Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thanh Chương: Dấu ấn những con đường

09:11, 12/06/2010
(Truyền hình Nghệ An); Theo các bậc tiền bối, cả thời kỳ dài, địa thế huyện Thanh Chương là đất "tứ tắc". Không biết đúc kết này có ngụ ý gì khác, nhưng cái tắc về đường đi lại, giao lưu ra bốn phương thì đã rõ mười mươi. Từ huyện lỵ Thanh Chương, muốn xuôi Vinh hoặc "ngược Lường", chỉ có cách duy nhất là đi đò, nếu không đi đò dọc thì cũng phải qua đò ngang rồi mới có thể

 

Không hiểu vì sao một số con đường được gọi là "đường quan"? Có phải vì đó là con đường giành cho quan đi, hay đó là con đường được mở theo lệnh của quan(?). Chỉ biết đó là những con đường chính, hàng năm huyện, xã có tu sửa, rải sỏi đá để đỡ trơn trượt, dù vẫn lổm nhổm, ghồ ghề nhưng cứ đi đâu mà được đi trên "đường quan" là thuận lợi lắm rồi.

Khắp nơi trong huyện, giao thông đi lại thật khổ sở. Đường lầy lội, gập ghềnh, sông suối chia cắt, đâu cũng cầu tạm, cũng chờ đò. Từ Dùng mà đi công tác đến Hạnh Lâm, Thanh Lâm, Thanh Thủy... thì phải nghĩ đến chuyện nghỉ lại hôm sau mới về hoặc hôm trước đi để hôm sau họp... Đen đủi mà gặp trời mưa trên đường Hạnh Lâm, Thanh Thủy, Thanh Mai, nhất là Kẻ Chẻo - Thanh Tùng thì chỉ muốn quăng xe, quăng dép mà đi bộ!

 

 

 

 Lễ hội Đền Bạch Mã - Võ Liệt (Thanh Chương). Ảnh: Hà Lành


Nhớ một thời khá dài, người dân buồn, thắc mắc: Rất nhiều con đường ở Thủ đô và các thành phố lớn trên cả nước mang tên các danh nhân sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này như Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Thế Bình, Phan Nhân Tường, Nguyễn Tiến Tài, Đinh Bạt Tụy, Trần Tấn, Đinh Nhật Thận, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Sĩ Sách, Đặng Thai Mai, Đặng Thúc Hứa, Trần Đông Phong...

Vậy mà ở quê các danh nhân ấy lại không có đường đi... Dân cũng buồn khi trong các cuộc chiến tranh, có biết bao cơ quan, trường học, bệnh viện, xí nghiệp quan trọng của Trung ương, của Liên khu IV, của tỉnh về đóng trên quê mình - Thanh Chương là một "hậu cứ", dân từng chia ngọt, sẻ bùi, thủy chung, son sắt với cách mạng. Nay hòa bình đường sá không nên mà đi!

 

 

Lại nhớ năm 1984, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm, đến chợ Đàng - Thanh Xuân, bùn sục đến đầu gối, xe ô tô "pan" nằm tại chỗ. Dù mưa lội, trời đã tối, không điện, dân nhiều xã vẫn đổ về "xem" người con rể kính mến của quê hương và đẩy xe cho ông. Ông chan hòa trong niềm vui mừng nhưng không khỏi ngậm ngùi trước khó khăn giao thông đi lại của những người dân xứ Bích Hào.

Rồi chuyện ông Phan Văn Tích, nguyên Chủ tịch UBND huyện, khi giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh lên Cát Văn công tác, xe sa lầy; dân quý ông lắm, đưa hai con trâu đực ra kéo xe lên cho ông. Lại có chuyện hài hước có thật xẩy ra năm 2000: nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trương Đình Tuyển "vi hành" đến Thanh Tiên, Thanh Liên, đường lầy lội, xe ông bị kẹt, dân ra đào bới, chèn đá, bắc ván, đẩy giúp. Trong đám đông, có người dân nói trạng (mà như để nói cho ông nghe): Đường ra ri thì tỉnh lu thì lu, huyện lu thì lu chứ để dân lu thì khổ lắm! Là người Nghệ về "trấn thủ" đất Nghệ, ông nghe, ông hiểu, ông nhớ và ông chỉ đạo sửa bằng được đoạn đường này trước Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII...

 

 

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được khởi xướng từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) nhưng đối với giao thông ở Thanh Chương phải đến những năm cuối cùng của thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI mới có sự đổi thay rõ rệt.

 

 

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII năm 2000 là kỳ Đại hội đầu thế kỷ XXI. Sau Đại hội, Nghệ An đã có bước đột phá, đó là tỉnh chịu lãi suất ngân hàng, cho các huyện vay ứng xi măng làm đường giao thông nông thôn và kênh mương thủy lợi. Như trong cơn khát gặp nước dừa, như sự nén chịu đến "điểm", đến "độ", Thanh Chương như vùng lên để phá thế tứ tắc, là huyện tranh thủ được nhiều nhất cơ chế này.

Cả huyện náo nức bàn để tranh thủ cơ chế. Có những thôn xóm "lục hết gia phả", tìm hết con em mọi miền hỗ trợ thêm nguồn lực. Chỉ sau một năm, gần 600 km đường xi măng nông thôn, 488 km kênh mương xi măng được đầu tư xây dựng từ cơ hội này. Các xã Ngọc Sơn, Thanh Lĩnh, Cát Văn, Đồng Văn, Thanh Tiên, Thanh Dương, Thanh Lương, thị trấn...là những đơn vị đi đầu trong phong trào này. Đó là một dấu ấn đậm nét - rất đậm nét về đổi mới, về giao thông của huyện trong nhiều năm đầu của thế kỷ. Đó cũng là thành tích nổi bật để huyện được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc năm 2001.

 

 

Năm 2000, Nhà nước xây dựng đường Hồ Chí Minh; đoạn chạy qua Thanh Chương qua 11 xã của huyện với chiều dài 53 km. Người dân không tưởng tượng được sức mạnh khi tập trung nguồn lực của Nhà nước cho công trình chiến lược này.

Riêng nguồn vốn đền bù giải phóng mặt bằng cho công trình này trên địa bàn huyện đã lên tới gần 9 tỷ đồng, với hơn 200 gia đình. Có gia đình được Nhà nước đền bù với số tiền hàng trăm triệu đồng. Trên quê nghèo, đó là khoản tiền nằm mơ cũng chưa bao giờ thấy...

Đường được hoàn thành, thông xe cơ bản vào năm 2003. Những cầu Thanh Đức, cầu Khe Ác, cầu khe Su, cầu Khe Son, cầu Khe Chẹt, cầu sông Trai, cầu Đàng xuôi, cầu Đàng ngược,... cùng với con đường cấp 4 thảm bê tông nhựa hoành tráng, nối liền những vùng cư dân vốn xưa nay "cát cứ" sống đâu biết đấy, đã mở cho họ một tầm nhìn mới khi được giao lưu với mọi miền đất nước.

 

 

Có thể nói, một may mắn và hạnh phúc lớn cho huyện là cũng thời gian này, Nhà nước cho xây dựng đường 46A từ Cửa Lò, qua quê Bác, cầu Rộ, lên Cửa khẩu Thanh Thủy. Trên con đường đó, cầu Rộ là một điểm nhấn quan trọng. Nhiều trí thức, nhiều sĩ quan cao cấp nghỉ hưu cứ trầm trồ, khâm phục cho những nhà hoạch định.

Quả, đã có đường Hồ Chí Minh thì phải có con đường nối con đường mang tên Bác về quê Bác chứ. Con đường ấy đi qua làng Nguyệt Bổng, bến Rộ, nhà thờ họ Lê,...nơi mà thuở thơ ấu Bác Hồ đã theo cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lên vừa dạy học vừa đàm đạo thế sự.

Mãi sau này, trước lúc đi xa, Bác còn nhắc chuyện đó với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Bí thư Huyện ủy Thanh Chương. Tháng 5-2003, khởi công cầu Rộ, không thể nói hết niềm vui của mỗi người dân Thanh Chương. Khi nghe nói chỉ thi công trong một năm sẽ hoàn thành thì nhiều người không tin nổi; nghĩ rằng cứ cho là hai, ba năm gì đó xong là tuyệt vời lắm rồi. Vậy mà sau đúng một năm - ngày 19-5-2004, cầu chính thức đưa vào sử dụng.

 

 

...Đường giao thông đến đâu, văn minh về đến đó. Rừng xanh, núi thẳm, những "thôn cùng, xóm vắng" lên hương nhờ những con đường. Đường Hồ Chí Minh, đường 46A và cầu Rộ tạo ra một điều kiện tiên quyết, cơ bản để phá đi cái thế tứ tắc của huyện. Đường đi qua khu vực khó khăn đã làm cho sự giao lưu kinh tế, văn hóa, mà đầu tiên là mở mang tầm nhìn cho một bộ phận dân cư lâu nay đói thiếu thông tin.

Gà, măng, chè, sắn, cây nguyên liệu giấy,... ngồn ngộn cạnh các con đường. Một hệ thống hồ đập hữu ngạn ngủ quên bao ngày, nay "như những cô gái đẹp ngủ trong rừng", nằm trong tầm ngắm du lịch sinh thái. Trước năm 2000, đất trang trại, đất vườn ở Hạnh Lâm, Thanh Thủy có khi cho người ta không lấy, sau khi có đường, đất được tính bằng mét mặt đường, rồi tính bằng mét vuông với giá như đô thị.

 

 

Năm 2006, tỉnh thực hiện tái định cư cho một bộ phận nhân dân sống trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Hơn 40 km đường nhựa được xây dựng, dựa trên các đường lâm nghiệp cũ, liên kết giữa Thanh Thịnh, Thanh Hương, Hạnh Lâm. Đây cũng là một cơ hội để hệ thống giao thông vừa phục vụ dân sinh vùng tái định cư, vừa mở ra những con đường cho vùng hữu ngạn tới những trang trại vùng Cát Ngạn, Hoa Quân, đồn Biên phòng 559.

Cũng trong năm 2006-2007, đường từ trước cổng UBND huyện qua nhà máy sắn nối đường 15A được xây dựng. Cầu Yên Thượng, dù phải điều chỉnh, khảo sát, thiết kế hai lần nhưng cuối cùng đã nối lền hai bờ sông Gang. Tháng 5-2007, tuyến đường dọc biên giới được khởi công xây dựng. Đây là con đường có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ rừng, giữ biên cương của Tổ quốc và du lịch sinh thái sau này.

 

 

Nguồn lực của Thanh Chương chủ yếu nằm bên vùng hữu ngạn, dân số cũng chiếm phần lớn. Đường 533, chạy dọc huyện từ Cát Văn đến Thanh Lâm, qua 14 xã là "đường quan", nó có vị trí rất quan trọng. Năm 2002, đường lên trại 6, năm 2003, đoạn từ Ngã ba Đồng Du -Thanh Lĩnh lên Cát Văn được nhựa hóa. Từ đó, niềm khát khao nhựa hóa phần còn lại càng cháy bỏng. Ô tô, xe máy ngày càng nhiều, mặt đường ổ gà, ổ trâu, chỉ sửa chữa nhỏ không kịp.

Những ngày mưa, hai bên vệt bánh xe ô tô như hai hào giao thông, đi xe máy không vững không dám cầm lái, chỉ nhìn đã kinh hãi; những ngày nắng lên, bụi mù trời. Khách đi đường, nhất là hội họp, đình đám phải gói thêm một bộ quần áo để đến nơi mà thay. Hai bên đường, nhà cửa, cây cối nhuộm một màu ố bạc. Dân đưa những gộc cây, các vật cản ra đường để các phương tiện giảm tốc!

 

 

Với nguồn vốn vay gần 80 tỷ đồng của Ngân hàng ADB, đầu năm 2009, đường 533 từ Thanh Lĩnh đến Thanh Lâm được xây dựng. Đây trở thành một dấu ấn quan trọng của cả một nhiệm kỳ, tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.

 

 

Nét đáng nhớ khi xây dựng con đường này là Ban Thường vụ Huyện ủy đã chủ trương cho mở rộng đoạn đi qua trung tâm Rộ và Phuống, lập dự án xây tràn Cầu Nậy, Cầu Kho để giải quyết vấn đề thủy lợi của cụm Bích Hào. Tiếc là việc đề xuất nắn thẳng từ ngã tư Võ Liệt bám kênh thủy lợi xuống Thanh Long, qua đình Võ Liệt không được dự án chấp nhận!

 

 

Tháng 01 năm 2010, cả huyện Thanh Chương đã có hơn 450 km đường nhựa, 600 km đường xi măng nông thôn; huyện tiếp tục khởi công xây dựng đường từ Chợ Chùa qua Thanh Hòa - Thanh Nho - Thanh Đức nối đường Hồ Chí Mình, đường từ Quốc lộ 46 qua Thanh Đồng - Thanh Phong, nối Tràng Minh - Đô Lương; lập dự án xây dựng cầu treo tại bến Rạng, đường từ Ngọc Sơn vào vùng gạch ngói, từ đường Hồ Chí Minh vào vùng Đá Chông - Thanh Mai; dự án cứng hóa cầu Dùng,...

Tuyến xe buýt từ Vinh lên Dùng của Công ty Đông Bắc thông tuyến từ tháng 5-2009. Cảnh chen chúc mua vé "xe ca" đã trở thành "chuyện cổ tích" trong hoài niệm của "những người muôn năm cũ". Những con đường mới xây dựng dăm năm lại đã cảm thấy chật chội. Và trong một tương lai không xa, không chỉ đường Hồ Chí Minh mà đường 46 và một số tuyến khác chắc chắn sẽ được nâng cấp để đáp ứng với xe siêu trường, siêu trọng...

 

 

Hiện trong lưu trữ tư liệu ở Thanh Chương còn giữ được một số hình ảnh, tư liệu về những đoạn đường, những cây cầu, những con đò của một thời đã qua. Tại Võ Liệt, ngay bên đường 46, đoạn gần bãi Gia Hóp, còn hiện diện sự đối lập giữa con đường nhỏ xíu quấn bên con đường hiện đại. Thế hệ hôm nay có lẽ không cần hình ảnh, văn chương, họ chỉ nhớ lại mới cách đây không đầy mươi năm giao thông ở huyện như thế nào thì trong họ đã có những ấn tượng về những đổi thay của những tuyến đường.

 

 

Trong những năm tới, đất nước và quê hương sẽ có những đổi thay lớn lao và nhanh chóng hơn, trong đó giao thông vẫn tiếp tục là "đột phá khẩu". Giá mà có ai đó ghi lại được lịch sử về những con đường thì hay biết mấy; để góp phần cho con em huyện Thanh Chương hiểu được nỗi "Khi mô cho hết truông Dùng, cho qua truông Rạng, cho cùng truông Si"; hiểu về miền đất mẹ một thời dằng dặc "quê hương là đường đi ủng" để tự hào với hôm nay, trách nhiệm với ngày mai! Với người viết bài này, ghi lại một vài dấu ấn về giao thông của huyện "ngái ngôi chi mà anh nỏ về", mạo muội nghĩ có là một việc không thừa.

 

                                                                                                Anh Đặng