quản lý các khu du lịch văn hóa tâm linh ủng hộ. Đơn cử như đền Ông Hoàng Mười, nơi hội tụ của hàng chục nghìn lượt du khách thập phương đến vãn cảnh, dâng lễ đầu xuân thì việc hạn chế đốt vàng mã là điều nên thực hiện.
Ông Nguyễn Kim Khánh – Phó Ban quản lý đền Ông Hoàng Mười – Huyện Hưng Nguyên cho biết: Du khách đến đây còn có quan niệm dùng nhiều đồ mã, ở đây lượng khách rất đông, mỗi người thêm 1 ít đồ mã nữa thì cũng rất nhiều rồi. Mong muốn mọi người khi đi lễ bằng cái tâm, những vật phẩm mang theo như vàng mã cần phù hợp, không nên dùng nhiều.
Tín ngưỡng, tâm linh của mỗi người là hoàn toàn tự do, và văn hóa tâm linh thì không có phán xét đúng hay sai. Tuy nhiên, cần thực hiện tín ngưỡng đó sao cho an toàn, tiết kiệm mà không mất đi bản sắc văn hóa dân tộc, không trở thành hoạt động gây phản cảm. |
Xuất phát từ tư duy “Trần sao âm vậy” mà việc cúng tiền vàng, vật chất mô phỏng bằng giấy được người dân xem trọng. Tín ngưỡng, tâm linh của mỗi người là hoàn toàn tự do, và văn hóa tâm linh thì không có phán xét đúng hay sai. Tuy nhiên, cần thực hiện tín ngưỡng đó sao cho an toàn, tiết kiệm mà không mất đi bản sắc văn hóa dân tộc, không trở thành hoạt động gây phản cảm. Ngoài ra, còn tránh được những rủi ro không đáng có như hỏa hoạn, mê tín dị đoan, ô nhiễm môi trường…
Phương Thảo - Quốc Toàn