Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tổng kết thí điểm cải cách hành chính theo cơ chế một cửa-một dấu

14:43, 20/08/2009
Ngày 19 tháng 6 năm 2008, Bộ Nội vụ có Báo cáo số 1803/BNV-CCHC về việc tổng kết thí điểm cải cách hành chính theo cơ chế một cửa-một dấu. Thông tin Cải cách nền hành chính Nhà nước xin đăng nguyên văn báo cáo

1. Về số lượng các địa phương thí điểm và thời gian triển khai

Qua rà soát, cả nước hiện có 2 địa phương được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, một dấu là thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Trà Vinh.

- Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành thí điểm cơ chế một cửa, một dấu từ năm 1997 theo tinh thần Công văn số 2331/CCHC ngày 13/5/1997 của Văn phòng Chính phủ và sau đó là Quyết định 972/1997/QĐ-TTg ngày 15/11/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến nay, Thành phố đã triển khai áp dụng thí điểm cơ chế này trên địa bàn 24 quận, huyện trực thuộc.

- Tỉnh Trà Vinh tiến hành thí điểm cơ chế một cửa, một dấu từ năm 1998 theo Quyết định số 60/1998/QĐ-TTg ngày 16/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến nay, tỉnh đã áp dụng thí điểm cơ chế này tại 2 đơn vị cấp huyện trực thuộc, đó là thị xã Trà Vinh và huyện Cầu Ngang.

2. Về nội dung thí điểm

- Hai địa phương có nhận thức chung, thống nhất về cơ chế một dấu, và cùng áp dụng thí điểm tại các Uỷ ban nhân dân cấp huyện trực thuộc. Theo đó, cơ chế một dấu là cơ chế có kết quả xử lý công việc của phòng, ban chuyên môn cấp huyện đều trên danh nghĩa và thể hiện thông qua một con dấu của Uỷ ban nhân cấp huyện theo hình thức uỷ quyền. Tuy nhiên, mức độ triển khai cơ chế một dấu trên thực tế tại 2 địa phương có khác nhau. Cụ thể là:

+ Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đồng loạt cơ chế một dấu tại 24/24 quận, huyện. Ngoài con dấu của Uỷ ban nhân dân các huyện, chỉ còn 3 phòng, ban có con dấu là Thanh tra, Ban Tôn giáo và Phòng Tư pháp. Các phòng, ban khác đều được thu hồi con dấu và sử dụng con dấu của Uỷ ban nhân dân cấp huyện để giải quyết và ban hành những văn bản thuộc lĩnh vực chuyên môn theo quyết định uỷ quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện.

+ Tỉnh Trà Vinh: thị xã Trà Vinh chỉ tiến hành thu hồi con dấu của 3 phòng: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Hạ tầng – Kinh tế; huyện Cầu Ngang chỉ rút dấu của 5 phòng (Văn hoá – Thông tin và Thể thao, Uỷ ban Dân số gia đình và trẻ em, Tư pháp, Nông nghiệp - Thuỷ sản, Hạ tầng – Kinh tế). Các phòng, ban được rút dấu khi giải quyết, ban hành những văn bản thuộc lĩnh vực chuyên môn được sử dụng con dấu của Uỷ ban nhân dân theo hình thức uỷ quyền. Các phòng còn lại vẫn còn con dấu riêng, hoạt động bình thường theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Các đơn vị (Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã của 2 tỉnh, thành phố) triển khai thí điểm cơ chế một dấu cũng đồng thời thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết, xử lý công việc theo thẩm quyền. Cụ thể như tổ chức thành lập, bố trí bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa tại Văn phòng HĐND và UBND, tiến hành niêm yết công khai, minh bạch các hồ sơ, thủ tục hành chính, lĩnh vực công việc, phí, lệ phí, thời gian giải quyết v.v…đáp ứng các yêu cầu của cơ chế một cửa.

3. Kết quả thí điểm

3.1. Những ưu điểm

Sau hơn 10 năm tiến hành thí điểm cơ chế một cửa, một dấu, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Trà Vinh đều thống nhất rút ra một số kết quả tích cực từ thí điểm như sau:

 Một là: Góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính của cơ quan hành chính nhà nước; giúp Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý, điều hành các công việc chuyên môn, nghiệp vụ của phòng, ban được thuận lợi, sâu sát hơn.

Hai là: Các phòng, ban có điều kiện chủ động giải quyết công việc thuộc thẩm quyền chuyên môn, nghiệp vụ (được ký thừa uỷ quyền Chủ tịch Uỷ ban nhân dân để giải quyết công việc).

Ba là: Đơn giản hoá quy trình, thủ tục xử lý, giải quyết đối với các công việc có tính chất đơn giản.

Bốn là: Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân khi đến cơ quan công quyền yêu cầu giải quyết công việc có liên quan.

3.2. Những hạn chế của cơ chế một dấu

Bên cạnh những ưu điểm, thực tiễn thí điểm cơ chế một dấu bộc lộ những hạn chế, bất cập khó giải quyết trong thời điểm hiện nay. Đó là:

Một là: Hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay chưa đồng bộ. Do đó, tính pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc thí điểm không chặt chẽ. Một số kết quả từ thí điểm hạn chế, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Theo đánh giá của 2 địa phương và Bộ Nội vụ, đây là hạn chế, bất cập lớn nhất của cơ chế một dấu.

Ví dụ về vấn đề này, cụ thể như khoản 2, Điều 31 Luật Giáo dục năm 2005 quy định “Học sinh học hết chương trình trung học cơ sở có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở”, v.v… Như vậy, đối chiếu với thí điểm cơ chế một dấu thì phát sinh 2 vấn đề:

+ Phòng Giáo dục do bị thu hồi dấu nên buộc phải sử dụng dấu của Uỷ ban nhân dân khi cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở cho học sinh. Như vậy, kết quả pháp lý của việc này là trái Luật Giáo dục.

+ Quyền lợi của học sinh được cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở bị ảnh hưởng đáng kể khi chuyển đến học tập, giao dịch dân sự tại một cơ sở giáo dục ngoài địa bàn tỉnh, thành phố nơi tiến hành thí điểm một dấu trong cấp bằng.

Do đó, nếu tiếp tục thí điểm cơ chế một dấu, có thể sẽ hạn chế quyền, lợi ích chính đáng của người dân, và điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu của cải cách hành chính nhằm phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. 

Hai là, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như tinh thần, phẩm chất đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu của cơ chế một dấu. Bản chất của cơ chế một dấu đề cao tính chuyên môn, nghiệp vụ rất cao đối với cán bộ, công chức, và chủ động trong phạm vi uỷ quyền của phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ, cho nên nếu không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu, dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền, hoặc lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để trục lợi trái pháp luật.

Ba là, việc áp dụng cơ chế một dấu dễ dẫn tới tình trạng quá tải của Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp huyện do phải xử lý, giải quyết đối với các văn bản của phòng, ban, mặc dù nhiều công việc chỉ đơn thuần về chuyên môn, nghiệp vụ đơn thuần, không phải mang tính tham mưu thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Bốn là, thực hiện cơ chế một dấu gặp khó khăn khi phải xử lý, giải quyết các công việc có tính chất phức tạp, đòi hỏi phải liên thông nhiều phòng, ban, cấp chính quyền cùng xử lý, giải quyết.

4. Bài học kinh nghiệm

Thực tiễn kết quả thí điểm cho thấy một số vấn đề sau:

- Cơ chế một dấu chỉ thích hợp và khả thi khi có hệ thống pháp luật đồng bộ, nhất là trong nền hành chính có sự phân cấp mạnh cho cá nhân cán bộ, công chức thẩm quyền xử lý, quyết định trực tiếp một hoặc một số công việc cụ thể mà không cần thông qua cấp quản lý trung gian.

-  Những kết quả tích cực của cơ chế một dấu không tách rời mà gắn liền với kết quả từ triển khai cơ chế một cửa. Đồng thời, một số hạn chế, vướng mắc về quy trình xử lý, giải quyết một số công việc phức tạp trước đây thì đã có hướng xử lý, giải quyết căn bản theo hình thức cơ chế một cửa liên thông quy định tại Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

5. Đề xuất kiến nghị

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá những ưu điểm, hạn chế của thí điểm, cũng như kiến nghị của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Trà Vinh về việc cho phép thôi thí điểm cơ chế một dấu, Bộ Nội vụ nhất trí kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho kết thúc thí điểm cải cách hành chính theo cơ chế một dấu ở 2 địa phương. Thay vào đó, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Trà Vinh có trách nhiệm tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, giống như các địa phương khác trong cả nước./.

 

(MT)