Lưu giữ văn hoá dệt thổ cẩm ngày Tết của đồng bào dân tộc
Mỗi dân tộc có trang phục truyền thống đặc trưng riêng. Huyện miền núi Quỳ Hợp hiện có hơn 52% đồng bào dân tộc Thái, Thổ tập trung ở 14 xã vùng cao, các chị em dân tộc Thái đều duy trì được nghề dệt Thổ cẩm để phục vụ nhu cầu của gia đình và từng bước tiếp cận thị trường để các sản phẩm làm ra trở thành hàng hóa.
Để chuẩn bị những bộ trang phục sặc sỡ mặc trong ngày Tết cổ truyền cũng như vào dịp lễ hội mùa Xuân, từ nhiều tháng qua, nhiều chị em phụ nữ người Thái của huyện Quỳ Hợp đã tất bật thêu dệt các sản phẩm để làm đẹp cho gia đình mình và phục vụ thị trường.
Trang phục mang đậm nét truyền thống của người Thái, huyền Quỳ Hợp. |
Chị Lô Thị Lương ở bản Trung Thành, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp chia sẻ: "Phụ nữ Thái chúng tôi từ bao đời nay thì có truyền thống dệt Thổ cẩm để phục cho ngày Tết, ngày lễ, để vui xuân, đón Tết. Dệt thổ cẩm lúc nông nhàn vừa để cho các con, các cháu tiếp tục học tập để giữ gìn truyền thống dệt thổ cẩm của dân tộc, vừa tăng thêm thu nhập".
Cũng như chị Lương, nhiều chị em phụ nữ ở xã vùng cao Châu Thái cũng đang tất bật hoàn thiện các bộ trang phục truyền thống để phục vụ cho gia đình mình cũng như giao cho khách hàng. Mỗi bộ trang phục của người Thái phải làm cầu kỳ, tỉ mỉ, đặc biệt là chân váy, khăn Piêu đội đầu, thắt lưng phải làm liên tục trong một tháng mới hoàn thiện. Mỗi bộ trang phục có giá trị khoảng 1,5 triệu đồng, còn các loại chăn, ga tùy vào nhu cầu của khách đặt. Nhiều phụ nữ từ miền xuôi lên lập gia đình tại vùng Thái Học cũng đã học nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào nơi đây.
Chị Phan Thị Miên ở bản Cố, xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp tâm sự: "Tôi từ Nghi Lộc lên đây phải học từ lời ăn tiếng nói, học hỏi truyền thống dệt cái váy cho đến cái khăn. Tôi làm được tất cả các sản phầm rồi giờ tôi lại bày lại cho con gái để lưu giữ truyền thống gia đình".
Truyền thống dệt vải vẫn được người phụ nữ Thái lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau. |
Để nghề dệt thổ cẩm của người Thái không bị mai một trong 3 năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quỳ Hợp đã phối hợp với các Trường trung cấp nghề trong tỉnh Nghệ An mở được hơn 10 lớp đào tào nghề dệt thổ cẩm và hỗ trợ 40 khung dệt thổ cẩm cho 8 xã vùng đặc biệt khó khăn, với tổng trị giá hỗ trợ gần 400 triệu đồng. Sau đào tạo nghề nhiều chị em đã phát huy hiệu quả.
Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quỳ Hợp đã phối hợp với các Trường trung cấp nghề trong tỉnh Nghệ An mở lớp đào tạo nghề dệt cho người dân. |
Bà Ngô Thị Hiên - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳ Hợp cho biết: "Sau khi đào tạo nghề, các chị thực sự cố gắng và trau dồi nghề của mình và hiện một số chị em đã có sản phẩm như váy áo, chia phà, túi rồi các vật dụng trong ngày lễ, Tết phục vụ du khách. Trên tinh thần đó, phần nào tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho chị em ngoài sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khôi phục được nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái".
Nghề dệt thổ cẩm ngoài tăng thu nhập cho chị em phụ nữ lúc nông nhàn, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc Thái, hướng đến xây dựng làng nghề trong xây dựng Nông thôn mới.
Trang phục của mỗi dân tộc thiểu số mang một nét đặc trưng riêng... |
...Mang đến nét đẹp riêng cho người phụ nữ dân tộc khi Tết đến Xuân về. |
Trao đổi với phóng viên, bà Vi Thị Hoa - Phó Trưởng phòng Văn hoá – Thể thao huyện Quỳ Hợp cho biết: "Dân tộc Thái Qùy Hợp nói riêng và miền Tây Nghệ An nói chung thì đang còn lưu giữ được nghề truyền thống dệt thổ cẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong thời gian tới, huyện Qùy Hợp có đề án huyện điểm văn hóa và các đề án đưa việc sử dụng sản phẩm thổ cẩm và mặc trang phục dân tộc vào các ngày lễ, Tết, xây dựng thêm làng nghề bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống đặc thù".
Mặc dù hiện nay bị giao thoa văn hóa, nhưng nghề dệt thổ cẩm và sử dụng váy áo truyền thống trong dịp lễ, hội và ngày Tết của đồng bào Thái, Thổ ở Quỳ Hợp vẫn được duy trì và phát huy góp phần tô điểm thêm nét đẹp dịu dàng, duyên dáng của người phụ nữ trong dịp Tết đến, Xuân về./.
Thu Hường - Đài TTTH Quỳ Hợp