Hiệu quả từ đề án “Tuyên truyền, PBPL cho phụ nữ nông thôn và dân tộc thiểu số”
Là thành viên câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” tại xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn, chị Nguyễn Thị Thảo cho rằng, từ ngày tham gia câu lạc bộ, chị đã biết ra nhiều điều về các nội dung luật liên quan đến “quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, phòng chống bạo hành gia đình... Và chính chị lại trở thành thành viên tích cực của câu lạc bộ trong việc tuyên truyền nội dung pháp luật đến tận từng hội viên.
Các hình thức mà Hội LHPN Nghệ An chú trọng để tuyên truyền phổ biến pháp luật cho chị em phụ nữ các cấp tại các địa bàn nông thôn, miền núi đó là phổ biến sâu rộng trên các phương tiện truyền thông đại chúng; qua mô hình câu lạc bộ và qua các buổi sinh hoạt Hội. Ngoài ra, Hội LHPN Nghệ An cũng đặc biệt chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ tuyên truyền có kiến thức chuyên sâu về bình đẳng giới. Trong hơn 1 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức được 5 lớp tập huấn về các nội dung: kỹ năng giám sát và phản biện xã hội; kiến thức về quyền phụ nữ; quyền trẻ em; luật hôn nhân gia đình; luật phòng chống bạo lực gia đình... cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật của 20 huyện, thành thị; phối hợp với Thanh tra tỉnh tổ chức tập huấn về luật khiếu nại tố cáo, kỹ năng, trình tự giải quyết khiếu nại tố cáo cho đội ngũ cán bộ Hội phụ nữ cơ sở. Bà Lê Thị Tám - Chủ tịch Hội LH Phụ nữ Tỉnh cho biết: Cứ mỗi chi hội có một tủ sách pháp luật để chị em tiếp cận với pháp luật, đồng thời, nhân các ngày truyền thống, Hội tổ chức lồng ghép các nội ung tuyên truyền phù hợp để chị em vùng sâu, vùng xa dễ hiểu và làm theo.
Ngoài ra, Hội LHPN Nghệ An còn chỉ đạo xây dựng 2 mô hình câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” tại xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn và xã Môn Sơn, huyện Con Cuông; các cấp hội tập trung xây dựng ít nhất một mô hình câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật. Các câu lạc bộ lồng ghép để tuyên truyền phổ biến pháp luật như: CLB phòng chống tệ nạn xã hội, CLB phụ nữ tự chủ, CLB người cha mẫu mực… Ngoài ra, các cấp hội cũng chủ động phối hợp với trung tâm chính trị, tư pháp cùng cấp tổ chức được 56 lớp tập huấn, gần 2.000 buổi diễn đàn sinh hoạt hội viên, sinh hoạt câu lạc bộ nâng cao kiến thức luật pháp chính sách liên quan đến phụ nữ trẻ em cho trên 150.000 lượt tuyên truyền viên, hội viên, phụ nữ...
Tuy nhiên, trong thời gian đầu thực hiện đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông dân và phụ nữ dân tộc thiểu số” vẫn gặp phải không ít khó khăn, đó là: mặt bằng dân trí chưa cao, chưa đồng đều... nên việc tư vấn giáo dục pháp luật rất hạn chế. Nhiều phụ nữ là người dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông nên việc tiếp thu kiến thức về pháp luật, thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng không đem lại hiệu quả. Đặc biệt là tâm lý an phận thủ thường, khiến phụ nữ không dễ dàng chia sẻ những thiệt thòi trong đời sống gia đình…
Tuyên truyền giáo dục pháp luật cho chị em phụ nữ cùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số chính là nhằm nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật để đấu tranh quyền lợi chính đáng cho chị em phụ nữ; góp phần thực hiện quyền bình đằng giới và nâng cao vị trí của mình trong gia đình và xã hội. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực học hỏi của chị em thì rất cần sự vào cuộc chung tay của các tổ chức ban ngành.
(Thu Vinh)