NSND Tiến Dũng: "Tìm về miền ví giặm" và trách nhiệm trao truyền di sản
Câu chuyện "Tìm về câu ví giặm" trong hành trình 40 năm ca hát, sáng tác và nghiên cứu văn hóa dân gian của NSND Tiến Dũng đã chuyển tải một thông điệp quý giá: Sự trao truyền di sản ví giặm phải liên tục, thường xuyên không chỉ ở nghệ nhân, nghệ sỹ mà ở cả cộng đồng.
Tối nay (29/9), Đài PT-TH Nghệ An đã tổ chức đêm nhạc: Nghệ sỹ nhân dân Tiến Dũng – Tìm về câu ví giặm nhân kỷ niệm 40 năm người nghệ sỹ này gắn bó với di sản văn hóa ví giặm.
Tới dự đêm nhạc các đ/c: Nguyễn Thế Trung – Nguyên Ủy viên TƯ Đảng, Nguyên Trưởng Ban Dân vận TƯ; Trần Văn Hằng – Nguyên Ủy viên TƯ Đảng, Nguyên trưởng Ban đối ngoại TƯ, Lê Minh Thông - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các Sở, ban ngành cấp tỉnh, bạn bè, đồng nghiệp, người thân cùng đông đảo khán giả yêu giọng hát NSND Tiến Dũng.
Đại biểu dự Đêm nhạc NSND Tiến Dũng - Tìm về miền ví giặm |
Chương trình được THTT trên sóng NTV, kênh Youtube Nghệ An TV và livetream trên facebook Truyền hình Nghệ An.
Lãnh đạo tỉnh, đơn vị tổ chức và nhà tài trợ tặng hoa chúc mừng NSND Tiến Dũng |
Câu ví giặm thấm đẫm trong tâm hồn một “Kỹ sư địa chất”
Trước khi gắn bó với âm nhạc, ít ai biết NSND là một kỹ sư địa chất “xịn”. Ông gọi dân ca ví giặm là “duyên đời”. Từ một kỹ sư địa chất, rồi trở thành một ca sỹ, một người sáng tác, một người nghiên cứu và là một nhà quản lí văn hóa, ở vai trò nào, ông cũng được nhận “duyên”, đó là sự yêu mến của khán giả, của đồng nghiệp và đặc biệt, là nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ cùng tìm đến câu ví giặm như ông.
Khán phòng chật kín trong đêm nhạc NSND Tiến Dũng - Tìm về miền ví giặm |
Có lẽ bởi vậy mà đêm nhạc được mở đầu bằng giọng ví ân tình: Người ơi, nhìn núi nhìn sông thêm nhớ nguồn nhớ cội/ Qua cơn sóng dội - ắt tới hội rồng mây/ Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/ Sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình”... để gọi khúc ca của “Sông Lam tình mẹ” (Sáng tác: NSND Tiến Dũng do Quế Thương – Thế Anh và Đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An biểu diễn), và nối tiếp bằng ca khúc “Trở về xứ Nghệ” – Một sáng tác của ông phổ thơ Thạch Cầu do ca sỹ Bùi Lê Mận thể hiện đã đưa khán giả cùng trải nghiệm miền văn hóa ví giặm trong hành trình đam mê của người nghệ sỹ. Từ hát ví giặm cổ đến soạn lời mới, NSND Tiến Dũng đã để lại cho kho tàng dân ca Ví Giặm những tác phẩm có cấu trúc làn điệu, kết hợp với hình thức thể hiện khá phong phú.
NSND Tiến Dũng thể hiện tác phẩm “Một lòng đợi bạn” do chính ông soạn lời; Âm nhạc: Thanh Lưu (Làn điệu hát Khuyên) |
NSND Tiến Dũng có một tuổi thơ không bình yên. Vốn quê gốc thuộc dòng họ Nguyễn Cảnh ở Thanh Ngọc – Thanh Chương, những biến cố của gia đình đã để lại trong ông nỗi buồn ẩn sâu, nhưng ông đã có thêm một đấng ân sinh để mang họ Phạm hôm nay. Hoàn cảnh gia đình, chữ duyên trong cuộc sống đã tạo một chiều sâu trong tâm hồn ông và có lẽ cũng vì thế mà khán giả đã được thưởng thức giọng hát “ngọt lừ” từ trong miền ví giặm.
Ca sỹ Bùi Lê Mận thể hiện ca khúc “Trở về xứ Nghệ” - Một sáng tác của NSND Tiến Dũng phổ thơ Thạch Cầu |
NSND Tiến Dũng xúc động chia sẻ tại đêm nhạc: Đêm nhạc đánh dấu 40 năm gắn bó với âm nhạc cũng là tiếng lòng của ông để tri ân hai dòng họ: Dòng họ Nguyễn Cảnh ở Thanh Chương và dòng họ Phạm ở Anh Sơn. Sinh ra ở Thanh Chương, lớn lên ở Anh Sơn, rồi trưởng thành ở một nơi khác, nhưng suối nguồn dân ca ví giặm đi dọc dòng sông Lam đều nặng nghĩa, ân tình.
Các thế hệ cùng NSND Tiến Dũng “Tìm về miền ví giặm”
Nói như thế chỉ trong một đêm nhạc là quá nhỏ bé, nhưng ít nhất, đêm nhạc hôm nay đã cho thấy sự trao truyền di sản ví giặm mà NSND Tiến Dũng có vai trò khá lớn.
NSND Tiến Dũng với ca khúc "Người về thăm quê" ( Sáng tác: Thuận Yến |
Trước hết là thế hệ thầy – trò. Học trò rất xuất sắc của NSND Tiến Dũng cũng là một NSND: Hồng Lựu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca Nghệ Tĩnh. Với nghệ sỹ Hồng Lựu, người thầy của mình là một con người chân chất, bình dị.
Với NSND Hồng Lựu, người thầy của mình - NSND Tiến Dũng là một con người chân chất, bình dị. |
Nghệ sỹ Hồng Lựu dí dỏm: Thầy Tiến Dũng "ngó lơ" tất cả gái xinh khóa 1 - khoa diễn viên của trường Cao đẳng VHNT Nghệ An mà chỉ chú ý đúng “chuyên môn”, ai hát ví giặm tốt nhất mà thôi. Và trong hành trình ví giặm của nghệ sỹ nhân dân Hồng Lựu, cái bóng của thầy vẫn vẹn nguyên như những lần hướng dẫn đầu tiên.
Ca sỹ Phạm Phương Thảo cũng là mối “duyên lành” đối với NSND Tiến Dũng, mặc dù chỉ làm việc một thời gian ngắn tại Đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An, khi đó, NSND Tiến Dũng làm trưởng đoàn, nhưng những trăn trở với câu hò điệu ví đã tiếp lửa cho Phương Thảo kiên định với con đường mà mình đã chọn: dòng nhạc dân ca.
Ca sỹ Sao Mai Phương Thảo cũng là mối “duyên lành” đối với NSND Tiến Dũng. Những đam mê của NSND Tiến Dũng đã giúp Phương Thảo kiên định với con đường mà mình đã chọn |
Và điều đặc biệt trong cái nôi âm nhạc của NSND Tiến Dũng chính là cả gia đình làm nghệ thuật. Chị Dư Thị Thủy – vợ NSND Tiến Dũng cũng từng là học trò của anh nhưng đã “chịu ở ẩn” để chăm lo cho tiếng hát của chồng, con thăng hoa. Hai người con, một trai, một gái đều là những cái tên “hot” trong thị trường âm nhạc hiện đại: Tiến Mạnh, Hương Tràm. Mặc dù, Tiến Mạnh, Hương Tràm theo đuổi dòng nhạc nhẹ, nhưng từ miền ví giặm của người cha, Tiến Mạnh, Hương Tràm đều đã hiểu những thông điệp sâu xa mà âm nhạc mang đến cuộc sống.
Ca sỹ Tiến Mạnh và Phương Thanh trong khúc "Miền Tây – một thời tuổi trẻ" (Sáng tác: NSND Tiến Dũng) |
Ca sỹ Hương Tràm với ca khúc "Hát trọn về anh" (Sáng tác: NSND Tiến Dũng) |
Hạnh phúc và thăng hoa là vậy. NSND Tiến Dũng lại có thêm một nốt “thăng” trong sự nghiệp của mình, ấy là con dâu của ông cũng là một ca sỹ dòng nhạc dân ca: Phương Thanh.
Ca sỹ Cảnh Tuấn, Cảnh Tình - những người em trai của NSND Tiến Dũng cũng đã hòa vào dòng ví giặm của người anh đêm nay |
Trong đêm nhạc “NSND Tiến Dũng – Tìm về miền ví giặm”, ngoài con trai, con gái, con dâu đều thể hiện các ca khúc do NSND Tiến Dũng sáng tác hoặc viết lời mới, thì hai người em trai của ông – ca sỹ Cảnh Tình, Cảnh Tuấn cũng đã hòa vào dòng ví giặm của người anh để đêm nhạc không chỉ đánh dấu mốc 40 năm âm nhạc của ông mà còn là sự nối tiếp của các các thế hệ.
Trách nhiệm trao truyền di sản ví giặm
Nhạc sỹ Lê Hàm: Xứ Nghệ chúng ta đang sở hữu một "món quà quý giá" - NSND Tiến Dũng. Bởi từ một ca sỹ trở thành một nhạc sỹ, và rồi là một nhà nghiên cứu, là rất khó tìm. |
Trao đổi tại đêm nhạc, Nhạc sỹ Lê Hàm khẳng định: Từ một ca sỹ trở thành một nhạc sỹ, và rồi là một nhà nghiên cứu, quả khó tìm. Xứ Nghệ chúng ta đang sở hữu một "món quà quý giá" - NSND Tiến Dũng. Hơn thế nữa, anh ấy lại "say" ví giặm. Trong tất cả ca khúc của anh, không thể không có ví giặm. Vì sao vậy? Vì yêu và vì trách nhiệm, điều đó thật đáng trân quý.
Khán, thính giả xứ nghệ đã yêu thương ca sỹ với những ca khúc: Đi trong Hương Tràm, Trăng khuyết, Giữa Mạc tư khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Người về thăm quê - những ca khúc đó đã làm nên tên tuổi ca sỹ Tiến Dũng thời ấy. Không dừng lại ở đó, ông cho rằng: Người hát dân ca phải có trách nhiệm trao truyền. Bởi vậy, sau này, ông đã đi sâu vào nghiên cứu soạn lời cho các điệu ví, dặm cổ để cho ra đời nhiều bài hát quen thuộc được nhiều người yêu thích như: Một lòng đợi bạn, Bần hát ghẹo, ví giận thương... Với ông, đó là mạch nguồn đam mê. Và khát vọng lớn nhất của ông là đưa dân ca ví dặm, đến những không gian diễn xướng gần gũi nhất, đời thường nhất. Và để thực hiện nghĩa vụ trao truyền cần nhất vẫn là biết cách yêu dân ca xứ Nghệ ở mọi lúc mọi nơi.
NSƯT Ngọc Hà & Đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An với ca khúc “Tìm về câu ví giặm” |
Đêm nhạc 40 năm con đường âm nhạc của NSND Tiến Dũng diễn ra đã quy tụ nhiều giọng ca tên tuổi của gia đình nghệ sỹ, và khán giả cũng đã được thưởng thức trọn vẹn nhiều ca khúc ca ngợi quê hương với những giai điệu quen thuộc được làm mới.
Lê Trang - Văn Nhân