Văn hoá rượu cần của người Thái ngày Tết
Khi có việc trọng đại như: khánh thành nhà mới, vui lễ hội Tết đến xuân về hay có khách quý đến nhà chơi… người dân tộc Thái luôn đưa rượu cần ra thiết đãi khách, bà con làng bản. Nghề làm rượu cần truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở Quỳ Hợp nổi tiếng thơm ngon và được nhiều nơi trong cả nước biết đến.
Rượu cần (Tiếng Thái gọi là lầu xạ) là tên gọi loại rượu ủ trong chum, không qua chưng cất, khi uống phải dùng cần làm bằng thân cây trúc hoặc dây mây đục thông lỗ để hút rượu. Người Thái ở Quỳ Hợp làm rượu cần với các loại nguyên liệu gồm men, chất tinh bột (gạo, ngô, sắn..), lá rừng và vỏ trấu. Vì vậy, rượu cần còn có tên gọi là rượu trấu.
Cách làm men tự nhiên của người Thái vùng Thái Học, Quỳ Hợp. |
Theo cách làm truyền thống, ủ rượu cần thực hiện theo các bước: Trộn chất bột (gạo, ngô, sắn…) với vỏ trấu đem hông chín, vớt ra để nguội. Vỏ trấu phải được đãi kỹ để lựa sạch trấu nhỏ, khi uống không gây tắc cần. Lấy men giã thành bột mịn đã chuẩn bị từ trước. Tất cả trộn đều, bỏ vào chum, nén chặt, dùng hồ tro trộn với bùn đất đắp lên miệng chum cho thật kín, hoặc lá chuối hơ qua lửa rồi phủ một lớp nilon buộc chặt lại để khoảng 1 tháng sau thì uống được. Nhưng rượu để càng lâu càng ngon, sau khoảng một năm, nếu chưa uống thì mở ra, nén lại và tiếp tục bổ sung các nguyên liệu vào phía trên, nếu để được trên 3 năm thì rượu sẽ có màu đỏ sẫm và đặc sánh như mật ong, uống rất thơm nồng.
Sắn được hông lên với trấu khoảng 15 đến 20 phút đổ ra để nguội rắc men ủ... |
... Bỏ men ủ vào chum là hoàn thành công đoạn nấu rượu. |
Rượu cần được uống trong các ngày lễ, tết, tiếp khách quý hoặc có các công việc như làm nhà, đám cưới, đám tang, làm vía… Uống rượu là một sinh hoạt văn hóa của người Thái. Uống rượu cần thường có từ 2 người trở lên và có những quy định riêng. Trước khi uống rượu cần, gia chủ bắt buộc phải làm thủ tục cúng chum rượu. Người được chọn làm thủ tục cúng thường là người già, có uy tín trong bản. Nội dung cúng thường là mời thần thổ địa, thành hoàng, tổ tiên đến để trình báo sự việc mở rượu, sau đó mời uống rượu để phù hộ.
Ông Lô Đặng Mùi - Bí thư chi bộ bản La, xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp cho biết: "Truyền thống nấu rượu cần của người dân bản La, xã Châu Thái có từ xưa do cha ông để lại. 100% hộ ở đây đều biết làm rượu cần. Đặc biệt vào đêm 30 Tết, mỗi gia đình phải có 1 vò rượu nhỏ để cúng bái tổ tiên và các thành viên gia đình cùng uống giao lưu đón giao thừa".
Trước khi uống rượu một người già có uy tín trong nhà được cử ra để cúng chum rượu. |
Uống rượu cần cũng có luật riêng. “Luật” uống rượu cần là những quy định thống nhất về số người uống, thời gian uống, mức uống, mức phạt, được giao cho người làm “cham” điều hành. Số lượng người uống được tính từ lượt đầu tiên và lượt kết thúc, có bao nhiêu cần thì bấy nhiêu người uống. Nhiểu người hơn thì có thể chia thành đợt.
Về thời gian uống, có 2 công cụ đo thời gian, đó là phong và gáo hoặc chén múc nước. Phong rượu cần của người Thái là chiếc sừng trâu được gọt cắt cho mỏng dùng để đựng nước. Ở phía dưới đáy phong có dùi một lỗ nhỏ cho nước chảy. Khi múc nước “cham” lấy ngón tay bịt lỗ. Khi đo thời gian uống “cham” thả ngón tay cho nước chảy. Thời gian nước chảy và đong nước chính là thời gian người uống được phép uống. Cách đo thời gian là lấy gáo múc và đổ nước từ từ vào phong, kể cả phong đã đầy thì cũng phải đổ đúng 5 lần.
Uống rượu cần có tính tập thể vui vẻ tăng tính cộng đồng đoàn kết. |
Nói thêm về nghề làm rượu cần của địa phương, ông Lô Minh Soát - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp chia sẻ: "Xã Châu Thái dân tộc thiểu số chiếm 74%, đặc biệt cụm Thái Học có 10 xóm bản 100% là dân tộc thiểu số. Vùng này vẫn giữ được truyền thống làm rượu cần. Rượu cần của người dân Châu Thái không chỉ được thị trường trong tỉnh ưa chuộng mà nhiều tỉnh, thành khác như: Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội... cũng tìm đến đặt mua. Chúng tôi khuyến khích bà con làm rượu cần bằng men lá để tạo hương vị rượu đặc trưng của địa phương, tạo giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói nghèo tại địa phương".
Nghề làm rượu cần và thưởng thức rượu cần là một nét văn hóa ẩm thực sinh hoạt cộng đồng độc đáo, được nhiều người Thái ở Quỳ Hợp lưu giữ phát triển đến ngày nay. Giao lưu văn hóa rượu cần không chỉ người Thái mà người Kinh, người Thổ và nhiều dân tộc khác cũng sử dụng tăng tình gắn bó đoàn kết cộng đồng, nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Trong ngày lễ hội rượu cần được mở ra thiết đãi khách quý, níu giữ chân người... |
Bà Vi Thị Hoa, Phó trưởng phòng Văn hoá - Thể thao Quỳ Hợp cho biết: "Văn hóa rượu cần của người Thái không chỉ mang tính vật chất mà còn biểu trưng cho tinh thần, tính cộng đồng của người Thái bởi luật tục và tính tập thể khi thưởng thức rượu”.
Một mùa Xuân mới đã về, chum rượu cần người Thái mở ra thiết đãi khách quý, anh em họ hàng và bà con dân bản cùng với điệu suối, câu lăm và tiếng cồng chiêng rộn rã ngân vang, mang đến niềm hy vọng năm mới ấm no, hạnh phúc trên tất cả các bản làng./.
Thu Hường – Đài TTTH Quỳ Hợp