Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATVSLĐ

14:58, 25/03/2011
Những năm gần đây, công tác ATVSLĐ-PCCN tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, từng bước cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khoẻ cho người lao động, hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Tuy vậy, thực trạng chung của vấn đề ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại cần sự quan tâm, vào cuộc của tất cả các cấp ngành và toàn

 

 Cần chú trọng công tác ATVSLĐ ở các công ty, doanh nghiệp (Ảnh: Xuân Thống)           

Theo số liệu thống kê, trong năm 2010, trên địa bàn tỉnh xảy ra 72 vụ tai nạn lao động làm 68 người chết và bị thương. Chủ yếu các vụ tai nạn xảy ra tại các đơn vị, doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Trong đó, có nhiều vụ tai nạn rất thương tâm, mặc dù lao động chưa bị thiệt mạng nhưng lại bị tàn phế suốt đời, mất khả năng lao động hoàn toàn làm ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và vật chất của gia đình và bản thân người lao động. Cũng trong năm qua, trên 1.500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được thanh kiểm tra về công tác VSATLĐ. Thông qua kiểm tra, Ban chỉ đạo ATVSLĐ- PCCN đã lập biên bản 130 doanh nghiệp vi phạm, xử phạt hành chính nộp kho bạc nhà nước gần 300 triệu đồng. So với năm 2009, số vụ tai nạn lao động giảm 10%, số vụ cháy nổ giảm 36%, số người bị thương nặng và thiệt hại tài sản cũng giảm. Tuy nhiên, theo ông Phan Sỹ Dương- Phó GĐ Sở LĐTBXH, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi trên thực tế con số này có thể cao hơn nhiều bởi lý do một số DN cố tình không báo cáo với cơ quan chức năng khi có tai nạn lao động  xảy ra nên không thể thống kê hết được. Trong khi đó, công tác quản lý lao động, ATLĐ của cơ quan chức năng vẫn còn có sự buông lỏng.

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong công tác ATVSLĐ-PCCN ở tỉnh ta. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là ở nhiều nơi, người sử dụng lao động và bản thân người lao động chưa nhận thức đầy đủ quyền hạn, nghĩa vụ của mình đối với vấn đề ATVSLĐ. Nhiều DN, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, lắp đặt sửa chữa điện dân dụng... đã vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật an toàn; việc tuyển dụng lao động không qua đào tạo nghề còn phổ biến; việc thực hiện các quy định của pháp luật, chế độ chính sách về bảo hộ lao động chưa được thực thi nghiêm chỉnh, việc tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động chưa được đều khắp gây nhiều khó khăn cho  thống kê, phân tích, dự báo tình hình tai nạn lao động.

 

Điển hình như ở Công ty CP giấy sông Lam. Mặc dù lãnh đạo Công ty cũng đã rất quan tâm đến công tác ATVSLĐ, PCCN nhưng với đặc thù của đơn vị là làm việc theo chế độ 3 ca nên để tập trung CBCNV là rất khó. Vì thế, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hơn 130 CBCNV của đơn vị còn có những hạn chế nhất định. Năm vừa qua, ở đơn vị này vẫn xảy ra một vài vụ tai nạn lao động do sự bất cẩn của công nhân trong lúc làm việc. Tuy hậu quả không nghiêm trọng nhưng cũng phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động và uy tín của Công ty. Ông Lê Văn Thắng - Chủ tịch công đoàn Công ty CP giấy Sông lam cho biết: Do công nhân làm việc 3 ca nên tổ chức nề nếp gặp nhiều khó khăn, mặt khác nhận thức của một số công nhân còn xem nhẹ công tác ATVSLĐ, PCCN.

 

Kiểm tra an toàn lao động ở Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh (Ảnh: Xuân Thống)

 

Bên cạnh nguyên nhân do người sử dụng lao động và chính bản thân người lao động thì biện pháp quản lý lao động từ tỉnh xuống cơ sở cũng còn nhiều bất cập. Việc chỉ đạo, tuyên truyền, huấn luyện các quy định về pháp luật lao động, kiểm tra, thanh tra của các doanh nghiệp chưa thường xuyên và còn nặng tính hình thức. Mặt khác, các chế tài xử lý cũng chưa đủ sức răn đe đối với đơn vị vi phạm, nhất là đối với các doanh nghiệp có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp như: Khai thác khoáng sản; xây dựng; sản xuất chế biến vật liệu xây dựng… Điều này dẫn đến việc một số đơn vị vi phạm không thực hiện hoặc chây ỳ trước quyết định xử lý vi phạm của cơ quan chức năng. Đặc biệt, về phía các địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm chính về quản lý lao động là Phòng LĐTBXH thì lực lượng quá mỏng nên việc thực hiện thanh, kiểm tra không thể thực hiện thường xuyên hay nói cách khác là còn buông lỏng quản lý. Ông Lê Văn Thế - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Hưng Nguyên đề nghị tăng thêm biên chế để có người phụ trách riêng về mảng này.

 

Vì vậy, nâng cao hiệu quả quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động trước hết là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và các cấp, các ngành đối với công tác ATVSLĐ-PCCN. Qua đó đẩy mạnh các hoạt động cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạ lao động, cần đề cao vai trò của tổ chức công đoàn trong các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất của tổ chức công đoàn chính là triển khai và tạo thành phong trào quần chúng làm công tác bảo hộ lao động theo thông tư 02 năm 2007 của Tổng của LĐLĐ Việt Nam. Ông Lê Văn Đào - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An cho rằng: Tổ chức công đoàn phải có trách nhiệm trong việc tuyên truyền để người lao động có ý thức trách nhiệm với bản thân thì sẽ bảo vệ mình tốt hơn.

 

Rõ ràng, nếu số vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp càng giảm nhiều thì nhiều NLĐ và gia đình NLĐ sẽ không phải chịu những mất mát về tính mạng, sức khoẻ; DN sẽ không bị mất mát về tài sản. Đó chính là hạnh phúc của mọi gia đình và sự phát triển bền vững của DN.

 

(An Duyên)